Nhận ra mình đã nhận được nhiều tình cảm từ bạn bè, người thân và cả học trò, Minh Tâm sống lạc quan, mạnh mẽ và yêu thích công việc thiện nguyện, muốn cho đi nhiều hơn.
Không bỏ cuộc
Đó là câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, 34 tuổi, thạc sỹ chuyên ngành toán, đang giảng dạy tại trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Hiện tại cô đang sống cùng mẹ già trong căn nhà cấp bốn ở khóm 5, phường 6 (TP Cao Lãnh).
Cô Tâm sống lạc quan và đầy nghị lực.
Năm 2009, cô Tâm đang trên đường đi vận động học sinh đến trường THPT Tân Thành ở xã Tân Thành A (Tân Hồng) vùng sâu vùng xa của tỉnh Đồng Tháp thì bất ngờ gặp tai nạn. Chiếc ô tô chở vật liệu xây dựng lên được nửa cầu, bị tuột dốc, lao thẳng vào cô, bánh sau xe tải cán lên chân trái. Cô gái tỉnh dậy tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với cơ thể không còn lành lặn. Cú sốc lớn ở độ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết khiến cô gái 23 tuổi suy sụp hoàn toàn.
Cô kể, ban đầu chịu nhiều vấn đề tâm lý từ bản thân và nhiều người, họ nghĩ rằng mình không làm được việc này việc khác. Chưa kể xét về góc độ nào đó họ còn xem thường mình nữa. Vì thế, không còn cách nào khác là phải đứng dậy ổn định tâm lý. Hơn nữa, trong thời gian này đọc nhiều câu chuyện có hoàn cảnh giống như mình nhưng vượt qua khó khăn để cống hiến cho xã hội nên đã thôi thúc mình không được bỏ cuộc, phấn đấu vươn lên. Thêm vào đó, mình đã nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ từ người thân, bạn bè và cả học trò thân yêu. "Có em nói ước gì cắt đôi chân của em để tặng cho mình, chính điều đó đã thôi thúc mình yêu nghề, đến nay đã 11 năm vẫn nhớ đến câu nói ấy của các em học sinh", cô Tâm xúc động nói.
Sau khi phục hồi, cô chuyển công tác về trường Thiên Hộ Dương gần nhà giảng dạy cho đến nay và làm thiện nguyện để giúp đỡ người khác. Năm 2015 cô Tâm thành lập Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm để chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là với những người cùng cảnh ngộ. Ban đầu cô bán hoa hồng để gây quỹ làm từ thiện, tuy nhiên gặp vô vàn khó khăn do chưa được người khác ủng hộ. Chưa kể phương tiện đi lại, đường trơn trượt, nhiều lần vấp ngã. "Có những thời điểm khó khăn làm cho mình khóc, nhưng khóc xong gạt nước mắt để tiếp tục đi trên con đường mà mình mong muốn", cô Tâm bộc bạch. Từ hoạt động bán hoa hồng gây quỹ, sau đó cô làm thêm nhiều hoạt động khác giúp đỡ mọi người và nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là người khuyết tật.
Cô luôn giữ cho mình sự lạc quan, yêu đời.
Muốn cho đi...
Trò chuyện một hồi, cô Tâm chợt nghĩ đến câu chuyện "Dám nghĩ dám làm" của Bác khi nhớ về lúc tham gia giải Marathon 2020 tại TP.HCM. Ban đầu nghĩ rằng cô giáo trẻ sẽ không bao giờ làm được nhưng cuối cùng đã chinh phục cự ly 5km trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Cô bảo, đến với giải Marathon 2020 không đơn thuần là vượt qua chính mình mà tham gia vì người khuyết tật, bởi qua đó góp phần vào hoạt động gây quỹ giúp cho các những người khuyết tật khó khăn, những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. Chính những điều ý nghĩa này là động lực cho cô gái Sen Hồng thử thách bản thân ở lĩnh vực mới. Để chuẩn bị cho cuộc thi đó, ngoài việc hằng ngày vẫn lên lớp bình thường, cô sắp xếp thời gian để tập thể dục, đến phòng gym tập chạy bộ, kiên trì bền bỉ suốt mấy tháng trời. "Dù khiếm khuyết nhưng với những gì trải qua, tôi nhận ra sứ mệnh của cuộc đời mình là muốn được cho đi, cống hiến cho xã hội. Đó là động lực lớn nhất để tôi luôn tiến về phía trước", cô Tâm chia sẻ.
Cô Tâm giúp đỡ nhiều người.
Với người bình thường chạy vài km đã khó huống chi phải mang chân giả chạy trên đường đến 5 km là vô cùng khó khăn nhưng cô vẫn mạnh mẽ vượt qua. "Lúc chạy đến hơn nửa đoạn đường là đuối sức, muốn dừng lại bỏ cuộc nhưng nghĩ đến những người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam nên mình đi tiếp, đó chính là động lực để mình hoàn thành cự ly 5km", cô Tâm nhớ lại.
Ngoài ra, cô Tâm còn vinh dự là 1 trong 401 đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do Trung ương Đoàn tổ chức tại Nghệ An vào cuối tháng 5 vừa qua. Với cô gái đặc biệt của vùng đất Sen Hồng, cảm giác được ra quê hương Bác nhận danh hiệu cao quý này là niềm vinh dự xen lẫn tự hào, vì cô nghĩ rằng đó là minh chứng cho "người tàn nhưng không phế", người khuyết tật cũng đã làm nhiều việc để đóng góp cho xã hội. "Khi nhận giải thưởng, cảm giác đầu tiên của mình là sự khích lệ, ghi nhận cũng như là tiền đề để tiếp tục phấn đấu", cô Tâm chia sẻ.
Cô tâm nhận huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. - ẢNH: NVCC
Từ năm 2015 đến nay, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã vận động gần 500 triệu để tặng quà, bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho người khuyết tật, bà con nghèo, khó khăn ở thành phố Cao Lãnh, huyện Tân Hồng. Riêng trong năm 2019, vận động gần 40 triệu giúp giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật ở trong tỉnh; hỗ trợ cho phụ nữ nghèo mượn vốn làm ăn để thoát nghèo với tổng số vốn 20 triệu. Bên cạnh đó, còn vận động trên 38 triệu đồng tổ chức chương trình Giao lưu văn nghệ và tặng 120 phần quà cho người khuyết tật. Ngoài ra, đến các bệnh viện, trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh thăm, động viên và tặng quà cho gần 100 bệnh nhân mất chân do tai nạn, bệnh.
Nguồn: Báo Tiền Phong