Và Hoàng cũng lớn. Nhưng, chàng trai sinh năm 1985 ấy bệnh nhiều. “Hồi xưa tôi còi cọc lắm. Ốm yếu và đủ thứ bệnh vặt và cả những lúc bệnh thập tử nhất sinh”, Hoàng kể.
Có lần Hoàng bị ho ra máu, phải nhập viện nhiều tháng trời tưởng không qua khỏi. Bác sĩ chẩn đoán anh bị lao phổi. Rồi cả bệnh liên quan tới đường ruột, ăn uống không được. Hơn 10 năm trước, trên bước đường mưu sinh mẹ anh lên Sài Gòn trước, khi hay tin con bị đủ thứ bệnh như vậy bà đã kéo Hoàng lên. “Con phải lên thành phố chữa trị cho khỏe mạnh, để mẹ còn nhờ”, bà nói trong nước mắt ràn rụa.
Hoàng rời quê Cà Mau lên Sài Gòn từ dạo ấy. Trước đó, vì hoàn cảnh, Trương Thư Hoàng phải nghỉ học sớm, từ năm lớp 10. Rồi chạy việc từ đi giao hàng đến phụ quán cà-phê, miễn chân chính làm ra tiền để có thể trang trải cuộc sống. “Nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi cũng không biết động lực nào mình đã vượt qua được”, Hoàng mỉm cười chia sẻ.
Tuổi thơ dữ dội ấy dần lắng xuống trong tâm trí khi lên đến thành phố, được ở gần mẹ, được tạo điều kiện đi học trở lại và đặc biệt là tìm hiểu thêm về Phật pháp. Hoàng nhớ lại những ngày đó, bản thân anh đã gặp được những người tốt mà mình mãi mãi không quên ơn. Đó là quý thầy cô ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.
Thực sự, học bổ túc xong, có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông đối với anh đã là một kỳ tích. Bước chân vào trường nghề là một nỗ lực tiếp theo, cũng là nhân duyên lành tạo bước chuyển trong cuộc đời Trương Thư Hoàng. Mà quả thiệt, người nghèo thường gặp cái eo, vừa vào trường không lâu, Hoàng bị trộm lấy mất xe máy, trong người không còn bao nhiêu tiền bạc. Anh nói thật với nhà trường điều kiện của mình và quyết định xin nghỉ học. Thầy cô chủ nhiệm lớp lúc đó nghe xong đã không ngần ngại bảo: “Em cứ tiếp tục học, đừng lo các khoản học phí này kia, học trước đã rồi tính sau…”.
Trong điều kiện bất như ý đó, cánh tay yêu thương chia sẻ của thầy cô, bạn học chìa ra, người hỗ trợ học phí, người tình nguyện chở đến trường hàng ngày. Họ như những vị Bồ-tát của anh. Thêm nữa, mẹ anh động viên và bảo cùng nhau cố gắng nên Trương Thư Hoàng quyết định tiếp tục hành trình vượt lên chính mình…
Thay đổi tích cực và làm việc lành
Sau khi học xong nghề pha chế, quản lý nhà hàng, khách sạn, bar, Hoàng đi làm vài nơi mới phát hiện, môi trường đó không hợp tính cách của chàng trai quê đã hướng Phật. “Ở đó nhiều thứ xô bồ, ồn ào, bản thân tôi không thích nghi được”, Hoàng nhớ lại. Rồi nhân duyên công việc mới đưa Hoàng tới với lĩnh vực sức khỏe, chuyên về tư vấn các gói tập tại một trung tâm thể hình lớn ở quận 4 (TP.HCM). Môi trường này mở ra cho anh một chân trời mới: được tập luyện và học hỏi về dinh dưỡng, ăn uống khoa học…
Bắt nhịp với công việc mới nhưng khá hợp với xu hướng người hiện đại - chăm lo sức khỏe thân, tâm nhiều hơn - Hoàng còn bắt đầu có những hoạt động gieo duyên thiện nguyện. Theo đó, Hoàng nghĩ tới việc sẽ tổ chức các chương trình từ thiện giúp những người khó hơn. Thực ra đây là công việc anh ấp ủ, từng tham gia cùng vài nhóm trước đó trong tinh thần là tình nguyện viên.
Hoàng và anh chị em Hữu Duyên đã đến với nhiều người khó khăn hơn - Ảnh: NVCC.
Nghĩ và làm. Anh cùng những người bạn, anh em chung chí hướng sẻ chia lên kế hoạch làm những hoạt động nhỏ rồi đến lớn, mỗi năm 3 - 4 đợt, thậm chí hơn, tùy theo điều kiện thực tế.
Làm thật, chân thành và tử tế nên tiếng lành đồn xa, có rất nhiều người đã phát tâm đồng hành, ngoài tịnh tài còn có tịnh vật, kể cả đồ cũ Hoàng cũng nhận rồi về cùng tình nguyện viên phân loại, sắp xếp chuyển đi. Nhìn lại, mỗi năm, có khi nhóm Hoàng làm đến sáu bảy trăm triệu đồng, tổng kinh phí các hoạt động.
Minh bạch tài chính và trong tinh thần tùy duyên, những hoạt động của Trương Thư Hoàng cùng bạn bè lớn lên, lan tỏa. “Có những chương trình vài trăm triệu, như lần xây cầu ở Cà Mau cách đây vài năm”, anh chia sẻ. Trên hành trình đến với người khó, điều Trương Thư Hoàng nhớ nhất chính là mình từng khổ, từng xách bao đi nhận gạo, mì cứu trợ nên rất hiểu cảm giác của người nhận.
Do vậy, đến đâu, gặp những người khó khổ anh đều ân cần, cúi đầu gửi họ món quà mình góp nhặt từ niềm tin, yêu thương của nhiều người bằng sự trân trọng. Của cho không bằng cách cho ở những chương trình của Hoàng chính ở chỗ đó, hết lòng và không thấy người cho - người nhận. “Chúng ta đều là những người khổ như nhau trong cõi Ta-bà này, giúp nhau là lẽ đương nhiên, không giúp được thì cũng không hại người”, anh nói tâm niệm của mình.
Cũng có những chuyến đi sinh tử như lần cứu trợ bão lụt miền Trung năm 2020. Khi đó, vừa dịch bệnh vừa bão lũ lớn, nhiều vùng quê tan nát. Theo tiếng gọi của đồng bào khúc ruột miền Trung, Hoàng cùng bạn bè mình cũng gom cả xe hàng đến tận vùng cao của Quảng Nam để chia sẻ. Qua được những khúc quanh mà bên dưới là vực núi, cả xe ai cũng hồi hộp niệm Phật, rồi cũng an toàn đi đến nơi về đến chốn.
Gần 10 năm dấn thân chia sẻ, theo Hoàng không nhiều, nhưng cũng đủ để gắn kết những người cùng tâm nguyện. Trước Tết Quý Mão 2023, những anh chị em trong nhóm bàn với Hoàng, cùng lập một nhóm để làm từ thiện lâu dài hơn. Vậy là nhóm từ thiện Hữu Duyên ra đời, do Hoàng làm nhóm trưởng. Đây cũng là bước ngoặt mà theo Hoàng, hứa hẹn sẽ có những chương trình giúp cho mọi người có “cần câu” nhiều hơn, để có cơ hội thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đó có thể là một chiếc cầu, một công cụ sản xuất nào đó tùy từng vùng miền, địa phương, Hoàng nói.