Với việc coi thiện nguyện là một phần cuộc sống, chàng trai Hà Nội đã góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội, vinh dự được bầu chọn là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.
Mọi người gọi tôi là “Trung đồng nát”
Đó là biệt danh mà nhiều người đặt cho Hoàng Hoa Trung khi thấy anh hay nhặt đồ phế thải đi bán để lấy tiền làm từ thiện. Một biến cố xảy ra vào năm học lớp 11 khiến Trung quyết định không thi đại học, mà xin vào học tại hệ thống giáo dục Aptech của Ấn Độ tại Việt Nam để trở thành một lập trình viên quốc tế. Sau đó, Trung theo học Arena Multimedia về thiết kế đồ họa đa phương tiện.
Kể về hành trình đến với công việc thiện nguyện của mình, Trung cho biết anh bén duyên với hoạt động ý nghĩa này từ những năm cuối phổ thông, với dự án đầu tiên là Thiệp nhân ái cho trẻ em nghèo. Hơn 2 vạn tấm bưu thiếp do trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi tự tay làm đã được Trung và đội tình nguyện giúp bán trong 5 năm qua. “Có em nhỏ nhờ việc này đã mua được điện thoại để liên lạc với gia đình sau bao năm bặt tin. Đó là một trong những niềm vui mà đến giờ tôi vẫn không thể quên được”, Hoàng Hoa Trung chia sẻ.
Bắt đầu từ năm 19 tuổi, Trung chọn làm công việc tự do để dành thời gian cho đam mê hoạt động tình nguyện. Dự án Ve chai Niềm Tin, một trong những dự án sớm nhất tại Hà Nội của Trung nhằm gom ve chai làm từ thiện. Chỉ trong 2 tuần triển khai thu gom tại 10 ký túc xá sinh viên, Trung đã có 10 triệu đồng, đủ để mua hơn 100 con gà và 4 con lợn giống tặng 10 hộ dân khó khăn trong cảnh “sống chung với HIV” tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tiếp đó là hàng loạt dự án bán bảo hiểm xe máy, bán nông sản, bán đất trồng cây cảnh... với mục đích không gì khác ngoài làm sao có tiền để giúp người nghèo.
Hơn 11 năm qua, Trung không nề hà bất cứ công việc gì, miễn việc làm đó chính đáng và có thể gây quỹ làm việc thiện. “Điều thành công nhất mà tôi từng làm là đi xin sản phẩm gốm lỗi tại làng nghề Bát Tràng, mang về bán để gây quỹ. Tôi đã đến từng nhà thu gom sản phẩm lỗi, đào bới bãi rác gốm và nhặt nhạnh những thứ còn sử dụng được để bán, thu về hơn 60 triệu đồng trong hơn 3 năm. Số tiền này tôi góp quỹ xây trường học”, Hoàng Hoa Trung nhớ lại.
Cho đến nay, dù đã có hàng ngàn Mạnh thường quân đồng hành với các hoạt động thiện nguyện của nhóm Tình nguyện Niềm Tin nhưng Hoàng Hoa Trung vẫn duy trì hoạt động “đồng nát”. Nhiều năm qua, nhà Trung luôn như một cái kho, chứa đủ các loại quần áo, sách vở, nồi niêu, xoong chảo, ấm chén, chai lọ, sách báo, bạt cũ... Quá quen với việc Trung hoạt động thiện nguyện nên bạn bè, người quen hễ có thứ gì không dùng là lại mang đến cho chàng trai 9x này. Ai cho gì, ủng hộ gì Trung đều nhận để bán gây quỹ làm thiện nguyện...
Nuôi cơm 12 nghìn em nhỏ
Mới 30 tuổi, 11 năm làm thiện nguyện, thành công lớn nhất của Trung “đồng nát” là đã hình thành được một “hệ sinh thái” nuôi cơm trẻ em nghèo trải dài khắp toàn quốc. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng từ năm 2009, Hoàng Hoa Trung quyết định hướng đến trẻ em vùng cao với dự án Ánh sáng Núi Rừng nhằm xây trường học, nhà vệ sinh, tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho học sinh, bà con người dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Năm 2012, dự án này đã xây dựng thành công điểm trường đầu tiên tại tỉnh Lai Châu. Nhưng mọi việc không chỉ dừng lại ở chỗ xây trường học. Quan sát thấy rằng, dù đã có trường học mới khang trang nhưng nhiều trẻ vùng cao vẫn phải bỏ học vì... đói, Trung lại trăn trở. “Buổi sáng có 20 trẻ, buổi chiều chỉ còn 4 em ở lớp. Khi theo gót các em sau giờ tan học mới biết là trẻ ở nhà xa, nghèo tới mức không có cơm ăn, chiều đến phải vào rừng nhặt hạt, đào măng, củ... về nhà tự luộc ăn nên các em không thể đi học vào buổi chiều”, Trung kể.
Và từ những trăn trở đó, dự án Nuôi Em chính thức được phát động. Tuy nhiên, ở 4 năm đầu, việc triển khai dự án rất chật vật, ít người quan tâm. Từ năm 2018, Trung thay đổi cách làm. Mỗi người nhận nuôi 1 em nhỏ ở bản cao. Người đó nắm được toàn bộ thông tin cá nhân, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo, hiệu trưởng và cả phòng giáo dục để kiểm tra, kiểm soát tính minh bạch. Thông tin, hình ảnh, clip ăn uống của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tuần và cập nhật lên group (nhóm) của điểm bản cùng người nhận nuôi bé đó. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm các em hoặc đi cùng nhóm thực hiện dự án đến thăm, kiểm tra tình hình các em mà mình nhận nuôi.
Nhờ cách làm sáng tạo, dự án Nuôi Em có sự thay đổi vượt bậc. Năm 2018, có hơn 6.000 người tham gia nuôi hơn 6.000 trẻ em bản cao thuộc các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, trị giá hơn 7 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Hoàng Hoa Trung đã kết nối được 12 nghìn nhà hảo tâm nuôi cơm trưa cho 12 nghìn học sinh vùng cao. Nhờ dự án Nuôi Em với hàng chục nghìn bữa ăn được triển khai, các em có cơm ăn, giảm tỷ lệ bỏ học vào buổi chiều từ 80% xuống 5%. Không chỉ có vậy, từ số tiền dư trong việc nuôi cơm trưa, dự án còn có thể mua bình lọc nước sạch, áo ấm, chăn, chiếu hoặc đệm cho học sinh và hỗ trợ thầy cô...
Hiện nay, số người tham gia dự án Nuôi Em vẫn đang tăng theo cấp số nhân, theo Trung, đó là nhờ sức mạnh cộng đồng, anh chỉ đóng vai trò là người kết nối. Mỗi hình ảnh Nuôi Em được chia sẻ đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng, nhận được sự hỗ trợ thiết thực. Trung đặt mục tiêu trong năm 2020, dự án sẽ thu hút gần 20 nghìn người tham gia nuôi cơm 20 nghìn trẻ vùng cao...
Xóa sổ trường tạm vùng cao
Một điểm nhấn trong hành trình làm thiện nguyện của Hoàng Hoa Trung là dự án xóa các trường tạm ở vùng cao. Đến nay, dự án đã xây được 25 điểm trường. Trước kia, những ngôi trường chỉ được dựng tạm bợ bằng tre nứa, trang thiết bị sơ sài. Giờ đây, mỗi ngôi trường được xây bằng gạch, khung sắt thép, có đầy đủ thiết bị từ bếp ăn, nhà công vụ, nhà vệ sinh đến sân chơi..., có giá trị từ 120 triệu đến 600 triệu đồng.
Chỉ riêng những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, thủ lĩnh nhóm tình nguyện Niềm Tin đã “chốt” việc xây dựng 9 điểm trường. “Mục tiêu của tôi là trong 2 năm tới sẽ xóa toàn bộ trường tạm ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, thay vào đó là những ngôi trường khang trang. Sau đó sẽ lần lượt thực hiện hoàn thiện đồng bộ điểm trường ở các địa phương khác”.
Với vai trò thủ lĩnh, Trung dự kiến tới năm 2025 sẽ gây quỹ, kết nối, và xây 100 điểm trường tại Việt Nam; kết nối hơn 30 đội/ nhóm thiện nguyện, tình nguyện... thực hiện trách nhiệm xã hội với mục tiêu tới năm 2040 xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam. “Từ những điều mù mờ nhất, tới giờ, sau 11 năm theo đuổi công việc thiện nguyện, tôi càng vững tin về mục tiêu đó sẽ đạt được vì Việt Nam có rất nhiều người giàu lòng nhân ái”, Trung khẳng định.
Song song với đó, Hoàng Hoa Trung cũng thực hiện hàng loạt dự án khác, như: Ánh sáng Núi Rừng, Năng lượng gió mặt trời, Đi ra từ rừng, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ cho trẻ mầm non bản cao..., tất cả đều hướng đến việc giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng dân trí. Với rất nhiều điều ý nghĩa đã làm được nhưng Trung chỉ chia sẻ đơn giản: “Với tôi, mỗi người có một đam mê, sở thích cháy bỏng để theo đuổi, để được sống chứ không chỉ tồn tại. Với tôi, tình nguyện chính là một niềm đam mê. Tôi đam mê mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người nghèo, người kém may mắn”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự