Trao nhau hơi ấm
Từ TP.HCM, xe bắt đầu lăn bánh lúc 10 giờ đêm, đến chùa Di Đà (Bảo Lộc) vào khoảng 2 giờ khuya. Thời tiết với cái lạnh 18 độ của vùng cao đón chào mọi người ngay khi bước xuống xe. Phòng khách được chư Tăng chùa Di Đà chu đáo chuẩn bị đón tiếp các “tu sinh” trẻ, với đầy đủ nệm, chăn, mền, gối, có cả dụng cụ pha trà.
Các bạn trẻ dù lần đầu gặp nhau, chẳng quen biết gì nhưng bỗng chốc hóa “người nhà” khi xếp cho nhau chỗ nghỉ lưng, nhường nhau nhà vệ sinh, chỉ cho nhau ngôn ngữ sử dụng nơi cửa thiền. Những khoảnh khắc khi các bạn tham gia khóa tu sẽ rất khó quên. Đó là khi chuông thông báo “thức dậy” để tham gia ngồi thiền và đi kinh hành vào lúc 6 giờ sáng, trong tiết trời lạnh buốt của núi rừng và cơn buồn ngủ vẫn còn đang “níu kéo”; hay khi sáng tinh sương, bụng chỉ mới “lót nhẹ” ổ bánh mình bé xíu nhưng phải “cuốc bộ” lên chùa Linh Quy Pháp Ấn trên núi, để tham thiền nơi cổng trời.
Tham thiền nơi cổng trời tại chùa Linh Quy Pháp Ấn.
Những phút giây tham gia pháp đàm và phản biện, các bạn được tự do nói lên suy nghĩ của mình mà không sợ ai chê cười, thoải mái chia sẻ về “góc khuất” mà bản thân đã giấu nhẹm bấy lâu, những gánh nặng tơ lòng trút bỏ khi nhận được lời chia sẻ của quý Sư và các bạn đồng tu. Rồi những khoảnh khắc chơi trò chơi, phát quà cho các em thiếu nhi đồng bào dân tộc, chúng nắm lấy tay, ôm vai đòi các anh chị phải ẵm, đòi mặc cho chúng chiếc áo ấm mà các anh chị mới cho, hay làm nũng đòi xé giúp cái kẹo, cái bánh.
Kim Ngân lần đầu tiên tham gia chương trình nhà chùa tổ chức, vừa tu học, vừa thiện nguyện, mặc dù không có khái niệm rõ nét về “chùa” và gọi các Sư hướng dẫn khóa tu là “Sơ”, nhưng bạn đã rất hạnh phúc khi chia sẻ với thành viên Câu lạc bộ Bước chân sen: “Chuyến đi này không chắc sẽ là chuyến đi tuyệt vời nhất đời em nhưng chắc chắn sẽ là một chuyến đi tuyệt nhất đến thời điểm hiện tại của em. Em có nhiều trải nghiệm mới mẻ, thấy sâu sắc hơn về sự thiêng liêng, vĩ đại và đáng kính của chùa và Phật giáo”.
Trưởng thành hơn
Trước khi tham gia khóa tu và thiện nguyện “Xuân ấm vùng cao”, một vài bạn trẻ đã thiệt thà nói ra suy nghĩ: “Khóa tu hai ngày thì liệu có giúp gì cho mình hay không?”. Kim Hồng, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM là một trong số đó. “Vì là khóa tu không tốn tiền, lại được chùa lo ăn uống và di chuyển, được chơi và phát quà từ thiện cho các em nhỏ vùng cao, lúc đầu em đăng ký đi là vì vậy”, Kim Hồng chia sẻ.
Nhưng vào khoảnh khắc đêm lửa trại, khi mọi người ngồi quây quần bên nhau, Hồng vui vẻ bộc bạch với các chị thành viên Ban Tổ chức: “Tham gia chuyến đi là điều ý nghĩa nhất em chào đón năm 2023. Lâu lắm rồi, em mới bỏ được chiếc điện thoại để đàm thoại với chính mình và kịp nhận ra thời gian qua mình sống có lỗi với bản thân nhiều quá. Em kịp nhận ra điều này trong lúc ngồi thiền, đi kinh hành và tham gia pháp đàm - vấn đáp cùng mọi người. Em nghĩ, năm 2023 sống tốt hơn”.
Cũng giống như Kim Ngân, lần đầu tiên tham gia chương trình vừa tu học, vừa kết hợp thiện nguyện Xuân ấm vùng cao, Thu Tuyết trải lòng: “Chuyến đi ngắn ngủi hai ngày nhưng đã cho mình nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Mình cảm thấy tâm mình thanh tịnh hơn, nhẹ nhàng hơn, trút bỏ được những căng thẳng trong cuộc sống cân bằng lại mọi cảm xúc trong lòng. Khi đàm thoại cùng quý Sư hướng dẫn tu học, mình còn được biết thêm cách giao tiếp với bản thân mình, điều mà trước giờ mình chưa từng nghĩ đến”.
Trong nhật ký lưu lại những niềm hạnh phúc góp nhặt, Thu Tuyết tâm đắc với điều mình đã học, đã được chia sẻ và đã sẻ chia: “Ni sư dạy mình cách giao tiếp với người, cách xử lý tình huống trong công việc qua một lăng kính khác của người nhà Phật. Hai ngày tu học, mình học được cách sẻ chia hơn, khi tham gia gian hàng 0 đồng, vui chơi cùng các em nhỏ vùng cao. Nhìn thấy được những khó khăn và nụ cười của các em, mình càng trân quý hơn những gì mình đang có được”.
Thắm tình yêu thương
“Chương trình đã cho mình thật nhiều trải nghiệm quý giá” - đó là suy nghĩ chung của tất cả các bạn trẻ. Trải nghiệm không chỉ niềm hạnh phúc khi cho đi, mà từ sự cho đi đó, các bạn nhận lại rất nhiều thông điệp, làm mới cho chính mình. Như chia sẻ của Bùi Hương, khi tặng quà cho các em đồng bào: “Nhìn các em bé nhỏ xíu, bẽn lẽn, ngại ngùng núp sau lưng mẹ được các bạn tình nguyện viên đưa tay ra dắt vào vui chơi trong lòng mình thấy ấm áp lạ thường. Chuyến đi đã cho mình khoảng thời gian quý giá để có thể sống chậm lại, tịnh tâm và hiểu được bản thân mình hơn”.
Dù phải đối diện với cái lạnh của tiết trời và sự thiếu ngủ khi di chuyển nhiều giờ trên xe, nhưng khi được trao những chiếc áo ấm cho các em nhỏ khó khăn, nhìn nụ cười trên môi các em khiến bao nhiêu mệt mỏi của các bạn trẻ đến từ TP.HCM được xua tan. Những tia nắng bé nhỏ hé trên những khuôn mặt xinh đẹp của các em bé núi rừng, khi nhận được những món quà, những chiếc áo ấm mới xinh, mùa xuân này các em cũng sẽ bớt đi cái lạnh giá.
Trong đêm lửa trại, giao lưu với nhau, cùng nhau ca hát, chuyện trò, ai cũng nhắc đến tình yêu thương, khi trao đi những món quà đến các em thiếu nhi, gia đình đồng bào và nhận lại tình cảm trân quý của người dân nơi đây. Sau chuyến đi này, ai cũng tin chắc rằng, sẽ có thêm nhiều mầm non yêu thương được nảy mầm trong mỗi người, chúng sẽ được vun trồng thành những tán cây hạnh phúc, xanh mát, tỏa bóng cho chính bản thân các bạn và xa hơn là cho xã hội.
Câu lạc bộ Bước chân sen chùa Long Phước quận Bình Thạnh được điều hành bởi các anh, chị thiện nguyện và được Ni sư Huệ Dâng - trụ trì chùa yểm trợ. Các bạn là sinh viên tham gia chương trình “Xuân ấm vùng cao” được Câu lạc bộ Bước chân sen tài trợ 100% kinh phí.