Kết Mộng Vui

Thứ sáu - 05/04/2013 15:07
Hôm nay là ngày khai pháp của đạo tràng chư Ni khu am thất ngoại viện Thường Chiếu tại Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức - Viện Ni. Trước nhất tôi xin chúc nguyện đại chúng tu học thật tốt và hy vọng mỗi lần tham dự khóa tu, quý vị có được niềm vui và sự tiến triển trên bước đường công phu.
Đại chúng gầy dựng được niềm vui trên bước đường tu học rồi, từ đó lúc nào chúng ta cũng vui. Có vui thì sự tu mới tiến, điều này chắc chắn quý vị đã ít nhiều trải nghiệm. Nếu chúng ta không vui, cứ sầu héo hoài thì tu khó tiến.

Trong từ “cố gắng” đã nói lên được một bước tiến. Nếu thực sự cố gắng sẽ gầy dựng được niềm vui, để từ đó chúng ta phấn phát vững niềm tin hơn nữa. Có niềm vui, vững niềm tin đối với chánh pháp thì qua mỗi giai đoạn công phu, nhất định chúng ta sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Trong buổi nói chuyện này, tôi nói về đề tài “Kết mộng vui”. Trong cuộc đời giả tạm, mộng ảo không có gì thực chúng ta nên kết mộng vui. Để làm gì? Để thấy rõ các pháp là mộng mà ta vẫn vui tu hành, không bị mộng ảo gây trở ngại trên bước đường công phu. Có lần trong câu chuyện vui, Hòa thượng Trúc Lâm kể lại: Tại một thiền đường đó, có vị Tăng cứ ngồi cười mãi. Trong chúng thấy lạ trình lên Hòa thượng Đường đầu, Hòa thượng đến hỏi:

- Ngươi vì sao cười hoài?

Vị Tăng thưa:

- Bạch Hòa thượng, trong cuộc đời mộng ảo này nên kết mộng vui, không nên kết mộng buồn. Vì kết mộng vui nên con cười.

Nghe nói vậy, Hòa thượng cũng cười. Thật ra niềm vui có một sức mạnh khiến người ta phấn phát vươn lên để sống. Ngược lại buồn nản thường làm mình nhũn chí. Do vậy đừng bao giờ chúng ta để cho buồn nản hiện trong đầu, trong sinh hoạt tu hành. Chư huynh đệ nên cố gắng vui tu vui sống. Tôi nói vui đây không phải cứ cười hoài giống như người bị tốc kê. Tôi ý thức rõ niềm vui đủ sức tái tạo và chuyển đổi cho mình một sức mạnh. Khi gặp việc khó khăn, chúng ta cố gắng hết sức mà cũng không ổn định, khi đó phải làm sao? Quý vị cố gắng ngay đây gầy dựng công phu, phấn chấn lên, cười chứ không rầu, nhất định không chịu chào thua. Nếu lúc đó ta buồn là thua cuộc liền. Cương quyết vui lên thì mọi việc rồi sẽ ổn.

Tôi rất tin tưởng nơi pháp học của Hòa thượng Ân sư. Ngay từ những buổi đầu Ngài dạy cuộc đời là mộng, tôi như được mở mắt chiêm bao mặc dù cũng chẳng hiểu bao nhiêu. Thời còn trẻ, tôi là người có nhiều mơ mộng. Vì hoàn cảnh của tôi lúc đó không thuận lợi như chư huynh đệ khác. Do vậy trong lòng có nhiều ưu tư nghĩ tưởng. Muốn vươn lên phải luôn nhớ cố gắng. Thấy mình đã vươn lên được, lấy đó làm đà tiến để gầy dựng cuộc sống đạo.

Trước khi lên núi tu theo Hòa thượng, tôi khoảng hơn hai mươi tuổi, đã học xong chương trình Trung Cấp Phật Học, đang học lên Đại học Vạn Hạnh. Đây là thời kỳ đất nước đang bị chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bom đạn khốc liệt. Đêm đêm ngồi học nghe đâu đó tiếng bom dội, thiệt là đau đớn trong lòng. Có đêm không sao ngủ nhưng cũng không biết làm gì. Nhiều anh em nói sảng, cứ trướng lên sẽ làm này làm kia nhưng nhìn lại mình là ông thầy, làm gì được đây. Bây giờ ngồi đó mà mộng mơ, vấn vương tơ tưởng lan man. Tại sao mình không kết niềm vui để gầy dựng sức chuyển hóa, phấn đấu vượt qua tất cả mơ mộng. Anh em bày ra nhóm viết văn, nhóm làm thơ, nhóm nào tôi cũng tham gia hết. Huynh đệ họp lại đưa ra những đề tài nhỏ, sau đó mỗi người tự viết thành bài, ghi vào một cuốn tập lớn. Đây cũng là một cách kết mộng vui của chúng tôi thuở còn là Tăng sinh trẻ.

Nhóm thành lập khi chưa học thiền với Hòa thượng Trúc Lâm. Lúc đó Ngài là Quản viện Học viện Huệ Nghiêm nhưng chưa dạy thiền, anh em tự ý thức gầy dựng thành nhóm học tập và cũng có một số kết quả. Nhóm làm thơ lấy tên là Thi Đoàn Sóng Trào. Khi được Hòa thượng hỏi ý nghĩa Sóng Trào, ai cũng giải thích lan man, Ngài quở mấy chú tơ tưởng quá. Nói thì nói vậy nhưng Ngài vẫn thương và cho tiền mua giấy để in. Tôi không làm thơ giỏi nhưng biết thưởng thức thơ. Ngày họp của mấy anh em, tôi ngồi nghe ngâm thơ rồi góp ý hoặc cải biên những danh từ trong bài. Năm đó nhà trường xuất bản tờ báo xuân. Mấy anh lớn đi làm báo, mấy em nhỏ ở nhà. Nhóm viết văn chịu trách nhiệm kêu gọi anh em viết bài cho tờ báo, tôi cũng tham gia viết bài. Hòa thượng đặt tên tờ báo là Hương Thiền, cho thấy Ngài đã mớm thiền cho chúng tôi khi còn ngồi ở ghế Học viện.

Mấy huynh lớn đã đi giảng dạy viết bài rất tốt, được đọc cho quý Hòa thượng nghe và được khen. Riêng thi đoàn Sóng Trào, bao nhiêu thơ anh em dự định sẽ được trình làng đều bị loại ra hết. Thế nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ, vẫn tiếp tục viết văn làm thơ. Cuối cùng những bài thơ được đăng trong tập Hương Thiền chẳng là bao, chỉ mấy bài nói về tu hành, kêu gọi anh em ráng tu thì được đăng, còn lại rớt sạch.

Hồi đó Hòa thượng thường gọi chúng tôi là mấy chú. Thầy trò nói chuyện với nhau rất gần gũi. Hòa thượng kể lại cuộc đời tu học và giảng dạy của Ngài, anh em chúng tôi lắng nghe, sau đó cũng trình lên Thầy những suy nghĩ và tâm nguyện của mình. Nhưng có một điều là tuyệt nhiên tôi không hề nghe Thầy nói sau này làm Thiền sư, mở thiền đường dạy thiền… Cho tới khi mãn khóa, Thầy giao trách nhiệm lại quý Hòa thượng ở trường rồi lên núi cất thất tu.

Chừng ấy anh em mới biết Thầy thích tu thiền. Thất đầu tiên ở Bảo Lộc tên là Thiền Duyệt thất, thất thứ hai ở Vũng Tàu tên là Pháp Lạc thất, tiền thân của Thiền viện Chân Không bây giờ. Thầy thường kể những niềm vui qua công phu tu hành, nghiên cứu Phật pháp và đi giảng dạy để khích lệ anh em chúng tôi tiến lên. Sơn tăng sống ở núi, chấp nhận quy chế chung, học theo chương trình Hòa thượng đã quy định, ngoài ra không thêm gì khác. Hòa thượng chỉ mong mỏi chúng tôi yên lòng tu thật tốt, giữ gìn quy chế của Thiền viện, không nên tơ tưởng mông lung như hồi trước.

Lúc gần gũi chúng tôi nghe Thầy nói về những trường hợp mê tín dị đoan. Ngài cho rằng tệ nạn này đa số phát xuất từ những Tăng sĩ không được tu học đúng chánh pháp. Cho nên Ngài có tâm nguyện đem giáo lý nhà Phật phổ vào đời sống quần chúng để phá tan những tập tục mê lầm. Khi mở Thiền viện, chúng tôi lại nghe Thầy tuyên bố tâm huyết khôi phục Thiền tông Phật giáo Việt Nam, nhằm hướng dẫn cho người Phật tử nhận được tinh thần trọng yếu của đạo giác ngộ, giải thoát tức nhận ra và sống với tâm chân thật của mình.

Hòa thượng mở những khóa tu thiền trên núi Tao Phùng - Chân Không, hồi đó anh em không có bao nhiêu người nhưng Thầy nói sau này sẽ mở mang tinh thần thiền, tinh thần Phật giáo đại thừa rộng rãi khắp nơi, để cho mọi người hiểu và hành.

Trước kia khi giảng các bản kinh thuộc Phật giáo đại thừa như Lăng Nghiêm, Pháp Hoa… có những điều Thầy không nhận ra. Cho nên Hòa thượng nghĩ kinh điển này chỉ để trên gác thờ, chứ không biết bắt đầu từ chỗ nào để tu. Đó là những ưu tư trong giai đoạn đầu khi Thầy mở Thiền viện. Sau này nhờ công phu hành thiền, Hòa thượng nhận ra được cốt tủy của kinh Đại thừa rồi, Ngài dõng dạc tuyên bố kinh và thiền không hai. Từ đó Ngài giảng dạy đạt lý thấu sự, anh em chúng tôi càng học càng thấy giáo nghĩa Phật dạy thật là sâu mầu vi diệu.

Nhiều người ngạc nhiên hỏi tôi sao dám buông bỏ hết lên núi tu, kinh điển đâu trong đó. Thật ra một thực tế cho thấy từ trước đến nay, chư vị thiền sư thường vào hang núi hành thiền, các Ngài dễ thành tựu công phu. Chúng ta cũng noi theo tấm gương ấy, hy vọng núi cao rừng sâu là nơi vắng vẻ dễ giúp hành giả buông bỏ các duyên để nhận và sống trở lại với chính mình, phá hết tất cả mê mờ từ trước. Nhận ra được tâm mình chính là gầy dựng được tâm tông, do đó thiền tông phát triển từ những nơi này.

Ngày xưa khi sống trên Bảo Lộc, Hòa thượng ở một mình vừa trị bệnh vừa tu. Giai đoạn này Thầy cố gắng hình thành một giáo trình Phật học. Sau đó mở Học Viện Huệ Nghiêm, Thầy cùng quý Hòa thượng chịu trách nhiệm dạy dỗ Tăng Ni, mở mang Phật pháp. Các kinh sách Thầy giảng dạy cho Tăng Ni sinh tại Học viện và luôn cả Đại học Vạn Hạnh đều là những tư tưởng Thầy phát minh khi tu tại Thiền Duyệt thất - Bảo Lộc. Sau giai đoạn đó, Thầy lại nhập thất ở Pháp Lạc thất - Vũng Tàu, với tâm nguyện nếu không sáng đạo, thà chết chứ không mở cửa thất. Nhưng chỉ trong khoảng ba tháng, Thầy đã mở cửa thất cho Tăng Ni tứ chúng được đón mừng tin vui.

Từ đó Thầy bắt đầu xây thiền đường, mở Thiền viện và nhận chúng dạy tu học thiền. Năm 1970, Thầy chánh thức mở khóa thiền đầu tiên. Từ những phôi thai trong lòng dẫn đến sự ưu tư, tìm chỗ tu tập, tâm đắc và sau này dạy thiền, kết quả nhiều nhất từ lần nhập thất ở Pháp Lạc. Đó là những điều tôi biết được trong những năm tháng gần gũi Thầy tại Chân Không. Điểm tôi muốn nói là chúng ta phải kết mộng vui, phấn chấn tiến tu, đừng co ro nhăn nhó trong sự bất an, bực bội, không có ích lợi gì. Làm sao mỗi ngày mình gầy dựng được niềm vui, kết mộng vui, thẳng tiến công phu như vị thiền tăng ngày xưa.

Thiền viện có thiền đường nhưng không phải chúng ta chỉ ngồi thiền mà còn học Phật pháp và lao động nữa. Ngồi thiền là một trong những thời khóa tu học, nhưng nó rất quan trọng cho nên ai xem thường việc ngồi thiền thì người đó không gầy dựng nổi niềm vui. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tu không tiến. Tại sao? Hòa thượng dạy ngồi thiền sẽ thắng vượt tất cả những khó khăn, làm chủ được mình, gầy dựng một sức mạnh nội tại.

Chư huynh đệ ở các Thiền viện, mỗi ngày chỉ ngồi thiền hai thời đầu đêm và cuối đêm. Ba giờ khuya thức dậy ngồi thiền, năm giờ xả thiền. Sau đó vệ sinh, ăn sáng, sáu giờ rưỡi làm công tác, mười giờ nghỉ, mười giờ bốn mươi lăm thọ trai. Thọ trai xong chỉ tịnh, một giờ thức dậy, hai giờ lên lớp học đến ba giờ rưỡi, bốn giờ làm chút công việc gì đó như tưới kiểng, quét sân… theo sự điều động của các vị trong ban chức sự, sau đó dọn dẹp, giải lao, chuẩn bị cho thời tụng kinh vào đúng sáu giờ chiều. Sau thời kinh lại lo rửa mặt, giăng mùng, bảy giờ ba mươi ngồi thiền tới chín giờ ba mươi xả thiền, ai nấy đều lo nghỉ ngơi. Cả một ngày đêm xoay vòng như vậy nhưng chỉ có hai thời ngắn ngủi để tọa thiền, còn đầu ngày đến cuối ngày lu bu các công việc.

Chư huynh đệ có ai dám nghĩ ngoài hai thời thiền đầu đêm cuối đêm, tất cả các thời khác mình giữ được sinh hoạt đúng pháp như khi ngồi thiền không? Chưa ai dám nhận điều đó. Hòa thượng Trúc Lâm thường hỏi anh em chúng tôi:

- Ngoài hai thời thiền, mấy chú dụng công thế nào, giữ tâm thế nào?

Phần nhiều các anh em cà lăm hết, nếu có ai trả lời thì cũng e nói không thật. Cho nên rồi cuối cùng chúng tôi thỉnh Ngài chỉ dạy. Hòa thượng bảo mình phải biết cách tự làm chủ trong mọi thời mọi lúc. Lưu ý giữ mọi sinh hoạt trong tâm niệm tỉnh giác để có sức sống tương đương như khi ngồi thiền. Nói như vậy nhưng chưa chắc chúng ta đã ngồi thiền tốt. Bởi vì tôi biết chư huynh đệ còn ngủ gục mà. Một tiếng đồng hồ tỉnh táo chưa tới nửa giờ. Ma quỷ nó dẫn mình đi khắp nơi, sao mà yên được. Hòa thượng nói bị ma dẫn và ngủ gục là hai gọng kềm giống như hai lưỡi kéo luôn luôn kề sát cổ hành giả tọa thiền.

Không chiến thắng được hai con ma này thì công phu ngồi thiền xem như mất trắng, chẳng ra cái gì cả. Người ngồi thiền ngủ nhiều, tâm làm sao yên được cho nên khi được giám thiền đánh thức, họ có vẻ hối hận sợ sệt, chứ đâu phải vô tư. Nếu vô tư họ đã ngủ thoải mái, đằng này dù gục cỡ nào trong tâm vẫn có chút lo âu. Nếu lên thiền đường trải bồ đoàn ra nằm ngáy thì đúng là tự tại không ngán ai hết và cũng không ngại chỗ nào. Chúng ta không dám làm như vậy vì trong tâm còn nhiều bất ổn, từ đó cuộc sống cứ như bị xô đẩy từ bờ bên này sang bờ bên kia, luôn không yên. Thiền định tối kỵ những tật lơ mơ, tơ tưởng, cho nên phải làm sao tuyệt được những thứ đó. Tuyệt bằng cách nào? Chúng ta ngồi đây mà nghĩ vớ vẩn chuyện này chuyện khác, chuyện năm trên năm dưới làm sao ổn được. Huynh đệ phải có cách thương mình, bảo vệ mình, đừng để con trâu điên của chúng ta xâm phạm vào lúa mạ nhà người. Đó là cách thức thành tựu công phu.

Thập niên năm 70, tôi theo Hòa thượng lên núi Chân Không - Vũng Tàu, thời ấy Thiền viện đơn sơ, chỉ có một ngôi nhà xây bằng đá xanh, phía trước vừa Điện Phật vừa Thiền đường, phía sau dành ra một khoảng cho Hòa thượng nghỉ ngơi. Anh em chúng tôi sống trong nhà thiền khiêm tốn làm bằng vật liệu tạp của người ta bán lại. Thế nhưng những năm này lời dạy của Thầy dường như rót trọn vào lòng chúng tôi. Mọi lăng xăng phố thị tuy chưa vứt được nhưng đã để ngoài cửa Chân Không, có Thầy cầm gậy đứng đó, trợn mắt canh chừng để chúng tôi yên lòng sống, yên lòng tu tập. Từ giai đoạn gầy dựng ban đầu cho tới vào được thiền định phải có một quá trình. Nhất định phải ở yên một chỗ chuyên tâm tu hành, chứ không thể nào cứ đi đây đi đó, bá hết duyên này bợ đến duyên khác. Đó chính là những dây mơ rễ má ta chưa dứt được, nên khi ngồi lại tu nó vẫn thường kéo lôi.

Bản thân tôi đã khó khăn suốt một thời gian dài từ những năm đầu vâng lời Thầy về Thường Chiếu. Ngày ấy Thiền viện thật thiếu thốn, Thầy bảo chú nào muốn theo Thầy tu thiền thì phải cạp đất mà ăn. Anh em chúng tôi sống bên nhau kết mộng vui và lớn lên từng ngày dưới sự giáo dưỡng của Hòa thượng.

Cho tới bây giờ Thiền viện Thường Chiếu đã trở thành Tổ đình trang nghiêm thanh tịnh, huynh đệ chúng ta yên ổn tu hành. Sống trong một môi trường như vậy thì mọi sinh hoạt như tiếp khách, làm việc, thọ trai hoặc anh em ngồi nói chuyện với nhau đều có thiền vị. Tuy trải qua quá trình dài lâu theo Hòa thượng Ân sư, nhưng tôi vẫn thấy mình chưa được. Có thể ta thuộc lòng lời dạy của Thầy nhưng thực sự sống được chỗ đó thì chưa, bởi mình vẫn còn dính bên này mắc bên kia. Đang ngồi đây mà ai nói chuyện Trảng Bàng - Tây Ninh thì cố lắng tai nghe họ nói gì, mấy người đó có quen không hoặc có tiếng Quang thì chú ý xem phải Nhật Quang hay không… Cứ tơ tưởng dõi theo như vậy khiến mình mắc bên này, kết bên kia, vì thế cả đời chưa làm được gì.

Bây giờ tôi đã 70 tuổi rồi lại còn bệnh nữa, hồi nào lên núi đâu phải như thế, Hòa thượng nói anh em chúng tôi hiên ngang như những dũng tướng. Trước khi về Chân Không thầy Phước Hảo, thầy Đắc Pháp… đang làm trong ban Giám đốc của Học Viện Huệ Nghiêm, còn tôi là một đứa em nhỏ tập làm công tác giáo dục thôi. Hòa thượng dạy tôi: “Thầy giao công tác giáo dục cho chú, người ta cho cơm ăn, cho phương tiện thì cứ yên lòng học. Chú nghiên cứu học cho giỏi, tu cho giỏi”. Thầy bỏ vào túi mình bấy nhiêu điều đó, mà lâu lâu hỏi thăm cũng chưa xong. Từ khi theo Thầy tu thiền, tôi tuân thủ lời Hòa thượng dạy lắm. Tới bây giờ già cái đầu rồi, Thầy biểu làm gì làm nấy, không dám sai khác. Tập trung như vậy mà cũng thiền chưa được, định chưa được, giác ngộ tự tánh thanh tịnh gì gì đó… cũng chưa được.

Bây giờ chúng ta phải tu như thế nào để xóa bỏ tất cả những cương yếu đó. Quý vị phải cực lực, tự bản thân mình cương quyết dẹp bỏ nó. Đây là việc của mình, ta phải làm, Thầy bạn không thể thế được, cũng không có đấng thánh thần nào ban ân sủng cho mình tự tại giải thoát. Làm được hay không là tự nơi bản thân chúng ta. Nếu không tự cảnh tỉnh, cứ lơ mơ chiều bờ sông này, sáng bên núi kia, như thế hoài đến bữa nào kết thúc buông tay chẳng tới đâu hết. Đây là chỗ Hòa thượng dạy chúng ta phải mãnh tỉnh, phải gầy dựng công phu để ngay trong đời này ít ra cũng sáng được việc sanh tử.

Khi giảng dạy về vấn đề sanh tử, Hòa thượng dùng nhiều dẫn dụ cho chúng ta nhận ra chỗ then chốt để thực hành. Mặc dù nhận và hiểu vấn đề nhưng mình vẫn chưa sống được với lẽ thật Phật dạy. Đối với Tăng Ni, Hòa thượng đinh ninh chỉ vẽ từng chút từng điều, tuy nhiên cũng chưa ai xong việc. Bây giờ tự bản thân mỗi vị dựng lên cho mình một thời khóa tu hành chính đáng, những nhân duyên đã qua gạt sang một bên, không để nó dây dưa trong đầu. Hiện tại đời sống của chư huynh đệ ở các am cốc tương đối ổn, người nào cũng có chỗ nơi, có phương tiện sống đầy đủ. Chư huynh đệ về Thiền viện tu học trong môi trường thanh tịnh trang nghiêm, đó là phước duyên từ sự hộ trì của Tam Bảo. Với một số đông như vậy chúng ta sống vui vẻ, không có chuyện gì xảy ra là quý lắm, chỉ cần cố gắng khéo léo giải quyết một cách dứt khoát việc sanh tử nữa là xong việc.

Tóm lại thời gian qua sự thay đổi, vô thường nhanh chóng đã cướp đi những gì thuận lợi nhất của chúng ta, bản thân tôi cũng phải chịu sự chi phối ấy. Bây giờ ta phải làm sao để tròn bổn phận mà Sư Phụ đã giao phó. Sư Phụ giao phó chúng ta điều gì? Không phải Thầy bảo chúng ta xuất gia rồi mỗi người cất cái cốc tu. Có bao giờ Hòa thượng dạy quý vị như vậy không? Nếu chỉ cất cốc tu thì tu đâu cũng được, tại sao phải đến Thường Chiếu chi cho cực khổ vậy. Từ đáy lòng Thầy muốn chỉ cho chúng ta tu phải thấu lý đến nơi đến chốn. Đối với vấn đề sanh tử, huynh đệ phải giải quyết làm sao?

Tôi thường khuyên đại chúng không nên xin đi đây đi đó hoài mà không chịu tu hành, đến lúc hấp hối mời quý thầy đến khai thị. Khi đó biết khai thị gì đây, tôi cũng mù mịt. Mù mịt với mù mịt gặp nhau thành mù trời. Khi sống không cố gắng, đến lúc sắp ra đi tâm thần hoảng loạn, đâu có định tỉnh mà nghe nhắc nhở. Bình nhật huynh đệ tu hành tốt thì lúc sắp lâm chung không cần phải khai thị đâu. Chỉ cần một huynh đệ có đạo lý vững vàng, ngồi gần đó nhắc nhỏ rằng con đường lâu nay mình đã đi thì tiếp tục đi, đó là con đường của Phật, tất cả những thứ khác đều buông bỏ. Chỉ nhắc vậy thôi đủ rồi.

Như có người quen tụng “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Bây giờ họ đang mắc nghẹn cần phải nhắc câu này, chứ đem chuông mõ tụng rùm beng toàn những câu không ai hiểu, làm sao người ta định tỉnh được. Nói đến chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì người ấy sẽ nhớ công phu của Bồ-tát Quán Tự Tại cũng chính là công phu của mình. Nhắc là như vậy. Tuy nhiên bây giờ chúng ta đủ điều kiện, lúc này phải mãnh tỉnh giải quyết việc của mình. Hòa thượng dạy phải biết thương mình, giải quyết việc của mình chứ không ai thế được. Cho nên quý vị phải ráng tu.

Trở lại vấn đề thiền định, Hòa thượng dạy muốn được định thì phải làm sao? Một là không bị các pháp kéo lôi, hai là không chạy theo các pháp. Các pháp không đủ sức kéo lôi mình, mình không điên đảo tăm tối chạy theo nó, chừng ấy thôi là vào định tức thì. Dễ mà, đâu có khó gì. Bây giờ trong mọi thời làm sao chúng ta thấy được các pháp không thiệt để không chạy theo nó. Nó không đủ sức kéo lôi thì mình được định. Có định thì liền có tuệ. Đây là cách giải quyết ách yếu của người tu thiền, chớ không phải lên pháp tòa giảng huyên thuyên, nói thiền nói đạo mới là thiền.

Công phu trong cuộc sống là biểu hiện rõ nhất. Huynh đệ chúng ta dù nghèo nàn rách rưới, không có cơm gạo ngon hoặc không được gia đình hỗ trợ nhưng trong lòng lúc nào cũng biết các pháp không thiệt. Đây là người biết chăn con trâu điên của mình, bước vào được ngưỡng cửa sáng suốt, đầy đủ tỉnh táo thì định và trí tuệ Bát-nhã sẽ phát huy. Đó là con đường thẳng tắp nhất quý vị có thể thực hiện được. Không luận người lớn tuổi, chỉ cần làm chủ được mình là người biết cách chăn trâu.

Hòa thượng Ân sư đã dạy thiền từ những thập niên 70 cho tới bây giờ trên ba mươi năm, do đó chúng ta học được rất nhiều điều từ Ngài. Tất cả chư vị Tổ sư từ Ấn Độ, Trung Hoa cho đến Việt Nam có những vị kỳ đặc lắm. Các Ngài ngồi thiền rách đến bảy, tám cái bồ đoàn. Một hành giả tu hành trên ba mươi năm kiểu chúng ta mà không xong chuyện gì thì chắc chắn không được ghi trong thiền sử rồi. Cho nên khi nghe người xung quanh phê bình chúng ta tu thiền mờ mịt thì nên kiểm lại mình, chớ có trách móc người. Đừng vội cho rằng họ nói như vậy là bài bác mình hoặc có tâm ý không tốt đối với thiền. Phải kiểm lại mình trước, nếu đúng như lời người ta nói thì tự chỉnh đốn. Đó là cách vừa sám hối vừa cố gắng tu hành.

Bây giờ là lúc cần thiết tu hành nhất vì Sư Phụ của chúng ta đã già bệnh, hy vọng Ngài khỏe mạnh để đến với đạo tràng là điều rất hiếm. Chúng ta có mong mỏi thì cũng khó mà được như nguyện. Tôi biết trong số quý vị ngồi đây, ai cũng mong Thầy mạnh khoẻ để Thầy sống lâu, dạy dỗ giáo hóa chúng sinh. Đó là tâm nguyện chung của tất cả chúng ta. Cho nên đại chúng phải cố gắng. Nghe ai phê bình gì về Tổ chức, về việc tu học của mình thì nên lắng nghe cho thông suốt để biết bệnh rồi chỉnh sửa. Đó là một cách sám hối, tiếp theo gầy dựng cuộc sống sinh hoạt tu học sao cho bản thân mình và huynh đệ trong đạo tràng đều trang nghiêm, đúng chánh pháp. Được như vậy mới xứng là đích tử đích tôn của Đức Thế Tôn, là môn hạ con cháu của Hòa thượng Trúc Lâm. Đại chúng góp phần tu học của chính mình là cùng dốc sức bảo vệ sự nghiệp khôi phục Thiền tông Việt Nam của Hòa thượng Ân sư đã dầy công tạo dựng.

Thời gian gần đây do bệnh nhiều nên tôi gặp khó khăn trở ngại trong việc tu học và làm Phật sự. Tôi cũng già rồi, nhân duyên được gặp đại chúng như thế này càng ngày càng hiếm nên không thể nói trước điều gì cả. Ở tuổi của tôi, lẽ ra nghỉ ngơi rồi nhưng thấy trong tông môn, bản thân mình cũng như chư huynh đệ còn nhiều điều phải chia sẻ, nhắc nhở động viên để chúng ta thấy được nhiệm vụ của mình mà cùng phát tâm tu học, bảo vệ chánh pháp. Chúng ta vừa tu vừa bảo vệ đạo tràng trang nghiêm. Chỉnh đốn mình được rồi thì mặc ai nói gì, chánh pháp của Phật Tổ là như vậy, chúng ta cứ thế thực hành cho đúng.

Trong đường lối tu học của Hòa thượng Trúc Lâm, ngay từ những năm đầu Ngài đã tuyên bố không chấp nhận việc chư Tăng Ni tham gia các tổ chức cúng bái, cầu an, cầu siêu… nên dành thời giờ nghiên cứu tu học. Hiểu được chỗ này quý vị sẽ kính thương Thầy rất nhiều. Vì thương chúng ta nên Thầy vẫn cương quyết giữ đúng đường lối và lập trường mặc dù có những phản bác chung quanh. Hòa thượng nói: “Tôi sắp đặt như vậy, mong rằng người sau hiểu và cùng nhất tâm hướng theo sự sắp đặt của tôi gầy dựng công phu, đảm bảo trước nhất có đủ sức làm chủ bản thân, hai là thấy rõ lẽ thực của tất cả các pháp thì đối với vấn đề sinh tử không bị nó kéo lôi”. Chư vị thiền sư tu hành đắc lực rất tự tại với việc sanh tử. Các Ngài bảo sống không khoái thiên đường chết không sợ địa ngục, hoặc chết như cởi chiếc áo nhơ nhớp mùa hạ, sống như mặc chiếc áo dầy ấm mùa đông.

Bây giờ chúng ta phải học tập, hành trì theo các Ngài để tự tại đối với vấn đề sinh tử. Nên nhớ sinh tử là việc của chính mình chứ không phải của ai khác. Tất cả những yếu chỉ trên, chúng ta cố gắng thực hành cho được. Mỗi vị tự khắc trong lòng do thương Thầy, thương mình mà tu. Những yếu lý trong lời dạy của Thầy, chúng ta nắm vững để theo đó hành trì, sao cho chấm dứt những dây mơ dễ má, cù cặn làm trở ngại sự tiến đạo. Huynh đệ cố gắng hiểu và ghi nhận những điều tôi nói để mỗi ngày chúng ta đều vui tu. Dù cho phúc duyên, hoàn cảnh xung quanh có thế nào mà nội tại gầy dựng tốt thì mình an ổn.

Hôm nay trong nhân duyên gặp gỡ này, tôi rất hoan hỉ và có đôi lời chia sẻ cùng chư huynh đệ. Mong nhân duyên lành này luôn được phát triển. Đại chúng kết chủng duyên Phật tương thân tương trợ lẫn nhau để tình Linh sơn cốt nhục mỗi ngày bền vững hơn.
Rất mong là như vậy.

Tác giả bài viết: Hòa Thượng Thích Nhật Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây