Hiến máu khi còn là sinh viên
Nhiều năm tham gia hiến máu nhân đạo, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm là một trong những điển hình tiêu biểu của địa phương. Thầy Cảm cho biết: “Từ năm 2005, khi đang là sinh viên năm thứ nhất tại Trường Đại học Sư phạm Huế, nhà trường đã vận động cán bộ giảng viên, sinh viên tham gia phong trào hiến máu nhân đạo. Qua đó, tôi đã đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện. Lần đầu đi hiến máu, tôi cũng có chút lo lắng, phải tìm đến các tình nguyện viên đã nhiều lần hiến máu ở trường để tìm hiểu, nhờ tư vấn. Được mọi người động viên, tôi mới mạnh dạn thực hiện nghĩa cử của mình”.
Sau lần ấy, thầy Cảm nhận thức được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người. Mỗi khi có phong trào hiến máu, thầy đều đăng ký tham gia. Không chỉ hiến máu tại trường, thầy Cảm trực tiếp đến Bệnh viện Trung ương Huế tình nguyện hiến máu. Đồng thời, thầy tự nguyện đăng ký vào danh sách ngân hàng máu sống của Bệnh viện Trung ương Huế để khi bệnh viện thiếu máu đột xuất, thầy sẵn sàng đến truyền máu trực tiếp cho bệnh nhân.
Thầy Cảm cho hay: “Khi đi đến các khu vực điều trị tại bệnh viện, tôi nhận thấy rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cần truyền máu để duy trì sự sống. Tôi nghĩ rằng, bản thân mình còn khỏe mạnh, nếu nhóm máu thích hợp với ai đó, tôi sẵn sàng hiến máu để giúp họ vượt qua bệnh tật. Từ đó, tôi đăng ký số điện thoại của mình với Trung tâm Huyết học, để khi bệnh nhân cần, nhóm máu phù hợp thì mình có cơ hội giúp đỡ bệnh nhân”.
Để nguồn máu được phong phú hơn, thầy Cảm cũng vận động bạn bè, người quen cùng tham gia phong trào hiến máu nhân đạo. Đối với thầy Cảm, việc hiến máu tình nguyện những năm còn là sinh viên để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. “Có nhiều lần tôi lên Trung tâm Huyết học truyền máu của Bệnh viện Trung ương Huế xin được truyền máu. Tuy nhiên, khi đến đăng ký, có thời điểm không được chấp nhận vì khoảng cách giữa các lần hiến máu quá gần, hoặc nhóm máu không phù hợp. Trong thời gian đang là sinh viên tại Huế, tôi tham gia hiến máu 7 lần. Đặc biệt, vào năm 2006, tôi hiến máu tình nguyện 3 lần”, thầy Cảm chia sẻ.
Khi về công tác, giảng dạy tại Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong), thầy Cảm vẫn kiên trì tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Được nhà trường giao nhiệm vụ làm Bí thư Đoàn trường, thầy Cảm hăng hái tổ chức nhiều hoạt động xã hội, trong đó có phong trào hiến máu nhân đạo. Mặt khác, thầy vận động các cán bộ, giáo viên, đoàn viên thanh niên trong trường có đủ sức khỏe tham gia hiến máu. Đối với học sinh, những em đủ 18 tuổi, sức khỏe tốt, có đơn tình nguyện tham gia hiến máu và được phụ huynh cho phép cũng được khuyến khích. Với bản thân thầy Cảm, năm nào có phong trào hiến máu thầy đều nhiệt tình tham gia.
Đến nay, thầy Nguyễn Chơn Cảm đã trải qua 23 lần hiến máu tình nguyện. “Tôi thấy hạnh phúc khi giọt máu của mình có thể giúp được người không may đang rất cần truyền máu để điều trị bệnh, duy trì sự sống. Đó là suy nghĩ xuyên suốt, động viên bản thân tôi kiên trì hiến máu thời gian qua”, thầy Cảm tâm sự.
Từ năm 2015 đến nay, thầy Cảm đảm nhận thêm chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của trường. Qua đó, thầy Cảm đã đưa phong trào hiến máu nhân đạo của nhà trường trở nên ý nghĩa và được nhiều người tích cực hưởng ứng.
Thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: NVCC
Nâng bước học trò gặp khó khăn
Bên cạnh việc tham gia hiến máu nhân đạo, thầy Cảm còn tổ chức nhiều phong trào hướng đến học sinh hoàn cảnh khó khăn. Bản thân thầy Cảm cũng xuất thân trong gia đình có ba, mẹ đều làm nông nghiệp, nên thầy thấu hiểu được hoàn cảnh của nhiều học sinh. Dù mỗi ngày cắp sách đến trường, nhưng các em vẫn nặng mang nỗi lo cơm áo. Vì thế, thầy Cảm luôn tự nhủ phải làm điều gì đó để hỗ trợ các em.
Ba năm công tác ở xã A Túc, thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, thầy đã chứng kiến cuộc sống vất vả của học sinh là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Với khả năng hoạt động xã hội của mình, thầy Cảm đã tìm mọi cách để giúp đỡ các em học sinh vùng cao trên bước đường tìm đến con chữ.
Hoàn thành nhiệm vụ dạy học ở vùng cao, thầy Cảm chuyển về công tác tại Trường THPT Vĩnh Định, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn trường. Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, thầy Cảm nỗ lực đưa ra ý tưởng, tham mưu Ban giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa giúp đỡ học sinh.
Nhiều năm nay, chương trình “Thắp sáng ước mơ” do Đoàn Trường THPT Vĩnh Định tổ chức đã huy động sự vào cuộc của cán bộ, giáo viên, học sinh và các nhà hảo tâm. Trong chương trình, đoàn trường đã đa dạng hóa hình thức gây quỹ để mang về những suất học bổng, món quà đến với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, chương trình đã trao học bổng đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, nỗ lực vượt khó trong học tập. Mức hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng, tùy vào hoàn cảnh mỗi em. Qua 10 năm duy trì, chương trình đã giúp đỡ khoảng 400 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ thế, nhiều học sinh được tiếp thêm động lực, vượt qua thử thách và học tập tốt.
Bên cạnh đó, thầy Cảm còn kết nối, vận động các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Nghĩa tình biên giới” hướng đến học sinh vùng khó khăn, tại một số trường tiểu học, THCS vùng khó ở huyện Đakrông và Hướng Hóa. Vào đầu mỗi năm học, bằng nhiều cách, Đoàn Trường THPT Vĩnh Định đã quyên tặng học bổng, sách vở, quần áo để trao đến các em học sinh ở địa bàn miền núi.
“Với vai trò của một thầy giáo, tôi luôn mong muốn được góp một phần công sức giúp ích cho xã hội, không chỉ qua những bài giảng trong sách vở, mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để lan tỏa những điều tốt đẹp, ý nghĩa đến các thế hệ học sinh”, thầy Cảm tâm sự.
Là giáo viên dạy Vật lý, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, thầy Cảm còn hướng dẫn cho học sinh của trường thực hiện các đề tài khoa học liên quan đến Vật lý, như: Đề tài “Bẫy diệt chuột thông minh”, đoạt giải Khuyến khích; đề tài “Xe lăn cho người khuyết tật” đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Với những cống hiến trong hoạt động xã hội và giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 2 lần được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng tặng Bằng khen cho thầy Cảm 5 lần, cùng nhiều giấy khen của Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn và địa phương.
Theo Báo giáo dục - Thời đại
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự