Vì sao? Vì tuổi trẻ năng động và có một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên dễ dàng tiếp nhận những việc làm tốt đẹp có ích lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu chúng ta vô tình bỏ quên mảng này thì một tương lai gần chắc chắn chúng ta hụt hẫng giới cư sĩ tại gia. Hiện nay một số nơi có hiện tượng cha mẹ qua đời, các con đem hình tượng Phật gởi lại chùa. Vì sao có cảnh đau lòng này? Phải chăng, lâu nay chúng ta phần nhiều chú trọng đến việc hướng dẫn người lớn tu tập, nên các đạo tràng chỉ chú trọng việc mở Bát Quan Trai, Niệm Phật một ngày, Phật thất bảy ngày, Đạo tràng tụng Kinh Pháp Hoa,…
Những đạo tràng này đa phần là người lớn tuổi, thanh thiếu niên rất ít có mặt trong các đạo tràng này. Là nhà hoằng pháp, là sứ giả Như Lai, với trách nhiệm đem đạo vào đời làm an lạc và lợi ích cho đời, chúng ta có ưu tư, trăn trở đến việc nên hướng dẫn tuổi trẻ đến với Phật pháp hay không? Nhất là ngày nay xã hội đang cảnh báo đạo đức trong thanh thiếu niên xuống cấp. Có nhiều mô hình giáo dục cho thanh thiếu niên ở xã hội, nhưng tại sao chúng ta phải đặt lại vấn đề giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên? Vì ở tuổi trẻ có những đức tính tốt phù hợp tinh thần Phật pháp, nếu biết khéo léo ứng dụng thì chắc chắn giới trẻ đến chùa ngày một đông hơn.
Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên vài đức tính tiêu biểu ở giới trẻ qua sinh hoạt hằng ngày:
Tính chân thật
Tuổi trẻ tâm hồn thật thà chất phác, không biết khách sáo, thấy sao nói vậy, thường hổ thẹn với những việc làm tội lỗi, nếu gặp môi trường tốt dễ hấp thụ đức tính tốt. Ngày nay có một số đạo tràng mở khóa tu ngắn ngày dành cho thanh thiếu niên Phật tử, số lượng tham dự rất đông. Trong các buổi sinh hoạt, quý thầy thường kể những mẩu chuyện đạo có nội dung nói về nhân quả, luân hồi, lòng vị tha, v.v… các em rất thích. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi đến chùa các em thường quây quần bên quí thầy, quí cô nghe kể chuyện Phật pháp. Đây là dịp tốt để cho chúng ta có cơ hội giới thiệu tinh thần đạo đức Phật giáo xuyên qua các mẩu chuyện đạo, chắc chắn các em sẽ thích thú lắng nghe và ghi nhớ. Do đó, nếu tạo được điều kiện và môi trường thuận lợi để các em được đến chùa tu tập thì rất tốt. Nếu hoằng pháp mà chưa quan tâm đến lãnh vực nầy thì quả thật là một thiếu sót lớn.
Lòng nhân ái
Hấp thụ từ sự giáo dục đạo đức ở nhà trường, biết lễ phép với người lớn, biết hiếu thảo với cha mẹ, biết nhường nhịn với anh em, biết thương và giúp đỡ người cơ nhỡ, biết sợ việc làm tội lỗi, v.v…Ở tuổi trẻ thường thấy mỗi khi chúng bồng con chó, con mèo con trên tay, chúng nựng nịu, âu yếm con vật, nếu con vật lỡ bị mất trộm hoặc chết thì chúng rất buồn. Đạo Phật dạy con người biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, biết tôn trọng sự sống, tránh xa và không giết hại sinh vật, điều nầy rất phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Do đó nếu được bồi dưỡng chất liệu Phật pháp thì chắc chắn các em sẽ làm tốt và có ý nghĩa hơn.
“Dạy con từ thuở còn thơ…” thì việc dạy đạo đức Phật giáo cho giới trẻ ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường là điều hợp lý và thiết thực, vậy nên tích cực động viên các bậc phụ huynh là Phật tử nên mạnh dạn đưa trẻ đến chùa để thực tập các khóa tu ngắn ngày hoặc những buổi sinh hoạt Phật pháp
Lòng vị tha
Sự chia sẻ từ vật chất đến tinh thần chúng ta thường thấy thể hiện ở giới trẻ một cách rõ nét qua nhiều trường hợp. Ở nhà chúng rất thương anh chị em, mỗi khi ai cho vật gì mới lạ cũng chia sẻ với nhau, nếu gặp trường hợp anh em bị người khác hiếp đáp thì liền bênh vực. Ở trường, chúng thường giúp đỡ bạn bè trong việc học vấn như cho mượn vở để chép bài, giới thiệu sách hay để đọc, cùng nhau giải những bài toán khó, thấy bạn gặp hoàn cảnh khó khăn cùng nhau tạo điều kiện giúp đỡ. Ở xã hội, thấy cảnh bất công, chúng không bằng lòng và tỏ thái độ phản đối v.v… Lòng vị tha này rất phù hợp với tinh thần “vô ngã, vị tha” trong giáo lý Phật giáo.