"Thầy giáo" ở lớp học tình thương Ngọc Việt

Chủ nhật - 05/11/2023 14:45
15 năm qua, "thầy giáo" Huỳnh Quang Khải đã gieo con chữ cho hơn 1000 em học sinh không có điều kiện đến trường...
"Thầy giáo" ở lớp học tình thương Ngọc Việt

Giữa lòng thành phố nhộn nhịp lớp học Ngọc Việt nằm sâu trong một xóm nhỏ ở phường Hiệp Thành, Quận 12 (TP.HCM) đã hơn 10 năm. Lớp học được thành lập bởi anh Huỳnh Quang Khải. Chia sẻ cùng với tôi, anh Khải cho biết bản thân anh vốn mồ côi cha và có một tuổi thơ cơ cực.

Năm 2008, anh Khải nhận thấy trong khu phố mình sinh sống có nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, không biết chữ, cũng không có điều kiện đến trường. Đồng cảm với những khó khăn ấy, anh Khải quyết định mở lớp, mua dụng cụ học tập hỗ trợ các em xung quanh nơi anh sống biết đọc, biết viết và biết tính toán cơ bản… với chi phí 0 đồng.

Học sinh của lớp là trẻ mồ côi, con em người lao động từ quê lên thành phố sinh sống. Hầu hết các em không đủ điều kiện đến trường vì gia đình khó khăn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đều đặn 6 buổi/tuần. Trong gian nhà rộng khoảng 20m2, hơn chục em nhỏ cặm cụi nắn nót từng câu chữ, nhẩm đi nhẩm lại bảng cửu chương vừa được học hôm trước.

viec-tu-te-cua-thay-giao-o-lop-hoc-tinh-thuong-ngoc-viet
Lớp học tình thương Ngọc Việt - Nơi gieo cái chữ cho trẻ em nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Khải dạy cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi buổi học kéo dài trong vòng 3 tiếng buổi tối bắt đầu từ 18h các ngày thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.  Cuộc đời mỗi em giống như mỗi cuốn truyện với những hoàn cảnh khác nhau, có cha có mẹ, hoặc không cha không mẹ, có em ngày thường đi làm, tối đi học bữa được bữa mất, thầy phải dạy lại để em theo kịp các bạn

Cô Hoàng Thy giáo viên dạy tiếng anh của lớp tâm sự về các học trò của mình: "Trong lớp có bạn Bảo Trân, đôi mắt có vấn đề, khả năng nhìn ngày một yếu dần, gia đình khó khăn, bố mẹ làm công nhân. Bé học rất khá, vẽ rất đẹp nhưng do mắt yếu quá nên mỗi ngày thị lực một yếu đi, nghe nói nguy cơ dẫn đến tình trạng không còn nhìn thấy nữa. Mình chỉ mong lớp học được ổn định hơn và nhờ các bậc phụ huynh suy nghĩ hơn về tương lai của các bé".

Dù là cô Thy hay thầy Khải chủ nhiệm đều cảm thấy xót xa bởi có rất nhiều em nhỏ có tố chất thông minh nhưng chỉ vì không đủ điều kiện đến lớp hay những em có hoàn cảnh đặc biệt như Bảo Trân nên không có cơ hội để phát huy được hết bản thân. Bởi vậy mà anh đặt tên cho lớp là Ngọc Việt - Mỗi em học sinh đến đây đều là một viên ngọc quý của anh: 

"Trong thời gian xây dựng, lớp học Ngọc Việt từng khó khăn đến mức cả hai vợ chồng anh phải bán gần hết số vàng cưới của mình, ước tính khoảng 60 triệu. Trước khi bén duyên với công việc hướng dẫn viên du lịch, anh Khải đã từng làm nhiều nghề khác nhau để có tiền đóng học phí như bán vé số, nhân viên bưng bê ở quán ăn, công nhân ở công ty thực phẩm, may mặc. Bởi vậy nên anh không tiếc gì khi đầu tư vào lớp học, anh hi vọng các con không thiệt thòi và bớt khổ cực đi tìm con chữ như mình đã từng".

Anh và vợ cố gắng xây dựng lớp học ngày một tiện nghi, có đủ bàn ghế, dụng cụ học tập, bảng ghi, TV như ở trường chính quy. Lớp được đặt ngay tại nhà nên anh cũng tiện quét dọn, chăm chút để mỗi lần học sinh đi học đều cảm thấy thoải mái.

Tuy lớp học đông, nhưng mỗi học sinh đều có một giáo án riêng. Do các em đến đây vào khoảng thời gian khác nhau, khả năng tiếp thu cũng chênh lệch nên các thầy cô phải chia ra từng nhóm để dạy, anh cũng thường xuyên tổ chức những chuyến đi chơi, cắm trại để các em được trải nghiệm nhiều hơn.

viec-tu-te-cua-thay-giao-o-lop-hoc-tinh-thuong-ngoc-viet-7
15 năm qua, lớp học đã gieo con chữ cho hơn 1.000 em học sinh không có điều kiện đến trường.

Ngoài những vấn đề về tài chính, cơ sở vật chất trang thiết bị cho lớp học, thì điều mà anh Khải lo hơn cả và băn khoăn đó chính là những dự định của các bậc phụ huynh. Nhiều gia đình không hiểu được tầm quan trọng của việc học, chỉ cho con cái học đến biết “cái chữ, con số” rồi nghỉ đi làm thêm:

"Phải nói khó khăn đầu tiên của lớp này từ xưa tới giờ là các bậc phụ huynh, họ không quan tâm về học tập của con em mình. Chỉ cần biết con họ học để biết chữ, rồi biết chữ xong là họ cho con họ đi rửa chén, bán vé số, hoặc công nhân may. Chỉ vậy thôi..."

Sợ học trò bỏ học giữa chừng, anh Khải luôn cố gắng vận động từng em đến lớp, thuyết phục cha mẹ cho con cái đi học đầy đủ. Mỗi năm, anh họp phụ huynh 2 lần để nhấn mạnh việc học rất quan trọng và định hướng sau khi các em hoàn thành chương trình tiểu học sẽ cố gắng cho các em học lên hoặc học nghề theo mong muốn. Chính bởi cái tâm của người thầy mà đối với nhiều học sinh của Ngọc Việt đến lớp không những được học chữ mà còn được nhận cả những yêu thương:

"Con học ở lớp học này rất vui, con được học 2 bộ môn chính tiếng việt, và môn toán. Ngoài ra thầy còn dạy kỹ năng sống. Mấy bạn trong lớp rất hòa đồng, lúc con vô mấy bạn lại bắt chuyện. Điều con thích nhất ở lớp Ngọc Việt lúc bọn con học căng thẳng thầy có dành ra thời gian nói chuyện để chúng con có động lực học tập".

Và cũng từ rất nhiều em học trò như Khánh Vy mà suốt 15 năm qua Ngọc Việt đã có biết bao thế hệ học trò thành công, có những em bây giờ đã có gia đình, công việc ổn định, về lại thăm thầy.

Dẫu khó khăn là vậy nhưng anh Khải chưa từng có ý định bỏ cuộc. Anh chia sẻ mình sẽ duy trì lớp học này đến khi nào anh không còn đủ sức nữa thì thôi. Trong lớp học tình thương Ngọc Việt, một dòng chữ được viết rõ ràng, đẹp đẽ “Sống là cho đi”. Đó là châm ngôn sống của anh Khải và cũng là điều anh mong muốn các thế hệ học sinh của mình thấu hiểu, làm theo.

Nhìn lại thành quả nhiều năm đứng lớp, anh khiêm tốn nói mình chưa làm được gì nhiều, chỉ mong các con sống có ích cho xã hội và không lâm vào con đường phạm pháp để anh tiếp tục có động lực, cần mẫn mang những thứ 0 đồng nhưng lại đem lại cho đời những giá trị rất lớn và vô cùng tươi đẹp cho cuộc đời .

(Theo VOV Giao thông)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây