Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12), Nguyễn Ngọc Nhứt đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Giác Ngộ. Nhứt kể:
- Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học xong lớp 9, tôi quyết định nghỉ học, mong muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Lúc đó, tôi chọn làm thợ hàn sắt và trong một lần bất cẩn bị thanh sắt vướng vào dây điện, tôi bị điện giật.
Trong suốt 2 tháng, người thân đưa đến các bệnh viện, từ Cần Thơ lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nhưng rồi vẫn không cứu được đôi tay của tôi, vì đã bị hoại tử. Bác sĩ bảo “rất tiếc, chúng tôi buộc phải cưa bỏ đôi tay của bệnh nhân để giữ lại tính mạng của em ấy”. Lúc đó, tôi rất sốc, đau khổ vì bỗng chốc trở thành người khuyết tật…
* Mất bao lâu để Nhứt vượt qua cú sốc ấy?
- Sau 3 tháng điều trị, tôi xuất viện. Về nhà, tôi khép mình trong thế giới riêng của mình với nhiều buồn tủi, cảm thấy rất bế tắc. Nhưng, như người xưa kinh nghiệm, thời gian sẽ chữa lành mọi thứ. Vết thương trong lòng tôi dần dịu đi nhờ sự động viên, nhất là sự chăm sóc của mẹ, người thân cũng như yểm trợ từ mọi người xung quanh. Cố lên, đừng bỏ cuộc, ráng vượt qua nhé! Đó là tiếng lòng của tôi cũng là lời động viên liên tục của người thân thương, những người biết được nỗi đau của mình.
Tôi nhận ra, mình đã nhận được rất nhiều yêu thương, quan tâm, mình không được để nỗi đau, mất mát của bản thân khiến người thân, người thương mình lo lắng. “Mình không được để mình mất mát thêm nữa sau tai nạn đau đớn này”, tôi tự nhủ. Từ đó, tôi vượt qua, chắc cũng trong một năm mới hoàn toàn. Tôi quyết định trở lại trường học vì khi đôi tay không còn, mình phải nâng tri thức lên.
Nguyễn Ngọc Nhứt trong một chương trình giao lưu, truyền cảm hứng sống tích cực - Ảnh: NVCC
* Hành trình trở lại đó khó khăn nhiều không? Nhứt vượt qua như thế nào?
- Tất nhiên không đơn giản. Thứ nhất là việc di chuyển, ban đầu tôi không tự đi được, phải nhờ người chở. Thứ hai, do nghỉ học quá lâu, kiến thức của tôi bị hụt, phải nỗ lực gấp nhiều lần để lấp đầy lại.
Tôi bắt đầu tìm lại những công thức toán học, mày mò, nghiên cứu và làm bài tập. Ban đầu, tôi vẫn còn buồn khi gặp những trắc trở trên. Nhưng nhìn những sợi bạc trên mái tóc ba má, tôi biết mình cần phải bước đi tiếp. Ông bà đã có một cuộc đời vất vả, tôi không thể bỏ cuộc được.
Cứ vậy, tôi tự động viên mình. Sau đó, tôi kết nối với cộng đồng những người khuyết tật. Ở đó, tôi “gặp” được rất nhiều anh chị em, những người khuyết tật bẩm sinh và cả những người vì lý do tai nạn, bệnh tật… đã mất đi một phần khả năng, một phần bộ phận cơ thể. Tuy vậy, họ không đầu hàng số phận. Chính những con người ấy đã thắp lửa niềm tin trong tôi đứng lên…
* Hiện tại, Nhứt đã là sinh viên và tràn đầy năng lượng…
- Đó là những gì anh và mọi người nhìn thấy (cười). Thực ra, trên hành trình của mình, tôi cũng có lúc chông chênh đó chứ. Nhưng tôi ghi nhận những biểu hiện đó, không cố ép mình phải mạnh mẽ tuyệt đối, rồi tôi bước qua.
Tôi nhớ ngày nhận tin trúng tuyển đại học, cả gia đình mừng đến rơi nước mắt. Mẹ tôi nghẹn ngào động viên: “Chỉ cần con học, cực khổ cỡ nào mẹ cũng lo được”. Cả nhà tôi chỉ có mình tôi học hết THPT, và đỗ đại học. Ở môi trường học tập năng động tại TP.HCM, tôi được thầy cô, bạn bè, người thân thương biết mình qua mạng xã hội hỗ trợ, động viên. Tôi được “nuôi dưỡng” trong biển yêu thương đó nên tươi trẻ và tích cực hơn nhiều.
Hiện, tôi có biệt hiệu là “Cụt yêu đời”. Thực sự, tôi không còn cảm thấy vụ tai nạn điện giật năm 16 tuổi của mình là bất hạnh nữa. Vì nhờ nó, tôi trở thành người mạnh mẽ hơn, tôi nghĩ vậy. Có vị thầy đã nói, chúng ta sinh ra là để học bài học của đời mình, do duyên - nghiệp mà ta (bắt buộc) phải học bài học ấy. Với tôi, đó là bài học mất đôi tay ở tuổi quá trẻ. Nếu đó là bài học phải học thì sao mình không vui vẻ để học?
Tôi cảm ngộ về vô thường nên trân trọng từng phút giây được sống, sống vui với những gì còn lại, đang có, thay vì than vãn, buồn tủi vì những cái đã mất, không còn…
Nguyễn Ngọc Nhứt và mẹ - Ảnh: NVCC
* Ở tuổi 24, Nhứt có vẻ rất trưởng thành?
- Tôi vẫn học mỗi ngày. Tôi nghĩ do mình trải qua biến cố quá lớn và quá sớm nên… giác ngộ cuộc sống sớm hơn. Tất nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, tôi phải nỗ lực nhiều thêm nữa.
Tôi thích đọc Thiền sư Nhất Hạnh và nghe thầy Minh Niệm giảng. Tôi được nuôi dưỡng tâm hồn mình rất nhiều từ những bài pháp, cách quán niệm về cuộc sống mà quý thầy dạy. Tôi biết ơn mọi điều đã trải, mọi nhân duyên được gặp và nhiều người dõi theo, nâng đỡ mình…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự