Đó là người sẵn sàng mang hết những gì tốt đẹp nhất của bản thân ra để giúp đời, giúp người. Và dù chỉ mới 28 tuổi, La Thành Đệ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã có đến 7 năm đồng hành, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn yếu thế trên địa bàn tỉnh cũng như giữ lửa cho bếp ăn tình thương hỗ trợ cho nhiều trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo.
Dang tay với nhiều mảnh đời bất hạnh
“Tình cờ thấy cô bán vé số bị tật cả hai chân, mình mua vé số phụ rồi về nhà lấy gạo cho. Cô nhận chỉ 10kg gạo mà cô khóc quá trời. Mình thấy cuộc sống này còn nhiều hoàn cảnh khổ hơn mình nhiều nên từ đó nhen nhóm, muốn sẻ chia với họ”, Đệ nhớ lại cơ duyên đã đưa anh đến với con đường thiện nguyện trong niềm xúc động.
Những ngày đầu hoạt động bằng tiền túi, có bao nhiêu Đệ mang giúp bấy nhiêu, nhiều lần Đệ bất lực khi thấy sức mình quá nhỏ bé không thể giúp được hết những mảnh đời bất hạnh. Nhưng thấm nhuần lời dạy của thầy: “Con cứ làm bằng hết cái tâm của mình ắt sẽ có người đồng hành cùng con”, vậy là sau mỗi lần bất lực rớt nước mắt thì có thêm bàn tay của các mạnh thường quân hợp sức cùng Đệ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đó.
Cho đến nay, Đệ không nhớ hết mình đã giúp được bao nhiêu mảnh đời cơ khổ. Từ những em bé mồ côi, cha mẹ chia tay có hoàn cảnh khó khăn phải sống với ông bà nội/ngoại, người mẹ già lam lũ nuôi hai người con bị tâm thần, cậu bé mồ côi cha nhưng hiếu thảo làm phụ hồ đỡ đần mẹ đến bé gái bị cha dượng bạo hành phải nhập viện, hay những hoàn cảnh ngặt nghèo không có tiền để điều trị bệnh là thân nhân của gia đình thương binh liệt sĩ...
La Thành Đệ mua bánh mì và nước cho cụ già bán vé số.
Ngoài những hỗ trợ thiết thực cho người sống, Đệ còn phát tâm giúp đỡ mai táng người đã khuất. Anh còn vận động và đóng góp xây nhà tình thương. Tính đến nay, Đệ đã bàn giao 4 căn nhà cho những hoàn cảnh đặc biệt.
Hàng năm, Đệ và gia đình còn trao đi hàng chục tấn gạo, vài trăm phần quà tết là nhu yếu phẩm với giá trị hàng trăm triệu đồng đến bà con khó khăn, khuyết tật trong tỉnh. Hai năm vừa qua tình hình dịch bệnh phức tạp cuộc sống bấp bênh, Đệ đã miễn giảm tiền trọ cho người thuê chủ yếu là công nhân và các em sinh viên trong giai đoạn dịch căng thẳng nhất. Đệ tâm niệm san sẻ miếng cơm manh áo cho đồng bào bằng tình yêu thương. Không cần ai phải cảm ơn, vì với Đệ, chính nụ cười hạnh phúc của người nhận đã là sự tri ân dành cho mình.
Giữ lửa bếp ăn nghĩa tình
Trong những lần làm thiện nguyện, chứng kiến cảnh thân nhân những người mắc bệnh hiểm nghèo nằm điều trị dài ngày đến nuôi bệnh phải nhịn ăn hoặc ăn uống kham khổ để tiết kiệm chi phí, Đệ vô cùng xót xa. Và bếp ăn từ thiện đặt tại chùa Châu Long từ đó đã được nổi lửa để Đệ phần nào chia sẻ với những hoàn cảnh đáng thương đó.
Hiện tại cố định ngày thứ Năm hàng tuần, nhóm của Đệ sẽ nấu cấp phát ở bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Lợi trung bình 250 suất. Các ngày trong tuần đều có nấu thêm nhưng không cố định số phần ăn. Chủ nhật, bếp sẽ nấu cho trẻ em mồ côi chùa Vĩnh Phước An khoảng 200 suất, mỗi buổi 100 suất.
Là bữa ăn hoàn toàn miễn phí nhưng không vì thế mà những phần cơm, cháo, bún chay... của Đệ chỉ “làm cho có”. Đệ nấu nhiều mà nấu ngon, nguyên liệu đều được chọn lựa kỹ lưỡng, thực đơn đa dạng. Nồi súp cho các em mồ côi, thay vì bỏ đường, Đệ chọn nấu hàng chục ký rau củ để ra nước ngọt và thêm dinh dưỡng cho các em. Còn phần của bệnh nhân thay vì chỉ có cơm canh Đệ luôn nấu đủ 3 món kèm thức uống và đồ tráng miệng. Với Đệ đó là cái tâm của người nấu bếp ăn thiện nguyện vì của cho không bằng cách cho.
Những ngày đại dịch hoành hành, Đệ mang hết tiền dành dụm mua chiếc xe tải cũ để chở thức ăn vào bệnh viện và nhu yếu phẩm, rau củ tặng bà con. Từ đầu tháng 7.2021, trong tình hình giãn cách xã hội rất khó khăn tìm nguồn cung cấp rau củ quả nhưng bếp của Đệ vẫn nhận nấu cơm gửi cho các chốt kiểm soát, bệnh viện và khu cách ly, trung bình mỗi ngày từ 300 - 400 suất.
Khoảng tháng 10.2021 khi dòng người đổ về từ TP.HCM nhiều hơn, trong vòng 21 ngày người dân cách ly, nhóm của Đệ gồm 10 người đã nấu liên tục phục vụ mỗi ngày khoảng 1000 suất với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng do Đệ vận động nhà hảo tâm và số còn thiếu anh tự xuất tiền túi.
Một lần chở rau củ quả chuẩn bị cho bếp ăn.
“Thật tình mà nói thì nhìn người ta khổ mình cầm lòng không được. Ban đầu khi tỉnh đến vận động mình chỉ nhận hỗ trợ nấu 600 phần/ngày. Sau đó lãnh đạo cập nhật hỗ trợ 1000 phần và thông báo cho bà con, con số đó vượt quá sức của mình. Nhưng rồi mình nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi rằng: “Anh ơi! Anh đừng bỏ tụi em, khi nào anh bận anh cho tụi em ăn mì gói cũng được, tụi em khổ lắm rồi, không còn tiền nữa, đừng bỏ tụi em nhe anh!” mình lại gắng gượng”, Đệ xúc động chia sẻ.
Hạnh phúc khi được cho đi
Đã cho đi hết vốn liếng mà nhiều người ở tuổi của Đệ sẽ tích lũy để dành cho tương lai, hỏi Đệ có thấy tiếc không, chàng trai trẻ chỉ hồ hởi cười: “Đời mình chỉ cần cơm 3 bữa đủ no là được, chứ nhìn người nghèo khóc, mình cầm lòng không đặng. Niềm vui lớn nhất của mình khi làm những công việc này là nhìn thấy những nụ cười mà đôi khi là cả những giọt nước mắt. Đó là việc mà mình cần phải làm để thấy mình sống có ích. Và mình hạnh phúc vì được cho đi”.
Và từ những hạt giống mà trái tim nhân ái của Đệ đã gieo, dường như những cái cây tử tế đã được nhân lên. Ngoài những tấm lòng của mạnh thường quân hỗ trợ thường xuyên cho bếp ăn còn là bác tài xế vô danh nhân lúc đèn đỏ bước xuống xe dúi gửi Đệ ít tiền góp vào quỹ từ thiện không cả cần nhận lại một lời cảm ơn, là người công nhân đã nhận cơm của Đệ những ngày về quê cách ly, sau khi trở lại thành phố làm, kiếm được tiền đã quay lại gửi vào bếp ăn chút ít tấm lòng để Đệ tiếp tục giúp đỡ những mảnh đời khác...
La Thành Đệ chuẩn bị những phần ăn cấp phát cho bệnh nhân.
Hỏi Đệ, mình sẽ còn tiếp tục công việc này trong bao lâu? Đệ bảo: “Ngày nào mắt mình không còn thấy người khổ nữa thì mình sẽ ngừng lại”.
Vì những đóng góp vô cùng ý nghĩa, Đệ vinh dự được nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh dành cho người có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid trên địa bàn Bạc Liêu. Nhưng với Đệ, món quà quý giá hơn vẫn là những nụ cười mà Đệ luôn khiêm nhường biết ơn họ đã nhận để anh được cho đi. Vì với Đệ, cho đi cũng là cách anh tìm hạnh phúc cho mình và mang lại hạnh phúc cho người.
Sau cùng, ngọn lửa Đệ nhen giữ suốt 7 năm qua không chỉ thổi ra hàng triệu bữa ăn thơm ngon kịp thời đến với những hoàn cảnh khó khăn mà còn thắp lên niềm tin vào những điều tốt đẹp luôn hiện hữu.
Theo Thanhnien.vn