Đến với đạo Phật từ tình yêu vợ
Phật tử Phạm Trần Nhật Minh (pháp danh Như Phú) cho biết mình từng phạm “giới thứ ba” (tức tà dâm) trong năm giới của nhà Phật đối với người cư sĩ. Đó là nguyên nhân khiến hôn nhân của anh và vợ (là Phật tử Phạm Thị Hồng Nga) đứng bên bờ đổ vỡ. Lúc đó, tình yêu vợ con của anh lớn hơn bất cứ thứ gì khác nên cuối cùng, vợ con cũng quay về sau khi bỏ tất cả sang Mỹ. Dù trở về bên nhau nhưng vợ vẫn chưa tin anh có thể thay đổi để ở bên gia đình với vẹn nguyên tình yêu như trước. Để làm cho vợ tin mình, Minh Nhựa chọn quy y Tam bảo và thọ Ngũ giới của người Phật tử, trong đó có giới thứ ba (tôn trọng đời sống gia đình, không tà dâm).
Ngày quy y ở chùa Giác Chơn (Q.6, TP.HCM) - ngôi chùa mà trước đó, gia đình bên ngoại thân thiết - khi TT.Thích An Thông, trụ trì cùng chư Tăng chủ trì khóa lễ xướng các giới trong 5 giới của người Phật tử, ai cũng bất ngờ khi thấy anh thọ nhận đến 4 giới, vì trước đó, anh chia sẻ chắc chỉ xin thọ trước… một giới để giữ cho trọn. Không ai tin được anh phát tâm mạnh mẽ như vậy.
Minh Nhựa phóng sinh cá sách đỏ tại sông Tiền. Ảnh tư liệu.
Nhắc lại điều này, Minh Nhựa cho biết, chính anh cũng bất ngờ, có lẽ vì nhân duyên đã tới nhưng cũng có thể vì tình yêu anh dành cho vợ con quá nhiều. Ngay trong buổi lễ hôm ấy, anh nói với vợ: “Chồng đã quy y, thọ giới, quyết giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình thì vợ cũng quy y đi, để chúng mình cùng vun đắp”. Thế là, vợ anh cũng phát tâm quy y, thọ giới.
Kể về hành trình ngộ đạo của mình, Minh Nhựa cho biết có nhiều sự ly kỳ lắm. Ngoài việc quy y lần đầu đó thì sau này anh còn có duyên gặp gỡ, được sự chỉ dạy của ngài Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa (dòng Drukpa). Biết đến Tăng đoàn Drukpa từ những lần phái đoàn về tu viện Quan Âm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nhưng mãi đến khi sang Bhutan thì anh mới được nương tựa theo ngài Gyalwa Dokhampa, chính thức học pháp với pháp môn Mật tông. Cũng từ đó, Minh Nhựa chuyển hóa mạnh mẽ trong đời sống, công việc và các mối giao tế hàng ngày.
“Mỗi ngày tôi đều hành trì tại nhà. Các con tôi cũng được tôi khuyến khích, nhắc nhở thực tập theo phương pháp mà tôi đang thực hành. Vợ tôi ít hơn, nhưng cô ấy cũng là người có sự thực tập”, anh Minh chia sẻ.
Cả gia đình cùng tin, cùng thực tập giáo pháp, theo con đường phù hợp nên trở nên hòa hợp hơn. Anh Minh nhớ lại lần thăm Tiger’s Nest (Bhutan) - nơi gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài Liên Hoa Sinh - khi đang đi, bỗng anh phát tâm sẽ “tam bộ nhất bái” cho hành trình này, để hồi hướng cho ba mẹ. Vợ anh sau đó cũng đã hành trì với chồng, những người bạn cùng đi thấy vậy cũng làm theo. “Có những việc tôi làm phát xuất từ tâm thuần khiết, không tính toán nên được những người xung quanh cảm nhận được, rồi họ làm theo”, anh nói.
Theo doanh nhân Minh Nhựa, quá trình đến với đạo và học đạo của anh cũng vậy, tự nhiên như phải lúc, phải lẽ thì biểu hiện. Khi nói về chữ Hiếu, anh Minh xúc động cho biết: “Mình vẫn chưa tròn hiếu vì còn để ba mẹ phải lo, phải nghĩ”. Có lẽ vì tấm lòng ba mẹ thì lúc nào cũng sợ con mình chưa thật vững vàng nhưng hơn hết “là từ phía tôi, vẫn chưa khiến ba mẹ an tâm để nghỉ ngơi”, anh trải lòng.
Nhưng cũng có một điều may mắn với anh Minh là, trong nhiều chuyến tạo duyên, dẫn dắt mẹ và người thân đi hành hương, thân cận các vị tu hành, thiện tri thức thì chính mẹ anh cũng đã quy y, chọn con đường học Phật, hành theo Phật làm nẻo về bình an trong cuộc đời.
Xây dựng văn hóa vui vẻ trong công việc
“Mỗi ngày làm việc phải là một ngày vui”, Minh Nhựa đã nói như thế khi chia sẻ về việc xây dựng văn hóa công ty mà anh đang là Phó Tổng Giám đốc. Vào nơi làm việc của Minh Nhựa mới thấy tín tâm của Phật tử này. Ở đó, có một phòng thờ với trầm thơm và mùi sáp bơ cúng dường Tam bảo khiến ai bước vào cũng ngay lập tức thấy nhẹ nhàng, bình an.
Góc làm việc của một Phó Tổng Giám đốc lại rất đơn sơ, chỉ có một chiếc máy tính và nhiều hình ảnh gắn với những cuộc tương ngộ tâm linh của anh với những vị thầy hữu duyên, khả kính. “Mỗi bức ảnh ở đây đều đặc biệt với tôi, là những cột mốc đáng nhớ, nhắc mình về những nhân duyên thiện lành trên con đường học Phật”, anh Minh chia sẻ.
Điều bất ngờ, ngoài việc hành trì riêng biệt tại nhà, có tham vấn với thầy, với bổn sư - ngài Gyalwa Dokhampa, thì tại phòng thờ ở ngay không gian làm việc, Minh Nhựa cũng thường đọc kinh, trì chú mỗi ngày. “Đó là sự thực tập giúp mình định tĩnh, sáng suốt, nhìn thấy được tất cả mọi việc rõ ràng hơn”, anh nói.
Và mỗi ngày, từ cánh cửa phòng làm việc, Minh Nhựa quan sát gương mặt nhân viên của mình, xem họ có niềm vui hay nỗi buồn nào, để rồi từ đó tạo thêm tiếng cười cho họ bằng cách quan tâm, chia sẻ đúng lúc. Anh vẫn hay nói với nhân viên của mình rằng, các em đi làm ngoài việc mưu sinh thì còn phải có niềm vui, hạnh phúc trong mỗi ngày đi làm nữa.
Thấu rõ giá trị đóng góp của nhân viên không chỉ giới hạn ở năng suất công việc, trên những con số hoàn thành nhiệm vụ mà quan trọng hơn còn là chất liệu vui vẻ khi làm việc, Minh Nhựa quyết tâm lấy nụ cười làm tiêu chí cho cấp dưới phải giữ gìn. “Thực ra, khi họ có niềm vui, hạnh phúc trong công việc thì sự cống hiến cho công ty mới cao nhất, và đó cũng là lúc họ nhận về xứng đáng những gì đã làm”, anh Minh giãi bày.
Nhìn lại và so sánh thời gian trước và sau khi thực tập Phật pháp, Minh Nhựa cho biết, cái anh đạt được lớn nhất không phải là doanh số mà là tạo ra được những con người làm việc có niềm vui. Có lẽ vì cảm được sự thay đổi tích cực của anh trong công việc nên cũng có nhiều đồng nghiệp, cộng sự đã thay đổi theo.
* Về hiếu đạo, anh tự nhận mình đã làm tròn?
- Tôi tự thấy mình chưa tròn hiếu đạo, vì có lúc vẫn làm cho ba mẹ lo, buồn. Ba mẹ tôi còn chưa buông việc, phải lo làm ở tuổi lẽ ra phải nghỉ ngơi, có nghĩa là họ chưa yên tâm ở tôi. Trong công việc, giữa tôi và ba mẹ vẫn còn xung đột với nhau, đó là điều khó tránh. Có lẽ do mọi người chưa phải là Phật tử nên cách ứng xử còn khác nhau, dẫn tới điều ấy. Thực ra, dù trong công việc, tôi có trúng cỡ nào nhưng làm cho ba mẹ không vui thì cũng là không có hiếu rồi.
Điều an ủi là, trong quá trình tu tập, mẹ tôi đã chuyển hóa theo hướng tôi đang đi, cùng quy y với vị thầy mà tôi đã theo học, thực tập.
Hiếu là phải báo hiếu trong mỗi phút mỗi giây, tôi chưa làm trọn điều này. Hi vọng, trong tương lai, tôi sẽ làm tốt hơn công việc cũng như bổn phận làm con của mình.
Anh cũng tâm đắc với công việc thiện nguyện hướng về trẻ em, để gieo cho các em những ý niệm thay đổi cuộc sống bằng nỗ lực tự thân trong mỗi mùa Tết, Trung thu, thông qua những món quà tiếp sức. Việc phóng sanh, tặng quà, hay chia sẻ việc học Phật của Minh Nhựa cũng là con đường mà theo anh, được thầy mình khéo nhắc. Thỉnh thoảng, anh lại tìm gặp thầy để thọ giáo những khúc mắc và trở về tiếp tục hành trình, chia sẻ những điều thật chân thành với những ai cần nghe.
Nói về nhân-duyên-quả trong đời, anh Minh trầm tư: “Những gì mình làm chắc chắn sẽ đạt được trong lúc nào đó. Không nên cưỡng cầu nó phải đến thật nhanh vì khi có mong cầu như vậy thì mình đã đánh mất niềm vui khi tạo tác các việc lành”. Do vậy, hàng ngày, bằng cách này cách khác, anh Minh vẫn đang gieo vào cuộc sống mình những hạt giống an vui nhưng không nghĩ đến việc ‘bao giờ có quả’. Chính vì thế, niềm vui của anh chính là “an trú trong hiện tại, trong từng việc mình làm, không nghĩ về quá khứ hay tương lai”.
Theo Báo Giác Ngộ