Bà con lối xóm thương người còn trẻ mà mắc bệnh nan y, nên nhiều người đến thăm và mách cho những phương thuốc quý trị bệnh trong dân gian. Có một người quen bảo rằng cây neem (người Nha Trang gọi là nim) còn có tên là cây sầu đâu, cây sầu đông… là cây có thể chữa khỏi bệnh gan.
Neem (tên khoa học là Azadirachta Indica Ajuss) là một loài cây sống ở miền nhiệt đới, được trồng nhiều ở Ấn Độ. Loại thảo mộc này có nhiều dược tính trị bệnh, nhiều đến mức người ta gọi neem là cây thần dược. Cây neem được dân gian tin là cây ‘cải tử hoàn sinh’ bởi những lợi ích thật đa dạng mà nó mang lại cho sức khỏe và sắc đẹp. Không chỉ vậy, cây này còn được dùng để pha chế thành thuốc trị sâu rầy giúp ích cho nền nông nghiệp sạch hiện nay…
Theo y học và kinh nghiệm dân gian thì lá neem có vị đắng, chứa nhiều dược tính có công dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh như tiểu đường, đau nhức; những bệnh về da như mụn, trứng cá, lở loét, da nhăn, da khô, vảy nến, đầu bị gàu,…; những bệnh viêm gan, viêm loét dạ dày, loét ruột, táo bón,… nên có tên là cây thần dược.
Cô bạn tôi vì thương em nên ai chỉ gì thì làm nấy, hy vọng biết đâu gặp thầy gặp thuốc, liền đem theo hai túi nhựa lên vùng đồi núi ở Phước Đồng (TP.Nha Trang) để hái lá neem. Vốn là Phật tử thuần thành, có niềm tin sâu sắc với Đức Phật Dược Sư, vị Phật Thầy thuốc, nên cô vừa chạy xe máy theo con đường mòn vào đồi núi, miệng vừa lâm râm niệm “Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật”.
Thật bất ngờ, một túi nhựa cô để trên xe bỗng vụt bay theo gió, rơi vào đám cây ở phía xa. Cô bạn liền dừng xe và đi đến nhặt túi nhựa rơi. Thật kỳ diệu, ngay bên cạnh chiếc túi là cây neem. Phải chăng Đức Phật Dược Sư đã chỉ lối đưa đường!? Cô liền hái lá và nếm thử, có vị đắng. Đúng thật rồi! Cô hái đầy hai túi nhựa lá neem rồi đem về điều chế theo hướng dẫn và cho em trai uống. Mỗi lần cho em uống thuốc, cô đều dạy em trai mình niệm Phật Dược Sư để mau khỏi bệnh. Đến nay, sau hơn một tháng niệm Phật Dược Sư, uống lá cây neem, em trai cô đã khỏe hơn, ăn uống bình thường… và cô tin tưởng rằng người em có thể vượt qua cơn nguy cấp.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự