Trả Lời: Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan hay còn gọi là Trai Đàn Thủy Lục là một pháp hội cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa, đang sống vất vưởng ở dưới nước và ở trên cạn.
Duyên khởi pháp hội này như sau:
“... Về tập tục tụng
kinh siêu độ cho người chết, theo hòa thượng Ðạo An [01], “vốn không phải là
một tập tục truyền thống của Phật giáo”. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung
Quốc từ đời nhà Ðường. Ðiều này có thể đúng vì theo sử chép, thì năm 738, vua
Ðường Huyền Tông đã ban sắc lệnh cho toàn quốc, ở mỗi quận đều xây một ngôi
chùa, đều đặt tên là chùa Khai Nguyên (Khai Nguyên là niên hiệu thứ nhì của vua
Huyền Tông).
Ðó là chùa công, do các quan lại địa phương trông coi, dùng làm nơi
tổ chức các lễ tiết quốc gia, cầu quốc thái dân an. Việc làm này vừa có ý nghĩa
đem ân huệ của Phật ban đến quốc dân, cũng vừa để biểu thị quyền uy của chính
quyền trung ương. Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành,
khiến vua Huyền Tông phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân
triều đình dẹp yên giặc loạn.
Trong một năm chiến tranh này, số người chết -
chiến sĩ của cả hai bên và thường dân -, nhiều vô số kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ
cho tất cả các chùa Khai Nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức,
thiết lễ tụng kinh cầu siêu độ cho chiến sĩ và thường dân đã chết trong cuộc
chiến, đồng thời an ủi các gia đình nạn nhân.
Dân chúng thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết trở thành một tập tục trong dân gian.”[02]
Tập tục cầu siêu độ
này được truyền qua Việt Nam
không rõ vào thời nào nhưng có thể bắt đầu từ thời đại nhà Lý. Ðó là việc
tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” có nghĩa là
những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói. Pháp này được
thực hành trên căn bản một tác phẩm mang tên là “Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập
Thủy Pháp” do Ngài Bất Không (Amogha) dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Ðường.
Và hiện nay, trong thời khóa tụng niệm buổi chiều, các chùa ở Việt Nam thường có một nghi thức thí thực cô hồn ngắn, gọi là Mông Sơn Thí Thực Văn. Nghi thức này bắt đầu từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc, vì thế mới có danh xưng là "Mông Sơn Thí Thực".
Trong “Thiền uyển tập anh”: Tăng thống Huệ Sinh (-1064) đời vua Lý Thánh tông, có để lại tác phẩm “Pháp Sự Trai Nghi” nói đến nghi thức chẩn tế.
Vào năm 1789 sau khi đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu Vua Quang Trung đã ban sắc lệnh làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hữu công và tiến cúng cô hồn tử sĩ, kể cả mấy vạn quân Thanh đã tử trận.
Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết đàn siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn uổng tử vì chiến cuộc do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ tế với bài văn tế viết bằng quốc âm Tướng Sĩ Trận Vong và Cô Hồn Thập Loại (1802).
Vào năm Giáp ngọ, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho tổ chức trai đàn tại chùa Linh mụ cầu cho quốc thái dân an, cho các quân linh tử trận được siêu thoát.
Và vào những năm đầu thập niên 70, do chiến tranh gây ra nhiều cảnh chết chóc hãi hùng, khoa nghi chẩn tế được thực hiện rất nhiều, nhất là tại Huế. Hầu như tháng nào ở đây cũng có ít nhất một đàn.
Theo niềm tin của người dân, nghi thức Trai đàn nhằm cầu siêu cho người chết được siêu thoát và qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc. Trong tín ngưỡng dân gian này không thể thiếu vai trò của Phật giáo vì người dân quan niệm đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ.
Theo giáo lý nhà Phật,
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, sự từ bi này không chỉ đối với người sống mà
còn với người chết, không chỉ từ bi với con người mà còn từ bi với các loài
chúng sinh không phải con người, từ bi bình đẳng đến cả các vong linh khổ não,
các oan hồn uổng tử vất vưởng, không nơi nương tựa, lang thang khắp mọi nơi,
mọi cõi, lang thang ở bụi dậm, bờ ao.
Chính vì lòng từ bi đó mà người ta lập ra Trai đàn để cầu siêu cho các vong hồn được siêu thoát, hoá giải mọi tai ương hận thù mà người dân tin là có thể xảy đến, để cuộc sống được ấm no, yên ổn. Đó cũng là “điểm nổi bật của vai trò Phật giáo trong tập tục phong hóa dân gian chính là khuynh hướng “dân tộc hóa” nghi lễ tập tục Phật giáo, có nghĩa là hòa quyện hình thức nghi lễ giữa đạo và đời…” [03]
Theo Phật giáo, trong
thế giới hiện tượng tương đối này, hết thảy vạn sự vạn vật đều chịu tác động
bởi quy luật Nhân Quả. Tất cả đều có những tương quan tác động qua lại với nhau,
duyên vào nhau mà sinh diệt, tồn tại.
Do đó, các nghi lễ cầu an, cầu siêu và trai đàn phổ độ có thể được xem là những trợ duyên cho sự sống và sự chết của con người về mặt tinh thần. Đứng về phương diện đạo lý thường tình sống trong thế giới hiện tượng tương đối mà xét thì "lễ" là sự thể hiện cho cái "nghĩa" sống của con người, song để thể hiện cái "lễ" ấy thì cần phải dựa vào "nghi thức" để thực hiện cho phải lẽ.
Trong Phật giáo Nguyên
Thuỷ không có kinh cầu siêu, kinh cầu an mà chỉ về sau các nhà sư Phật giáo Bắc
tông, do nhu cầu phát triển nên uyển chuyển áp dụng các loại kinh khác nhau cho
hai mục đích vừa nêu, ví dụ như dùng kinh A Di Đà và kinh Địa Tạng để cầu siêu
cho người quá vãng, dùng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa và kinh Dược Sư để cầu
an cho người lâm bệnh, v.v…
Phải chăng, ý nghĩa căn bản của cầu siêu và trai đàn chẩn tế phổ độ là để biểu tỏ tấm lòng chân tình thương mến người thân quá vãng, thương xót đồng bào tử nạn, thương xót những cô hồn đói lạnh và nhất là để an tâm cho người sống?
Trong pháp hội “Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan” được hoà thượng Nhất Hạnh dự trù tổ chức tại ba miền Việt Nam vào đầu năm 2007 có mục đích, theo lời hoà thượng: “để cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế…, để cầu nguyện cho tất cả những người thân đã từng chết đi một cách oan ức, trong rừng sâu, ngoài biển cả, trong trại tù, ngoài côn đảo và dưới những hố chôn tập thể, để cùng cầu nguyện cho nhau, cho những người đã khuất và những người còn đang tiếp tục gánh chịu oan nghiệt, và để tất cả cùng có cơ hội chữa lành những vết thương rướm máu lâu ngày chưa lành, để nối kết lại tình đồng bào ruột thịt, và làm vơi đi những oan khổ uất ức đã được chứa chất lâu nay”. [04]
Như vậy Trai đàn mang hai ý nghĩa cho cả người sống và người chết. Người chết, được thân nhân tin tưởng là sẽ được siêu thoát và người sống được bớt khổ đau, “chữa lành những vết thương rướm máu lâu ngày chưa lành và để nối kết lại tình đồng bào ruột thịt, và làm vơi đi những oan khổ uất ức đã được chứa chất lâu nay”.
Để hiểu thêm về ý nghĩa pháp hội Trai đàn chẩn tế Thuỷ Lục, ban biên tập chúng tôi mời quý độc giả đọc lại bài pháp ngắn của Đại lão Hòa thượng Hư Vân thuyết giảng trong dịp kiến lập pháp hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn tại Quảng Châu Trung Quốc vào ngày 18-8-1946:
“Hôm nay, các giới chức đồng phát tâm kiến lập pháp hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn. Vì vậy, tôi sẽ giảng thuyết sơ về duyên khởi của sự kiến lập đàn tràng Thủy Lục.
Sao gọi là Thủy Lục ? Thủy tức là nước tại sông biển ao hồ. Lục tức là đất đai tại núi non, cao nguyên, đồng bằng. Thủy Lục (đất nước) bao hàm cả hư không. Nếu là vật có hình tướng thì không vượt ngoài ba vật này (đất, nước, hư không).
Đấng Như Lai của chúng
ta khởi tâm đại từ bi, cứu tế khắp loài hữu tình, nên mới lập ra pháp môn này.
Duyên khởi của pháp hội Thủy Lục là khi tôn giả A Nan tu tập thiền định trong
rừng, có một con quỶ chúa đến cầu xin cứu độ. Tôn giả A Nan liền trở về núi
Linh Thứu, cầu Phật dạy bảo.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân đó mà thuyết pháp Thủy Lục. Con qủy chúa vốn là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì thương xót chúng sanh trên đất liền đang chịu bao thống khổ, và muốn giúp cho âm hồn trong cõi địa ngục U Minh được vãng sanh lên cõi Cực Lạc, nên thiết pháp siêu độ.
Pháp hội này khởi đầu từ đời vua Lương Võ Đế ở nước Tàu. Nhà vua phát tâm Bồ Đề rất mực chân thành mà cung thỉnh hòa thượng Chí Công, định chế nghi thức lập đàn tràng "Thủy Lục" để làm lợi ích cho các oan hồn uổng tử. Sắp đặt đèn cầy xong, vua Lương Võ Đế lễ một lạy; kế đến thắp đèn "Tận Minh", rồi lễ thêm một lạy. Khi đó, cung điện chấn động. Vua lễ lần thứ ba thì trời mưa hoa báu. Công đức đàn tràng "Thủy Lục" như thế.
Đời Đường, tại chùa
Pháp Hải, thiền sư Anh Công lại kiến lập đàn tràng Thủy Lục để cầu siêu độ cho
vua Tần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Chẩn Muội,
v.v... đã bị trầm luân cả ngàn năm, khiến họ siêu thăng cõi trời.
Cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, đại sư Liên Trì đời Minh, v.v..., cùng chư thánh hiền bao đời bổ sung thêm vào, khiến cho nghi thức lập đàn tràng Thủy Lục ngày một hoàn bị. Muôn pháp do tâm tạo. Mọi người đều thành tâm, tất sẽ có cảm ứng.
Hư Vân tôi thể theo lời khẩn thỉnh của các vị đại hộ pháp mà làm pháp chủ cho đàn tràng này, thật khó từ chối được.
Các chiến sĩ trận
vong trong thời kỳ kháng chiến, xả thân báo quốc, nhưng hồn họ vất vưỡng, không
nơi nương tựa. Vì tôn sùng ân đức này, chúng ta kiến lập đàn tràng để cầu siêu
độ cho họ. Nghĩa dân bất khuất, lưu lạc đường hoang, nhà tan người mất, không
hàng phục quân địch, trung thành vì nước.
Cô hồn vô chủ, lang thang khắp nơi. Lại có những vong hồn uổng tử, chết vì bị trúng đạn, xe cán, bịnh dịch, chết đuối, chết oan v.v... Chúng ta phải đều cầu siêu độ hết để an ủi chúng sanh ở cõi u linh. Kẻ chết được an, người sống được ích lợi, tức là làm lợi ích khắp cõi dương và cõi âm.
Đây là lý nhân quả
tuần hoàn. Xoay lại đạo lý nhân tâm, không ngoài các việc ác chớ làm mà phải hành
theo những việc lành. Bao việc khổ sở trên thế gian đều do đã trồng nhân xấu
đời trước. Nếu tán tận lương tâm, bỏ quên hiếu để, trung tín, lễ nghĩa, khiêm,
sĩ, cứ làm càn làm bậy, thì khiến lụy đến người hiền, và thế giới mãi mãi vẫn
còn loạn lạc.
Đất nước vừa được trùng quang độc lập, phải cực lực hưng thiện dẹp trừ việc xấu, cải ác theo lành, thì mới không bị nước ngoài xâm lăng. Nếu không lo chuyện đại cuộc mà vẫn cứ khởi nội loạn, thì nhân dân không biết sẽ chết nơi nào. Lúc này, nếu người có lương tâm phải sớm giác ngộ, biết đoàn kết, giải trừ kiếp vận cho đất nước. Nước Tàu từ lúc Hoàng Đế khởi binh đánh vua nước Cửu Lệ cho đến ngày nay, chiến tranh mãi không dừng.
Nếu muốn hòa bình
mãi mãi thì mọi người phải nên phát tâm Bồ Đề, và tâm đại từ đại bi. Bồ Đề là
chữ Phạn, nghĩa tức là giác. Giác tức là đất tâm sáng chiếu. Sự khác biệt giữa
chư Phật và chúng sanh là việc giác ngộ hay chưa giác ngộ. Những vị đã giác ngộ
tất cả các pháp trên thế gian đều do duyên sanh như mộng như huyễn, và thể tánh
vốn không, chẳng bị nhiễm ô, được gọi là thánh hiền. Bất giác tức là vô minh.
Một khi vô minh khởi lên thì mê mờ sự lý. Từ tự tâm của chúng ta, sanh ra mười
pháp giới. Mười pháp giới đều do tâm tạo. Mười pháp giới gồm có bốn pháp giới
thánh hiền và sáu pháp giới phàm phu. Bốn pháp giới thánh hiền là pháp giới của
Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Gọi là cảnh giới thánh hiền vì nơi đó các
ngài đã vượt ngoài ba cõi, không còn thọ luân hồi. Nếu phân biệt thì giữa bốn
pháp giới thánh hiền có phân chia cao thấp.
Pháp giới tối thượng tức là pháp giới
của chư Phật. Kế tiếp là pháp giới của Bồ Tát, rồi đến pháp giới của Duyên Giác,
và cuối cùng là pháp giới của Thanh Văn. Sáu pháp giới phàm phu vẫn còn nằm
trong biển khổ luân hồi là pháp giới của trời, người, A Tu La, súc sanh, địa ngục,
ngạ quỷ. Pháp giới của cõi trời có ba mươi hai tầng trời. Sau khi thọ hết phước
báu, chư thiên vẫn bị luân hồi như thường.
Con người từ đế vương, tể tướng cho đến nông dân, công thương, sĩ thứ, đều thọ hết tất cả khổ của sanh già bịnh chết. Loài A Tu La có phước nhưng không có đức như chư Thiên nên cuối cùng vẫn phải bị hoại diệt.
Trong loài súc sanh, cũng có sự khác nhau về việc hưởng lạc và thọ khổ, như loài rồng phượng, sư tử, lân giác thì thường hưởng lạc, và ít thọ khổ hơn loài trùng kiến thấp sanh, hóa sanh. Khổ nhọc hay an lạc trong loài quỷ cũng không đồng. Các quỷ vương như Diêm Vương và Thành Hoàng đều hưởng lạc nhiều mà thọ khổ ít hơn những loài quỶ cô hồn vô chủ. Khổ nhất là loài ngạ quỶ. Chúng sanh trong địa ngục thường thọ vô biên khổ cực, chẳng hề được sung sướng.
Mười pháp giới không
ngoài một tâm. Giác ngộ hay chưa giác ngộ cũng từ tâm này ra. Đức Phật của chúng
ta thật rất đại từ đại bi. Ngài giảng kinh thuyết pháp để khiến cho mọi người
phát tâm Bồ Đề. Phát tâm Bồ Đề cũng sai khác. Bậc lớn thì phát tâm tu hành thành
Phật. Bậc trung thì phát tâm tu hành thành Bồ Tát. Bậc nhỏ thì phát tâm tu hành
thành Thanh Văn Duyên Giác.
Chư thiên cũng có vị phát tâm Bồ Đề. Do sự phát tâm rộng hẹp, lớn nhỏ, nên việc thành tựu đạo quả mau chậm không đồng. Chúng ta đang sống trong cõi người, phải nên phát tâm Bồ Đề rộng lớn, cứu độ chúng sanh, thay họ chịu khổ. Lại nữa, nên nguyện rằng sẽ dẹp trừ khổ lụy và khiến chúng sanh được siêu thăng. Nếu người người đều phát tâm như thế thì cõi nhân gian sẽ không còn khổ đau.
Có người hỏi tôi về
thần thông biến hóa, thế giới chừng nào hòa bình, vận nước tốt xấu như thế nào
? Tuy nhiên, tôi vốn là phàm phu, không biết việc chi, lại chỉ là cây gỗ già nua
khô mục, không thể chạm khắc. Bất quá, so với quý vị thì ăn cơm hơn nhiều năm,
ngu si hơn nhiều năm, nghe các ngôn ngữ lời nói nhiều hơn, xem nhiều quyển kinh
hơn. Nhận biết làm người là khổ đau, nên tôi mới nói ra những lời này.
Quý vị
chớ nên hỏi việc quốc gia có hòa bình an lạc hay không, mà chỉ nên tự hỏi ngay
tâm địa của mình. Ngày đêm sáng tối, chớ nên phân biệt quan dân, nam nữ. Tự khắc
phục tâm tánh, chớ để tự tâm mê mờ. Phải thật hành hiếu để trung tín, và cùng
mọi người hỗ tương khích lệ. Phải nên trung thành với quốc gia, giáo dục con
cái đàng hoàng, hòa thuận vợ chồng, lễ kính thân bằng quyến thuộc bà con láng
giềng, có tín nghĩa khi giao hảo với bạn bè.
Nếu người người làm được như thế thì thế gian tự nhiên thái bình. Ngược lại, nếu biết sai mà không sửa đổi thì khổ não tất sẽ chạy theo, không thể tránh được. Dầu nhân tâm có phức tạp như thế nào, vẫn tự giữ bổn phận của mình, không chìm đắm trong muôn ngàn mong cầu.” [05]
Ban Biên Tập TVHS
Chú Thích:
[01] Giáo Khoa Phật Học cấp 2, do Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam ấn hành.
[02] Ngài Ðạo An (312-385), một danh tăng lỗi lạc thời Ðông Tấn, Trung Quốc.
Ngài là đại đệ tử của ngài Trúc Phật Ðồ Trừng, một vị đại tăng người Ấn Ðộ vào
Trung Quốc truyền giáo. Do tình trạng chiến tranh Ngài đã phải rời bỏ quê
hương Hà Bắc (nhà Hậu Triệu) dẫn đồ chúng khoảng 500 người chạy về thành Tương
Dương lánh nạn và tu tập tại đâỵ
Vào thời điểm này thì PG đã phát triển khá
mạnh mẽ tại Trung Quốc, các vua chúa Trung Quốc nói chung đều rất sùng mộ đạo
Phật, đặc biệt là vua Phù Kiên (nhà Tiền Tần) hùng mạnh nhất trong số 16 tiểu
quốc thời đó vì hâm mộ danh tiếng của Ngài, đã đích thân mang nhiều ngàn quân
đánh chiếm thành Tương Dương để cung thỉnh Ngài về làm quốc sự. Suốt đời
Ngài chỉ lo hoằng dương chánh pháp, đệ tử theo học có đến hàng ngàn người. Ngài
đã đào tạo nên những môn đệ rất lừng danh, trong đó có Ngài Huệ Viễn (hay còn
gọi là Tuệ Viễn), được xem như là sơ tổ của pháp môn Tịnh Ðộ Tông tại Trung
Quốc.
[03] TT. Thích Đồng Bổn.
[04] Thích Nhất Hạnh, Phổ cáo quốc dân và đồng bào Phật tử Về các Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan http://www.langmai.org/TNH/Dac%20Biet/Thong%20Bach/HTML/traidoangiaoan.htm
[05] Hư Vân Thiền Sư, Pháp Ngữ, Thích Hằng Đạt Việt dịch - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2004 http://www.thuvienhoasen.org/u-huvanluc2.htm#8)
Nguồn tin: TVHS
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự