Phật dùng một âm nói tất cả Pháp?

Thứ ba - 31/01/2012 09:24
Lời nói của Phật luôn mang pháp vị giải thoát. Bất kỳ chúng sanh nào nghe cũng cảm nhận được sự an lạc. Trong kinh cũng thường nói, đức Phật thuyết pháp trong hội chúng, mỗi người đều tùy theo căn cơ mà thọ nhận lời Phật và đều được lợi ích.

Thời đại ngày nay không còn ai bàn cải về những giá trị đóng góp to lớn của Phật giáo cho nhân loại nữa, nhất là trên lĩnh vực triết học nhân văn, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc. Tuy nhiên trên bình diện vi mô, người ta vẫn miệt mài nghiên cứu những quan điểm học thuật, những kiến giải về những vấn đề triết học, đạo đức nhân sinh của Phật giáo vì những quan điểm và những kiến giải của Phật giáo cũng phản ánh khá kỹ lưỡng và rõ nét về xã hội của một thời. Ví dụ, thời kỳ bộ phái Phật giáo cho ta thấy được xu thế học thuật và sự phát triển của tư tưởng luận xã hội thời đó trong cộng đồng Phật giáo nói riêng và xã hội Ấn Độ nói chung như thế nào.

Ngay sau Phật nhập niết bàn khoảng 100 năm, tình hình phân phái đã rõ ràng và các bộ phái phát triển rất mạnh. Ngay từ thời sơ kỳ phân phái, các quan niệm về Phật thân, về Bồ Tát, về A la hán, về quả vị tu chứng … giữa các bộ phái đã trái ngược nhau. Bên cạnh đó, các quan  niệm về thế giới, về phàm-thánh, về sự khổ, về sự chết và tái sinh cũng được các bộ phái đem ra bàn cải rất nhiều.

Hai mươi bộ phái trong thời kỳ bộ phái Phật giáo có thể xem là thời kỳ trăm hoa đua nở cũng không kém thời kỳ bách gia chư Tử ở Trung Hoa. Trong giai đoạn này có nhiều quan điểm xoay quanh về Đức Phật. Riêng Đại Chúng bộ cũng có không dưới ba mươi quan điểm. Và đương nhiên, có nhiều quan điểm chống trái nhau dẫn đến sự tách lập thành phái con. Chẳng hạn quan điểm Phật dùng một âm nói tất cả các pháp  (佛以一音 說一切法) của Đại Chúng bộ đã vấp phải sự kháng cự của Hữu bộ và một vài bộ phái khác. Đây là một vấn đề còn nhiều tranh cải.

Đại chúng bộ được tách ra trong hội nghị kết tập lần thứ ba tại Hoa Thị thành (Pāaliputra). Trong hội nghị này, Đại chúng bộ có năm quan điểm riêng về tính chất của một A la hán (Đại Thiên ngũ sự).

Theo Các bộ phái Phật giáo tiểu thừa (Pháp Hiền dịch), trú xứ đầu tiên của Đại Chúng bộ là là miền đông Magadha trước thời Asoka, tức trước thế kỉ thứ IV đầu thế kỉ thứ III TTL. Đại Chúng bộ cũng có mặt ở miền tây Kasmir và một số vùng. Đến cuối thế kỉ VII TL, Đại Chúng bộ có mặt ở Magadhavà Đông Ấn, một ít ở Bắc Ấn và NamẤn, họ bị đẩy lùi ở Tích Lan và có đại biểu ở Sơn Tây (Trung Quốc).

Quan điểm của Đại chúng bộ được xem là tiền thân của giáo pháp Đại thừa sau này. Đại chúng bộ xem đức Phật là con người siêu thế với thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Đó là khái niệm đầu tiên dẫn đến quan điểm “Phật siêu việt” sau này của Đại thừa Phật giáo. Đại chúng bộ xem đức Phật là sống vô tận, đã đạt Nhất thiết trí, toàn năng, thể nhập đại định vĩnh cửu, khi thuyết pháp Phật chỉ dùng một âm thanh nói tất cả pháp,…

Trải suốt thời gian dài kể từ khi đức Phật Niết bàn, quan niệm về Phật bảo đã phát triển trải qua nhiều giai đoạn từ Phật giáo Nguyên Thủy đến Sơ kỳ phân phái, đến giai đoạn tiền Đại Thừa và Đại Thừa sau này. Từ một đức Phật lịch sử đã được thần thánh, siêu nhiên hóa trở nên vĩ đại. Qua các quan điểm của Đại Chúng bộ, ta cũng thấy rõ điều đó.

Nhiều người thắc mắc rằng đức Phật dùng tiếng gì để thuyết pháp? Đức Phật đã dùng một ngôn ngữ nhất định hay dùng nhiều ngôn ngữ? Vì thời bấy giờ có nhiều ngôn ngữ (quốc ngữ), thêm vào đó là trong thính chúng của Đức Phật cũng có nhiều tộc người khác nhau.

Bản Phạn văn không còn nên ta không thể truy nguyên từ gốc của từ ngữ mà các dịch giả dùng. Chữ (âm) trong bản Hán văn đã trở thành mấu chốt vấn đề. Âm chỉ cho âm thanh hay là ngôn ngữ? Kimura Taiken trong Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận nói: “Phật dùng một tiếng, về nội dung, tuy có thể giải thích nhiều cách, nhiều thức, nhưng, nếu nhận xét về vấn đề quốc ngữ, thì một tiếng, ít ra, có thể giải thích là một quốc ngữ ”  [1]

Nếu 一音 (nhất âm) được hiểu là một quốc ngữ như Kimura Taiken nói thì chẳng lẽ, Phật dùng một ngôn ngữ mà nói tất cả pháp sao? Như vậy thì người dân ở mỗi nước, mỗi lãnh thổ khác nhau làm sao hiểu được lời Phật nói vì đức Phật đi tứ phương giáo hóa cho nhiều dân tộc lúc bấy giờ chứ đâu phải chỉ thuyết cho một tộc người nghe!

Cho dù khẳng định quan điểm của mình như vậy nhưng cũng chính Kimura Taiken lại đồng ý với cách dịch 一音 là một âm thanh : Về điểm này, cũng vẫn theo lập trường cố hữu của mình, Đại chúng bộ lại đề cao, chủ trương rằng ngôn ngữ mà Phật đã dùng duy chỉ một tiếng, tức Phạm âm, đại chúng trong pháp hội, nhờ sức uy thần của Phật, mỗi người đều nhận ra đó là tiếng mẹ đẻ của mình và đều được lợi ích.

Hữu bộ không đồng ý với quan điểm của Đại Chúng bộ mà cho rằng: 非佛一音能說一切法[2] = không có việc Phật dùng một âm mà có thể nói tất cả pháp. Đức Phật tùy theo nơi chỗ bất đồng mà dùng các quốc ngữ khác nhau. “Nghĩa là, có khi Phật dùng Phạm âm, có khi dùng tiếng Miệt-lê-xa (?), và khi dùng quốc ngữ Lịch Ca(?). Nếu khi nào trong chúng hội có nhiều giống người thì Phật nhanh chóng biến quốc ngữ để khiến cho ai ai cũng hiểu, như đang cùng nghe một thứ tiếng  [3] .

Quan điểm trên của Đại Chúng bộ không những chỉ gây ra sự tranh luận giữa Đại chúng và Hữu bộ, mà có còn sự tranh luận có tính cách hỗ tương giữa các phái thuộc hai bộ chính. Những phái thuộc Đại chúng bộ như Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dận bộ đều tán đồng quan điểm của Đại chúng bộ đều cho rằng Phật dùng một âm thanh nói tất cả pháp  :此中大眾部。一說部。說出世部。雞胤部。本宗同義者。謂四部同說。(…) 佛以一音說一切法。

Đại Chúng bộ cũng nhận được sự tán đồng của một số bộ phái con của Thượng Tọa bộ như Pháp tạng bộ, Ẩm quang bộ . Tuy nhiên Đa văn bộ là bộ phái con của Đại chúng bộ lại bất đồng quan điểm của Đại chúng bộ mà tán đồng quan điểm của Hữu bộ. Ngoài ra còn có một số bộ phái con của Thượng Tọa bộ như Tuyết Sơn bộ, Kinh Lượng bộ cũng tán đồng quan điểm của Hữu bộ.

Liên quan đến vấn đề Phật dùng âm thanh gì để thuyết pháp, các bộ phái còn tranh luận về chủ thể thuyết pháp. Theo Đại Chúng bộ thì chủ thể thuyết pháp là ngôn ngữ. Do đó, tất cả những cuộc đàm thoại của Như Lai, dù có trực tiếp liên quan đến pháp nghĩa hay không đều là thuyết pháp cả (諸如來語皆轉法輪: chư Như Lai ngữ giai chuyển pháp luân: Lời nói của các đức Như Lai đều là chuyển pháp luân).  Trái lại, theo Hữu bộ, chủ thể của pháp luân không phải là ngôn ngữ mà là Thánh đạo. Đứng giữa hai lập trường này là Đa Văn bộ (bộ phái con của Đại chúng bộ). Theo bộ này, chủ thể của sự thuyết pháp tuy là âm thanh, nhưng tất cả âm thanh không phải là thuyết pháp, mà chỉ có năm tiếng vô thường, khổ, không, vô ngã và niết bàn mới là thuyết pháp, ngoài ra đều không phải:  謂佛五音是出世教。一無常。二苦。三空。四無我。五涅槃寂靜 ”. Như vậy, tuy tán đồng Hữu bộ nhưng qua quan điểm này chứng tỏ Đa Văn bộ cũng đã gián tiếp tán đồng quan điểm Phật dùng một âm nói tất cả các pháp  (佛以一音 說一切法)[4][4] của Đại Chúng bộ.

Lời nói của Phật luôn mang pháp vị giải thoát. Bất kỳ chúng sanh nào nghe cũng cảm nhận được sự an lạc. Trong kinh cũng thường nói, đức Phật thuyết pháp trong hội chúng, mỗi người đều tùy theo căn cơ mà thọ nhận lời Phật và đều được lợi ích. Điều này cũng không có gì khó hiểu. Chúng ta thử hình dung khi chúng ta nghe một bản nhạc hòa tấu, chúng ta cũng cảm thấy du dương, khoan khoái, thích thú và thả tâm hồn theo điệu nhạc, nếu chúng ta chưa từng nghe qua bản nhạc đó, chúng ta cũng không hề biết nhạc điệu nhưng chúng ta vẫn cảm thấy thích thú. Các bản nhạc hòa tấu của nhạc sỹ thiên tài Bethoven là các bản nhạc bất hủ từ xưa tới nay cho toàn thể nhân loại chứ không riêng gì của riêng người Ý. Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta nghe các bản nhạc ngoại, chúng ta không hề hiểu được ngôn từ của nó có ý nghĩa gì nhưng chúng ta vẫn thả hồn theo điệu nhạc và vẫn cảm thấy thư thái tâm hồn.

Các diễn viên xiếc huấn luyện các loài thú, điều khiển chúng làm theo ý muốn của mình bằng những âm thanh và các cử chỉ chứ họ không hề nói với chúng bằng thứ tiếng riêng của nó. Như vậy, các loài thú xiếc hiểu và làm theo sự điều khiển của diễn viên xiếc không phải vì chúng biết tiếng nói của con người mà vì chúng hiểu được nhờ vào sự khéo léo của người huấn luyện. Cũng con thú xiếc đó nhưng nếu một người nào khác, không phải là người huấn luyện, điều khiển chắc chắn chúng không hiểu và không làm theo được. Người huấn luyện cho dù không hề biết nói tiếng của loài thú mà chỉ dùng ngôn ngữ của mình  nhưng khi ra lệnh chúng hiểu và làm theo, như vậy người huấn luyện phải có biệt tài gì đó mà những người khác không có.

Ta có thể hình dung khi Đức Phật thuyết pháp Ngài dùng Phạm âm và do oai lực của Ngài nên mọi người trong pháp hội của đức Phật đều được thấm nhuần và cảm thấy an lạc. Không riêng gì loài người hiểu và giải thoát mà ngay cả các loài chúng sanh khác cũng nghe, hiểu và lợi lạc. Chúng ta biết rằng trong pháp hội của đức Phật có đủ các chủng loại thính chúng, từ thiên, long, quỷ, thần, loài người cho đến côn trùng. Trong kinh kể câu chuyện chú bé chăn trâu trong khi vội vả đi đến chỗ Phật thuyết pháp đã đạp chết con hến. Con hến nhờ nghe đức Phật thuyết pháp nên sau khi chết được sinh lên cõi trời. Đức Phật đâu dùng riêng ngôn ngữ của loài hến để thuyết pháp đâu mà con hến cũng hiểu lời Phật. Phạm âm của Phật đầy oai đức cả, vì vậy mà mọi loài đều hiểu được.

Lịch sử luôn đặt ra nhiều vấn đề và cũng bỏ ngõ nhiều vấn đề. Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, bao giấy bút, bao sức lực đã hao tốn cho một vấn đề, lắm lúc chỉ là một vấn đế nhỏ không đáng bàn. Nhưng chưa làm cho nó hết ‘vấn đề’ thì người ta cũng chưa để cho nó yên cho dù mổ xẻ cho rõ ràng ra lắm lúc nó cũng chẳng ích lợi là mấy ngoài giá trị học thuật. Thời đức Phật thì chẳng ai quan tâm, phải chi thời đó có ai đó ghi lại rõ ràng chi ly mọi chuyện thì có lẽ không có cái gọi là Phật đà luận và ngay bài viết này cũng không có.

Vì mọi chuyện rõ ràng rồi thì đâu ai bàn cải làm gì nữa! Nhưng lịch sử như một nhân chứng. Những gì bàn luận ở đây cũng chỉ là lạm bàn thôi, tính đúng sai ở đây chỉ mang tính tương đối vì chỉ có Phật mới đủ năng lực biết được việc của chư Phật. Sự thể nghiệm tâm linh có lẽ là thước đo tương đối chuẩn hơn cả. Phật là vĩ đại, là đấng Đại Sư lợi thế gian nên Phật dùng một âm nói tất cả pháp cũng là chuyện dễ hiểu.

Nguồn tin: Thích Nữ Thông Tiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây