Một bãi gửi xe “dã chiến” tại lễ hội trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Điểm qua các lễ hội chính ở Lạng Sơn, như đền Mẫu Đồng Đăng; Bắc Nga (Cao Lộc); chùa Tam Thanh (TPLạng Sơn); hát Sli xã Tân Thành, Trò Ngô (Hữu Lũng), Dinh Chùa (Lộc Bình)…du khách đều có chung những nhận xét khá tích cực. Lễ hội năm nay gần như đã mất hẳn đi trò cờ bạc trá hình.
Nhiều năm trước hội là nơi để bày bán đồ chơi bạo lực, thậm chí cả pháo nổ, đèn trời thì năm nay điều ấy gần như mất hẳn. Nhiều lễ hội làng xã rất dễ xảy ra xích mích giữa các nhóm đi hội dẫn đến ẩu đả gây thương tích, án mạng thì năm nay chưa xảy ra.
Đã cân bằng giữa lễ và hội khiến cho lễ hội nghiêm túc và lành mạnh hơn, rất nhiều lễ hội đã khơi dậy được nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt cộng đồng. Đấy là những niềm vui, điểm tích cực rất dễ nhận thấy, và cũng rất cần phát huy.
Thế nhưng bên cạnh những điều vui vẫn không ít chuyện cần suy ngẫm. Có thể nói ở mọi lễ hội việc vệ sinh an toàn thực phẩm hầu như chưa được quan tâm.
Tại các lễ hội do tính chất thời vụ nên hầu hết người bán cũng như người mua đều bỏ qua điều này. Tại hội Rinh Chùa, có lẽ đây là một ngày để người ta gặp nhau để “chén chú chén anh”. Rất nhiều hàng bán thực phẩm, lợn quay, hoa quả, nem nộm, bánh trái được bày ngay trên một tấm ni lông sát mặt đường. Trong khi đó đường có hàng ngàn lượt người qua lại nhưng các thực khách vẫn vô tư ẩm thực.
Chứng kiến nhiều thực khách nướng bánh mỳ ngay cạnh đường đi phủ dầy bùn đất, như hiểu ý tôi anh Hoàng Văn Đình, khu 2 thị trấn Na Dương tâm sự, cả năm mới có một ngày nên không lo đâu, người ta ăn được mình ăn được. Và cứ thế tất cả những thức ăn chỉ một buổi trưa là hết nhẵn.
Tại hội Đồng Đăng, Bắc Nga, chùa Tiên thậm chí là hội đền Kỳ Cùng ngay giữa trung tâm thành phố, ẩm thực mất vệ sinh vẫn diễn ra rất bình thường. Thêm một điều phải suy nghĩ nữa là xung quanh chiếc vé gửi xe. Chắc ai cũng biết hội mỗi năm có một mùa nên các bãi gửi xe trong các lễ hội như chùa Tiên, Bắc Nga, Đồng Đăng mọc lên như nấm sau mưa. Và giá gửi xe cũng cứ như ở trên trời.
Tại hội Bắc Nga, chúng tôi gửi xe cách trung tâm lễ hội tầm 1 km, thế nhưng anh chủ nhà nhất nhất ra giá 150 ngàn đồng 1 xe, bị xử ép chúng tôi đành quay lại xa hơn chút nữa nhưng cũng chẳng có chỗ nào giá thấp hơn 100 ngàn đồng 1 xe ô tô, 20 đến 30 ngàn đồng một xe máy.
Du khách tham gia lễ hội đền Vua Lê
Theo anh Đỗ Văn Nguyên, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, (anh Nguyên là người chuyên đi thuê các bãi đất trống rồi làm dịch vụ giữ xe), khi thuê bãi giá cao đa phần người ta phải đội giá trông xe lên cao để bù. Cũng không ít người có bãi tự làm dịch vụ nên họ tự đặt ra giá, thế là giá gửi xe cứ tít mù không biết đâu mà lần.
Khách đã mang xe vào bãi tiến cũng khó, lui cũng không xong nên đành phải chịu bị xử ép. Riêng về giá gửi xe, có lẽ cần có quy định, niêm yết giá cụ thể, ít nhất sẽ tránh được bức xúc cho người dân. Không chỉ vì cái lợi trước mắt của một vài cá nhân mà làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội, để lại không ít phiền toái cho du khách.
Dạo quanh các điểm gửi xe, anh bạn tôi có một nhận xét: “họ chém nhát nào ra nhát ấy”. Khác với mọi năm, năm nay số người hành khất, ăn xin, hát rong tăng đột biến. Họ ngồi choán hết cổng đền, chùa, lối đi. Thông thường ăn xin thì phải đi xin nhưng có lẽ quá đông du khách, nhà hảo tâm cũng nhiều nên họ cứ ngồi một chỗ phơi bày đủ mọi điểm khiếm khuyết của mình để du khách động lòng. Kể cũng đáng thương thật nhưng vô tình đã tạo nên những hình ảnh phản cảm, làm cho lễ hội kém vui.
Chỉ còn ít ngày nữa mùa lễ hội ở Lạng Sơn sẽ khép lại, những suy tư trong lễ hội thì chưa chắc khép. Nó mở ra cho một lễ hội sau bao điều để suy ngẫm. Nếu khắc phục được ngay bây giờ nghĩa là hàng chục lễ hội kế tiếp sẽ vui hơn, và là bài học sinh động cho các lễ hội năm sau.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự