Cứ vào mỗi buổi chiều cách ngày, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, Đại úy Thạch Bình, Trưởng công an xã Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) chạy xe đến lớp phổ cập tiếng Khmer quen thuộc, do chính anh đứng lớp.
Trong căn phòng nhỏ, đại úy 32 tuổi ân cần truyền tình yêu con chữ tới học sinh nghèo người dân tộc.
Sinh ra trong gia đình nông dân Khmer ở vùng đất Cờ Đỏ, cuộc sống gặp không ít khó khăn, nhưng từ nhỏ, anh Bình đã có mơ ước sau này lớn lên sẽ làm Công an.
Uớc mơ đó trở thành hiện thực khi anh được chọn vào ngành theo diện cử tuyển người dân tộc. Sau khi tốt nghiệp Trung học An ninh chính quy (nay là trung cấp - PV), rồi đại học ngành Tôn giáo dân tộc, anh Bình về nhận nhiệm vụ tại Công an huyện Cờ Đỏ.
Lớp học của Đại úy Thạch Bình và các em nhỏ tràn đầy ấm áp, yêu thương.
Tại đây, anh được bổ nhiệm làm đội phó an ninh huyện. Qua việc thực hiện chủ trương tăng cường công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, Đại úy Bình được điều động về Thới Xuân - nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất của TP Cần Thơ để giữ chức Trưởng Công an xã.
Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ anh Bình còn nhiều bỡ ngỡ bởi trước đây chỉ hoạt động chuyên ngành An ninh.
“Trước khi về phụ trách địa bàn xã, tình hình an ninh trật tự nơi đây còn phức tạp, do tình trạng cờ bạc, thanh niên tụ tập đánh nhau… Từ khi có Công an chính quy về, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến nay tình hình an ninh trật tự đã ổn định”, Đại úy Bình chia sẻ.
Với lợi thế là người Khmer, Đại úy Bình dễ dàng giao tiếp, tạo thiện cảm với bà con ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Khi xuống địa bàn, anh hay mặc thường phục để thêm gần gũi với bà con, lắng nghe, chia sẻ khó khăn, vất vả của người dân.
Đại úy Bình còn cùng các cộng sự của mình thường xuyên xuống từng hộ dân tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia tố giác, phòng chống tội phạm, bảo vệ sự yên bình cho từng xóm ấp.
Rảnh rỗi, đại úy Thạch Bình cắt tóc “miễn phí” cho trẻ em nghèo.
Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đại úy Bình làm công tác dân vận rất giỏi. Đặc biệt sau 2 năm về địa phương mới phục vụ, anh trở thành “điểm tựa” cho nhiều thanh niên lầm lỗi.
Bà Đoàn Thị Thanh, chi hội phụ nữ xã đánh giá: “Thạch Bình về đây làm việc đã làm thay đổi ý thức của người dân rất nhiều. Người dân nào khổ là Bình tình nguyện giúp đỡ, kể cả những người lầm đường lạc bước”.
Đơn cử, trước đây thanh niên Đoàn Văn Cư (ngụ ấp Thới Thuận) là nỗi ám ảnh của người dân khi thường xuyên tụ tập, gây gổ đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Sau khi được anh Bình cảm hóa, Cư chí thú làm ăn, có thu nhập ổn định.
Không dừng lại ở chuyện làm tốt giữ gìn an ninh trật tự, Đại úy Bình còn khuyên nhủ người dân lo cho con cái học hành, lấy cái chữ để cải thiện cuộc sống. Anh lấy bản thân mình ra làm ví dụ để thuyết phục bà con.
Hộ nào không có tiền mua sách vở, đóng học phí, anh đi vận động đồng nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ. “Mưa dầm thấm đất”, nỗ lực vận động cho con trẻ đến trường của anh đã làm cho trình độ dân trí của bà con nâng lên, nhiều trẻ em người dân tộc Khmer nuôi những ước mơ đổi đời khi ngồi trên ghế nhà trường.
Đặc biệt, vào chiều muộn cách ngày, sau giờ làm việc, Đại úy Bình lại đến lớp phổ cập tiếng Khmer, do chính anh đứng lớp.
“Tôi đi vận động từng nhà, gom mấy em lại học rất khó. Ngoài ra, do các em có nhiều lứa tuổi khác nhau mà học chung nên cũng khó khăn trong việc dạy”, Đại úy, thầy giáo Bình chia sẻ.
Đại úy Bình cùng các đơn vị tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Có lẽ thấu hiểu tấm lòng của vị đại úy trẻ tuổi, các em đều học tập chăm chỉ, lắng nghe từng lời anh dạy.
Chính sự tận tậm của Đại úy Bình, lớp học ban đầu chỉ vài em, nhưng chỉ thời gian ngắn các phụ huynh đã cho con theo học ngày càng nhiều.
Nhớ lại những ngày đầu, vị Trưởng Công an xã gặp nhiều khó khăn, do anh không qua trường lớp sư phạm, nên phải dành nhiều công sức tìm tài liệu, bổ sung giáo án để có thể truyền đạt kiến thức.
Bên cạnh đó, Đại úy Bình còn dạy toán, tiếng Việt cho các em nhỏ; đặc biệt là dạy văn hóa ứng xử cho các em qua những
Để những buổi học được sinh động, Đại úy Bình còn tìm những câu nói, câu chuyện hay. Đặc biệt, dù giờ làm việc và dạy học nhiều hơn giờ nghỉ, nhưng cứ hơn nửa tháng hay một tháng, Đại úy Bình lại trổ tài tay nghề "cầm đầu" - cắt tóc trẻ em, miễn phí một lần.
“Trước đây, tôi có học nghề hớt tóc, về quê thấy tụi nhỏ tóc tai bù xù nên mỗi lần rảnh thì tập hợp các em hớt cho lịch sự. Việc làm của mình chẳng đáng kể nhưng cha mẹ các em đỡ tốn phần tiền này”, Đại úy Bình tâm sự.
(Theo VietNamNet)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự