Chỉ cần con thích học
Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Vương, bà Phạm Thị Toán (tổ 8, ấp Phước Hiệp) nói giản dị như vậy về các con mình. Ông bà có 4 người con, thì có 2 con là thạc sĩ kinh tế, quản trị kinh doanh; 2 người còn lại là cử nhân kinh tế. Các con ra trường, đều có công việc với thu nhập ổn định. Ông Vương trước đây làm nghề biển, còn bà Toán kinh doanh ngư lưới cụ. Do điều kiện khó khăn, cả hai vợ chồng chưa học hết THPT.
“Tôi trước đây đi biển, sau này sức khỏe giảm sút nên tôi về làm việc trên bờ. Ngày trước đi biển trúng nên kinh tế không đến mức nào, nhưng đó là công việc quá vất vả. Tôi định hướng cho các con học hành để có nghề nghiệp ổn định”, ông Vương nhớ lại.
Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông Vương, bà Toán đều học rất giỏi, thường xuyên đạt thành tích học sinh giỏi. Lần lượt Nguyễn Thị Hồng My, Nguyễn Phúc Hữu vào đại học, trở thành cử nhân, rồi thạc sĩ. Các em Nguyễn Thị Hồng Ngân và Nguyễn Phúc Nghĩa cũng theo gương anh chị, trở thành cử nhân. Tất cả có việc làm ổn định, không phải vất vả theo nghề biển, đúng như mong muốn của cha mẹ.
Cũng chăm chút việc học của con, ông Tạ Thái Sơn (tổ 1, ấp Phước Hiệp) có 3 người con, trong đó 1 người đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định; người con thứ đang thời gian thực tập ngành Tiếng Anh thương mại, chuẩn bị ra trường, còn con út học lớp 12 và được gia đình định hướng theo học ngành sư phạm.
Ông Sơn kể, cha mẹ ông sinh được 10 người con, do cái nghèo đeo bám, nên các anh chị em trong nhà chỉ học tới THCS là theo cha mẹ đi làm. 20 năm làm nghề biển, ông hiểu những nhọc nhằn của nghề, nên thường xuyên trò chuyện và hướng con chăm chỉ học hành, đặng có nghề nghiệp nuôi bản thân và gia đình.
“Tôi vẫn nói với các con, dù thế nào ba mẹ cũng lo cho các con học đến nơi đến chốn, chỉ cần các con học hành thành tài. Bên cạnh đó, vào các dịp tổng kết năm học, Trung thu, chi hội khuyến học của ấp, giáo xứ Phước Tỉnh thường xuyên có những phần quà động viên các cháu, khiến các cháu có động lực thi đua học tốt”, ông Sơn chia sẻ.
Bà Phạm Thị Toán trong ngày con gái Nguyễn Thị Hồng My tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh.
Lan tỏa phong trào hiếu học
Phong trào khuyến học được duy trì tại ấp Phước Hiệp (trước đây là ấp Tân An) từ năm 2008 đến nay. Ấp Phước Hiệp có 608 hộ dân với hơn 2.800 nhân khẩu, trong đó 60% là giáo dân và phần lớn người dân làm nghề biển, dịch vụ hậu cần biển.
Hàng năm, cùng với việc vận động nhân dân đóng góp các loại quỹ, như: Phòng chống thiên tai, Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người cao tuổi…, ấp Phước Hiệp luôn chú trọng đến Quỹ khuyến học. Theo đó, mỗi hộ ủng hộ 20.000 đồng/năm. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm cũng nhiệt tình đóng góp thêm để nguồn quỹ dồi dào.
“Việc sử dụng tiền quỹ được chúng tôi công khai, đúng mục đích để người dân nắm. Những phần quà khen thưởng, những suất học bổng hoặc SGK, tập vở kịp thời đến với HS là món quà tiếp thêm động lực để HS tiếp tục học tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội”, ông Nguyễn Văn Nhỏ, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban điều hành ấp, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ấp Phước Hiệp cho biết.
Để duy trì việc không có HS bỏ học, nghỉ học, Chi hội Khuyến học ấp Phước Hiệp có sự kết nối chặt chẽ với các trường học. Ngay khi có thông tin về HS không đến trường, đại diện Ban ấp tổ chức thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS và gia đình để có hướng động viên, hỗ trợ HS đi học trở lại. Năm học 2021-2022, có 2 HS nghỉ học, năm học 2022-2023, có 1 HS nghỉ học, Ban ấp kịp thời động viên các em tiếp tục trở lại trường.
“Tính đến nay, ấp Phước Hiệp có 1 tiến sĩ, 50 thạc sĩ, 7 bác sĩ, 400 cử nhân. Với những thành tích về khuyến học, khuyến tài của mình, năm 2015, ấp Phước Hiệp đã được Hội Khuyến học tỉnh công nhận là đơn vị hiếu học. Điều này cho thấy phong trào khuyến học tại ấp Phước Hiệp nói riêng, xã Phước Tỉnh nói chung luôn được chú trọng, không để trẻ trong lứa tuổi đi học phải xa trường lớp, nhất là vì lý do hoàn cảnh khó khăn”.
(Bà Đỗ Thị Ngọc Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh)
Nguyễn Hoàng Khánh hiện là HS lớp 6G, Trường THCS Trần Nguyên Hãn. Cha mẹ ly dị, Khánh ở với ông bà ngoại. Ông bà lớn tuổi, làm thuê làm mướn, nên hoàn cảnh khó khăn. 2 năm trước, khi đang là HS lớp 4, Khánh nghỉ học. Ngay khi nắm được thông tin, đại diện Ban điều hành ấp đã đến chơi, trò chuyện và lắng nghe nguyện vọng của em. Sau đó, Ban điều hành ấp đã giúp em chiếc xe đạp để có phương tiện đi học, SGK, tập vở, đồng thời đỡ đầu em mỗi tháng 500.000 đồng. Dịp đầu năm học, hoặc các dịp lễ, tết, Ban điều hành ấp đều có những phần quà động viên Khánh.
“Em rất xúc động vì được các bác, các cô chú quan tâm. Em sẽ ráng học, sau này học nghề sửa chữa ô tô, nuôi ông bà”, Khánh nói về ước muốn của em trong tương lai.
Nguồn Baobariavungtau.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự