Hoằng pháp là khai thông bế tắc cho mọi người

Thứ bảy - 20/01/2018 10:41
Các Tăng Ni sinh có điều kiện học với các giáo thọ sư đều có học vị và tốt nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, nhiều trường đại học khác nhau và mỗi vị cũng có những lãnh vực chuyên môn khác nhau. Vì vậy, mỗi vị có lập trường riêng theo công trình nghiên cứu của mình, cho nên đôi khi các giáo thọ sư trình bày kiến giải không giống nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Từ góc độ này, Tăng Ni, Phật tử cần có cái nhìn tổng quát, nên phân biệt, lựa chọn để có định hướng cho mình trong vấn đề tu hành là điều quan trọng.

Tôi có duyên đặc biệt khi học ở Phật học đường Nam Việt cho đến khi làm nghiên cứu sinh, tôi đã trải qua giai đoạn chuyên môn là nghiên cứu một bộ kinh nào thuộc lãnh vực đó, nên lại bị kẹt vào cái chuyên môn đó. Vì vậy, dẫn đến việc mình có lập trường riêng thì những kiến giải khác, mình không chấp nhận, nên thường tranh cãi đưa đến sự xung đột giữa các hệ phái và nặng  hơn là xung đột giữa các tôn giáo thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới.

Và người ta đã nhận ra rằng tình trạng phân hóa này chắc chắn sẽ dẫn đến sự nguy hiểm cho cộng đồng xã hội, nên họ đã vận động sự liên kết các tôn giáo.

Tôi có may mắn lúc đó làm công tác vận động hòa bình cho Việt Nam và tôi đã tham gia vào Hội đồng Tôn giáo vận động hòa bình thế giới. Năm 1970, Đại hội vận động hòa bình thế giới tổ chức ở Kyoto. Qua đó, tôi có điều kiện tiếp xúc với các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, được họ chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu. Phải nói từ đó, tôi đã học được những điều hay của các tôn giáo khác giúp cho tôi có cái nhìn không giống với thời kỳ mà tôi chuyên nghiên cứu.

Đạo Phật là tôn giáo lấy trí tuệ làm nền tảng, không phải tôn giáo đa thần hay nhứt thần, nên có cái nhìn thoáng. Chính vì lý do này, các tôn giáo trên thế giới dễ dàng chấp nhận đạo Phật và họ có điều kiện nghiên cứu, học hỏi đạo Phật.

Tôi đã tham dự các cuộc hội thảo của đạo Thiên Chúa và Tin Lành để có nhận thức chung và tìm được điểm chung của các tôn giáo. Qua đó, những nhà lãnh đạo đại diện các tôn giáo đã đưa ra quyết định rằng đạo Phật là tôn giáo gắn kết được các tôn giáo và có thể coi là tôn giáo tiêu biểu cho thế kỷ XXI. Sở dĩ khẳng định thế kỷ XXI là của Phật giáo, vì đạo Phật lấy trí tuệ là chính và con người là mục tiêu chính mà đạo Phật hướng tới để phục vụ, không phải lấy thần linh làm đối tượng phục vụ. Tăng Ni sinh nên suy nghĩ ý này để tiến xa hơn trên con đường hoằng pháp lợi sanh.

Từ nền tảng là trí tuệ và phục vụ nhân sinh, tôi có bài nói chuyện đơn giản, mà trải qua hơn 40 năm hành đạo, tôi vẫn thấy còn có ý nghĩa. Chúng ta xác nhận lại Đức Phật lịch sử, không thể bỏ qua sự hiện hữu của Đức Phật lịch sử.

Đức Phật Thích Ca tu hành thành tựu quả vị Phật. Điều này quan trọng, vì có người tu không thành Phật. Thành Phật là gì. Phật nói đó là nâng nhận thức con người lên đến đỉnh cao nhất là trí tuệ. Vì vậy, Phật xác định chỉ loài người tu mới thành Phật được, các loài khác muốn thành Phật phải chuyển thân thành người và thể nghiệm đầy đủ tâm đại bi và tròn hạnh Bồ-tát mới thành Phật.

Tuy nhiên, con người cũng có nhiều chướng duyên về thân thể, về tinh thần, về trí tuệ… gọi là nghiệp và phiền não. Sự trở ngại lớn lao của vô số chướng duyên bủa vây chặt chẽ khiến người ta không thành Phật. Thật vậy, đơn giản như người ốm đau, bệnh hoạn, ngu dốt thì làm sao thành Phật được. Người muốn thành Phật phải có cấu trúc cơ thể đặc thù, có hệ thần kinh siêu đẳng mới có thể phát huy trí tuệ đến đỉnh cao nhất là Phật. Nếu chúng ta đưa ra kiến giải như vậy thì các nhà khoa học chấp nhận được, vì chính họ cũng nói rằng không phải ai cũng là nhà khoa học được.

Chúng ta khẳng định Đức Phật Thích Ca là người có tiêu chuẩn làm Phật, vì điều này không ai phủ nhận được. Thật vậy, Ngài có 32 tướng tốt, có sức khỏe phi thường và trí thông minh của Ngài tột đỉnh đến độ mới 16 tuổi mà văn võ đã toàn tài, không còn thầy nào có khả năng dạy Ngài. Thông minh siêu tuyệt như vậy, Ngài mới có khả năng khám phá quy luật sinh tồn và vận hành của vũ trụ và con người, điều mà chưa ai  nhận biết.

Từ ý này, thực tế cho chúng ta thấy tuy học cùng trường cùng lớp, nhưng đạt kết quả thì không ai giống ai. Hạng người học nhưng không tiếp thu được vì nghiệp si mê quá nặng. Hạng người thứ hai học đến đâu hiểu đến đó, vì mắc bệnh cố chấp, không thể chấp nhận những gì khác với họ nghĩ. Hạng người thứ ba học ít, biết nhiều, nên thấy đúng việc tốt xấu, việc nên làm hay không nên làm.

Riêng Đức Phật là người đặc biệt, Ngài có cái nhìn khác hẳn mọi người là Ngài thấy rõ nếu sống hưởng thụ theo đế vương, tức làm ít hưởng nhiều thì chắc chắn không thể tồn tại lâu dài. Vua Tịnh Phạn đã xây cho Ngài ba cung điện với hàng ngàn người phục vụ, đó là cách sống hưởng thụ cao nhất mà mọi người trên thế gian đều thèm muốn. Nhưng Ngài lại nói đó là địa ngục, vì luôn luôn dẫn đến sự tranh giành, giết hại nhau để chiếm đoạt quyền lực, địa vị, cuộc sống xa hoa, nhưng xây dựng bằng máu và nước mắt mà những người trước Ngài đã từng làm như vậy.

Vì vậy, Ngài đã bứt phá, mở ra con đường mới là con đường tự do, giải thoát. Thật vậy, cánh cửa giải thoát đã mở ra từ khi Ngài vượt thành xuất gia, sống đời Sa-môn khổ hạnh, nhưng hoàn toàn an lành. Hạng phàm phu có người hầu hạ thì sung sướng, nhưng Phật xuất gia một mình một bóng mà Ngài có được cuộc sống an lành, giải thoát trọn vẹn, không lệ thuộc bất cứ thứ gì trên cuộc đời này, không ai có khả năng chi phối Ngài.

Ngày nay bước theo dấu chân Phật, chúng ta lập chí tu hành cũng phải sống không lệ thuộc vật chất và thoát ly tình cảm xã hội. Tăng Ni cần hiểu được con người xuất gia, con người thoát ly không bị tình cảm và vật chất chi phối, đó chính là con đường của Sa-môn mà Đức Phật đã vẽ ra và từ đây, chúng ta mở cửa giải thoát thì mới đi xa được trên đường đạo, từ người trong sinh tử tiến lên quả vị Thánh, quả vị Phật hoàn toàn giải thoát, tự tại ở bất cứ thế giới nào.

Vì vậy, sau 49 ngày thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng, với quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, Đức Phật đã có những khả năng phi thường mà người khác không thể có được, như Tam minh, Lục thông, Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng…

Về điểm này, các anh em phải cân nhắc. Nếu là Phật thiệt thì chắc chắn không ai hại được. Là Phật giả thì nay là Phật, mai là ma. Phật khác ma ở chỗ Phật có trí tuệ, ma có tham vọng. Vì vậy, không có trí tuệ là ma, dù mặc áo Sa-môn. Còn áo thế gian, nhưng dứt được tham vọng thì tương lai sẽ là Phật.

Khi Phật lập giáo tuyên ngôn, Ngài quy định năm thầy Tỳ-kheo là năm anh em Kiều Trần Như phải nỗ lực cắt sạch thập triền thì không bị tình cảm và xã hội chi phối, mới là Tăng, hay phàm tăng.

Thời gian đầu, Phật không cho năm thầy này đi khất thực, để Như Lai khất thực nuôi họ sống, nhưng họ cũng phải ăn khiêm tốn để không lệ thuộc vật chất và tâm hồn mới sáng, không lệ thuộc tình cảm. Đó là Phật đã lập ra quy trình tu giúp năm thầy này thành tựu quả vị A-la-hán. Từ đó, mới có Phật, Pháp, Tăng. Ai muốn theo Phật, phải tôn thờ ba ngôi Tam bảo. Phật là vị Thầy chỉ đạo, Pháp là tạng kinh Nguyên thủy nói rõ là Tứ thánh đế và Tăng là người đắc A-la-hán. Chưa đắc A-la-hán chưa là Tăng, hay phàm tăng.

Nhưng về sau, cụ thể chúng ta có phàm tăng là người mới tu hay đang tu. Hiền Tăng đã cắt đứt tình cảm. Thánh Tăng không lệ thuộc vật chất, không còn nghĩ đến thức ăn ngon dở. Nếu còn nghĩ đến cơm ăn, áo mặc là hạng giá áo túi cơm, bỏ đi.

Vì vậy, tu hành, chúng ta phải tập cắt bỏ tham lam, ích kỷ. Mười triền cái đoạn sạch rồi, chắc chắn sẽ hiện được tướng giải thoát là hình ảnh đẹp của người tu. Hòa thượng Trí Thủ nói rằng là chân tu đi xa, người nhìn thấy họ đã có dáng giải thoát đẹp. Chân tu là không còn tham vọng, không gì ràng buộc, họ mới hiện tướng giải thoát.

Người mà lòng đầy ắp đủ thứ sẽ hiện ra nét mặt, cử chỉ đáng sợ. Người đoạn sạch triền cái hiện tướng giải thoát là thành hạnh của bậc Sa-môn. Chúng ta thọ giới, Hòa thượng dạy phải cố gắng tu thành hạnh Sa-môn là 250 giới nhân cho 4 oai nghi = 1.000 oai nghi là hạnh Sa-môn, nhân 3 nghiệp thân khẩu ý = 3.000 oai nghi là Thánh A-la-hán.

Phật giáo Nam truyền, hay Phật giáo trong loài người phải giữ nền tảng này. Phá bỏ nền tảng này là tà giáo. Nhận thức như vậy, chúng ta làm bất cứ việc gì trên cuộc đời, nhưng giữ được giải thoát là Phật. Sợ nhất mặc áo giải thoát, nhưng tâm không giải thoát.

Tôi còn nhớ Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng khi các thầy cảm thấy bực tức, nóng nảy thì rờ đầu không có tóc, biết mình là Sa-môn, nên phải nhẫn, phải chấp nhận việc trái ngang thôi. Mình không được cãi vì đã thọ ba pháp bất hoại. Người nói xấu, mình không được nói xấu lại, oan ức không cần biện minh. Người đánh, mình không được đánh lại. Ý này được nhắc đến trong kinh Đại bảo tích rằng ác ma nói bậy thì để ma tự nói lại, mình không nói.

Phật làm Phật, làm Thầy, hay nói cách khác, đạo Phật tồn tại lâu dài trong loài người, vì có trí tuệ chỉ đạo. Việc Phật làm tuy thấy đơn giản, nhưng bất cứ việc khó nào, Ngài cũng giải quyết nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý. Đối với hàng vương giả, trí thức, Bà-la-môn cho đến hàng cùng đinh, Phật đều xử sự tốt đẹp.

Đức Phật là bậc Thầy của muôn loài. Nhận ra điểm này, chúng ta mới thấy Phật đã quan hệ với ngoại đạo vô cùng hoàn hảo. Cảm nhận sâu sắc việc làm này của Phật, tôi trao đổi với các nhà tôn giáo, nhận thấy họ nghĩ gì, muốn gì, bế tắc điều gì thì trong tầm tay của tôi, đưa ra hướng khai thông cho họ, chứ không tranh cãi, hay không nên áp đặt họ.

Chúng ta còn nhớ năm anh em Kiều Trần Như càng tu khổ hạnh càng không có lối thoát. Đức Phật đã khai tri kiến, giúp họ nhận thấy pháp tu đúng đắn của Phật chỉ dạy mà họ phát tâm tự làm, tự chứng, Ngài không cãi tay đôi với họ.

Các anh em học lý này, ra trường, nhận thấy chỗ tới được thì tới, người nào nên hợp tác có lợi cho đạo pháp, không nên tranh cãi. Đó là kinh nghiệm hoằng pháp mà tôi muốn chia sẻ.

Và sau khi khai trí tuệ cho năm anh em Kiều Trần Như, Phật có trí tuệ mới quay ngược về độ ba anh em Ca Diếp. Như tôi đã nói, tại sao Phật thành đạo ở cội bồ-đề kế bên thôn Ưu Lầu Tần Loa, mà Ngài không đến độ ba anh em Ca Diếp trước, Ngài phải lặn lội đến độ năm anh em Kiều Trần Như ở cách xa nơi đó, rồi sau đó lại quay về độ họ. Trí tuệ của Phật là như vậy. Phật nói người đáng độ thì Ngài độ, người không đáng độ mà độ là tự chuốc họa vào thân, chỗ không nên tới mà tới là tự sát để thành Thánh tử đạo là điều không nên.

Mình chưa thành Phật, không thể biết việc xung quanh và việc sắp xảy ra cũng không biết. Theo kinh nghiệm riêng tôi, khi bế tắc trong công việc, trong suy nghĩ, thì tôi không làm, chỉ niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền. Tôi tồn tại và thành công trên đường đạo nhờ như vậy, bế tắc vì trí tuệ không thấy mà làm là bỏ mạng. Tôi chuyên lạy Phật, tụng kinh và vào thiền để tạo sự cảm tâm giữa mình và Phật đến cao độ, tạo sự cảm tâm giữa mình và kinh. Và trụ trong thiền thì tâm chúng ta gắn liền với Phật và pháp, tôi gọi là Phật hộ niệm, nên thấy Phật qua kinh điển và Phật lóe sáng trong đầu là Phật hộ niệm. Trong thiền, mình sáng mới nhận thấy chỗ nên tới, hay nên tránh. Thứ hai là nhờ tánh linh cho mình biết. Tánh linh do căn lành mình có nhờ tu đời trước, mới có sự nối kết sâu sắc với Phật, Bồ-tát, thần linh, nên các Ngài hộ niệm.

Tôi nhớ năm 1954, người ta cúng cho Hòa thượng Thiện Hòa chùa Tâm Hòa ở Sa Đéc. Hòa thượng bảo Hòa thượng Huệ Hưng dắt thầy Giải Ngạn và năm thầy nữa xuống chùa đó. Tới chùa này, tánh linh cho Hòa thượng Huệ Hưng cảm nhận chỗ này bất an, nên Hòa thượng không ở lại, mà về chùa Kim Huê. Đêm đó, sáu thầy ở lại chùa này bị bắt đi mất tích luôn.

Sau này các anh em ra trường, đi thuyết giảng gặp ngoại đạo, nhớ khai tri kiến cho họ, đừng đối lập với họ. Tôi học ý này của Phật, tham dự hội nghị ở Ý và sống với các Hồng y trong tu viện Thiên Chúa. Tôi liên tưởng đến việc Phật trở về thôn Ưu Lầu Tần Loa sống với 500 ngoại đạo. Hình dung ra Phật như vậy, tôi mới ngồi thiền, nghĩ mình học Phật điều gì để ứng xử cho đúng.

Trong phòng có cây Thánh giá. Các vị linh mục quan sát coi mình là tu sĩ Phật giáo sẽ làm gì. Tôi đến trước Thánh giá, chắp tay hàng giờ. Các ông thấy lạ và ra buổi họp, có Hồng y hỏi rằng thầy chắp tay trước Thánh giá làm gì. Tôi mỉm cười trả lời là cầu nguyện. Ông hỏi thầy cầu cái gì. Tôi nói cầu ở trần thế, loài người nên thương nhau, chấp nhận nhau và hòa hợp với nhau.

Từ đó, tình cảm giữa tôi và các vị này bắt đầu mở ra. Bấy giờ, tôi gặp Hồng y người Nhật mời tôi khi nào sang Nhật, nhớ ghé nhà thờ. Và khi tôi trở lại Nhật Bản, dự hội thảo của Tin Lành ở Đại học Nanzan. Một Hòa thượng Nhật là bạn cũ mời tôi về chùa ở. Tôi nói mình ở chùa từ nhỏ, bây giờ ở nhà thờ cho biết. Ở tòa Giám mục này, đêm hôm đó, tôi và ông chia sẻ về vấn đề tọa thiền của Phật giáo và cầu nguyện của Thiên Chúa giáo.

Có thể nói đối với tôn giáo khác, tôi trở thành thân thiện, không đối lập, đó là bài học lớn mà tôi đã học được ở Phật. Cãi hơn thua, người hơn sanh kiêu ngạo, người thua sanh oán hận. Oán hận chồng chất thì khó sống yên lành. Có trí tuệ, chúng ta nên tháo gỡ, đừng cột thêm. Cố lấy tôn giáo mình áp đặt cho người chỉ gây thêm thù hận dẫn đến sát hại.

Với khả năng hóa giải cao độ, Đức Phật đã chuyển hóa 1.000 nhà ngoại đạo trở thành Sa-môn theo Phật. Vì các ông này bế tắc trong việc tu hành. Phật là người tháo gỡ giúp họ được an lạc. Tối ngày họ đốt lửa nhảy múa cầu lên thiên đường làm sao được. Những người ngoại đạo được Phật khai mở con đường tu hành đúng đắn, trong đó có mười đại đệ tử. Nếu Ngài công kích họ, họ nhất định công kích lại, không cần biết đúng sai. Nếu gặp tôn giáo cực đoan mà làm như vậy, chắc chắn khó sống.

Phật đã thành tựu những việc mà chúng ta đáng học theo. Như trường hợp Tần Bà Sa La dâng cúng Phật khu vườn cực đẹp là Trúc Lâm làm Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp ganh tức. Vì ông là Quốc sư có công lao với triều đình và có đồ chúng, nhưng vua không giao cho ông, lại giao cho Sa-môn một mình một bóng và không có công trạng gì.

Chúng ta học trí tuệ của Phật là học lý này. Trong kinh không nói rõ nhưng tôi suy nghĩ nhận thấy nghịch duyên như Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, Phật cũng độ được. Còn vô duyên thì chịu thua. Độ người ganh tức với mình cũng là bài học lớn mà Phật cho chúng ta thấy.

Khi Phật tới tu viện của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, mọi người đều nghĩ rằng Phật tới nộp mạng sẽ bị rắn hổ mang cắn chết. Ông đã cho Phật ở trong hang thờ rắn, nhưng Ngài hàng phục được rắn độc thì ông mới sợ Phật và tuyên bố chính Phật mới là Thánh, nên quyết tâm theo Phật. Nghĩa là Phật đã khai được tri kiến cho ông, đánh trúng vô suy nghĩ của ông, vô căn lành của ông. Thực sự ông cũng tu, nhưng vì bị thập triền, thập sử trói cứng, nên tu sai. Chỉ cần Phật khai mở sự hiểu biết là ông tu theo Phật và trở thành Thánh.

Có thể khẳng định bước theo dấu chân Phật, đầu tiên phải phát huy trí tuệ. Lập trường tôi là nhường hết mọi thứ, nhưng không nhường trí tuệ, nghĩa là những gì chưa biết thì phải học, học cho đến ngày thành Phật. Trong loài người, tôi học Phật là học như vậy, đừng tự mãn thấy đủ. Càng tu trí tuệ càng thăng hoa theo lý thâm sâu của Phật chỉ dạy, chắc chắn chúng ta trở thành nhà truyền giáo đúng pháp, xây dựng được thế giới an lạc giải thoát cho những người hữu duyên trên thế gian này.
Bài giảng tại Học viện Phật giáo VN - TP.HCM ngày 22-10-2017

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây