Muốn chuyển nghiệp phải tu thế nào?

Chủ nhật - 24/11/2013 21:09
Hôm nay chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề tu chuyển nghiệp. Nghiệp là gì? Muốn chuyển nghiệp phải tu thế nào?

Đây là vấn đề hầu hết huynh đệ chúng tôi tuy đã có thời gian nhiều năm theo học với Hòa thượng Ân sư nhưng vẫn canh cánh trong lòng. Hòa thượng dạy chuyển được nghiệp chính là sự thành công của việc tu hành. Nghiệp là một loại năng lực bắt nguồn từ thói quen. Thói quen nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành sức mạnh. Lâu ngày sức mạnh đó phát triển kết thành năng lực, năng lực ấy mỗi ngày được nuôi nấng tưới tẩm thì dễ dàng nhanh chóng chuyển thành nghiệp lực.

Một điều rất tệ là ai cũng có nhiều thói quen ngủ ngầm bên trong. Chủng tử tập khí tiềm ẩn thật khó lường. Vì không lường nên khó điều phục chuyển hóa, do đó không làm chủ được nó, từ đó phát triển thành năng lực. Năng lực có sức mạnh giống như bánh xe đã bắt trớn, khi chạy nhanh rồi nó tạo ra nghiệp lực. Đã có nghiệp còn cộng thêm lực, do đó nó rất mạnh sẽ lôi chúng ta đi một cách dễ dàng. Vì vậy người tu cố gắng nhận biết thói quen của mình ở chỗ tinh tế nhất. Từ đó gầy dựng chủ lực sẵn sàng đối kháng khi thói quen dấy động, điều này đồng nghĩa với việc làm chủ các dấy niệm.

Những sở thích riêng như ham chơi game, thích hát, hút thuốc, uống rượu, hay làm việc này việc kia là do thói quen. Ngay từ thời ban sơ, chúng ta đâu có biết gì. Hồi mẹ còn ẵm bồng trên tay, đói khóc thì được cho ăn. Tùy theo thói quen riêng của mỗi người mà ba mẹ, anh chị có cách chăm sóc, giáo dục khác nhau. Đôi khi mầm thói quen từ đây phát triển mạnh hoặc tan mất. Một đứa bé có thói quen mỗi khi đói bụng khóc ré lên không ai dỗ được, nhưng cho ăn là bé hết khóc liền. Đó là biểu hiện của thói quen từ nhiều đời bây giờ nó phát tiết ra. Khi thói quen mạnh tạo thành lực rồi thì không chỉ biết khóc thôi, những phản ứng khác theo đó mà nảy nở. Càng lớn chừng nào lực phản ứng càng mạnh chừng nấy.

Thói quen mỗi người không ai giống ai. Có người hay buồn khóc, chuyện không đáng gì cũng có thể khóc dễ dàng. Có người hay giận, hay la hét mỗi khi không bằng lòng với ai hoặc gặp nghịch duyên. Mỗi lần khát nước, có bé biểu hiện rất lạ. Bất cứ ai ở gần dù mẹ hay ba, bé đều quơ tay đánh, bực tức khua múa lung tung. Những hành động này chẳng qua chỉ là biểu hiện muốn thỏa mãn bản ngã.

Mẹ biết bé muốn uống nước, cho chút nước vào miệng là xong ngay. Với người tu, khi kiểm nghiệm chỗ này chúng ta phải ghi nhận và tìm phương thức chuyển hóa, không nên nuôi dưỡng các dấy niệm lâu ngày, nó sẽ tạo thành năng lực của nghiệp thì khổ. Chuyển nghiệp, dừng nghiệp để phát huy và sống được với tánh giác của mình.

Khi về thăm quê, chú bác hay nói với tôi rằng:

- Thầy giống ba Thầy một điểm.

Vì không biết ông già tôi ra sao nên tôi hỏi lại:
- Mấy chú thấy giống như thế nào?

- Cái đầu ba Thầy hồi đó sói sọi. Thầy bây giờ cũng không có mấy cọng tóc ở giữa.

Đây là biểu hiện di truyền gen trong gia đình, hình thành nên cấu trúc thân thể chúng ta. Bộ sọ thành hình từ một cái chủng, cái gen, cũng có thể từ một thói quen. Nói từ một thói quen có khi các nhà khoa học sẽ chê không đúng. Nhưng thật sự toàn bộ thân tâm chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nghiệp thuộc về tinh thần, từ đó nó phát tiết ảnh hưởng đến thân vật chất, mà nguyên ủy là tế bào. Do vậy trong gia đình từ cha đến con đều có cấu trúc thân thể tương đối giống nhau. Nếu có khác thì đó là phần giống mẹ chứ không thể giống ai bên ngoài.

Biết rõ nguyên ủy tức nguồn gốc của sự vật là như vậy, người tu phải khéo léo chuyển sửa nó. Đây là việc làm không mấy dễ dàng. Người huynh đệ này trước đây chưa hề biết hút thuốc, uống trà đậm hà huống uống rượu bia. Thời gian sau tham gia công tác chung đụng với mọi người, không biết từ hồi nào anh lại thích uống trà mà phải là trà ngon, đậm đặc. Rồi cà phê, dù nghe mọi người xung quanh nói cà phê là một chất độc, uống không đúng liều lượng lá gan sẽ không chịu nổi. Vì không chuyển tải được nên chính những cặn bã tụ thành chất độc gây ra bệnh, thường là bệnh u xơ hoặc ung thư chẳng hạn. Mọi người khuyên không nên tiếp tục dùng những chất đó, nó sẽ phá hủy nội tạng của anh. Nhưng bấy giờ anh đã bị ghiền rồi, trước mắt nếu không sử dụng anh sẽ chịu không nổi. Không bao lâu anh ngã bệnh.

Có nhiều người sống không điều độ nhưng lại sống tùy lượng. Một huynh đệ nói với tôi điều này: - Ngồi trên mâm cơm món gì cũng cữ hết, thôi thà nghỉ ăn cho rồi. Cho nên huynh thoải mái cầm đũa, món nào muốn ăn thì cứ gắp, không cần kiêng cữ. Chiên xào, cay mặn gì cứ ăn tự nhiên, rồi kiếm thuốc uống. Thuốc tây không có thì uống phương ngoại cũng tự nhiên sống bình thường. Ở con người này quả là có một phong cách riêng. Tuy nhiên trên phương diện tu như vậy là khó chuyển được thói quen. Có lần ngồi ăn cơm với nhau, tôi nói:

- Anh cứ dùng tự nhiên. Có những món nếu dùng sẽ hại đến gan nhưng tôi có thể dùng những thứ khác như rau củ chẳng hạn, không chết đi đâu cả. Giống như chiếc xe muốn nó khởi động phải đổ xăng, xăng nào cũng được, đâu nhất thiết phải xăng Tây xăng Tàu gì.

Tuy rằng những suy nghĩ của anh chưa làm tổn thương đến sức khỏe ngay, nhưng các tế bào bên trong không chấp nhận, không chuyển hóa. Giống như người đi bộ giỏi, nhưng đi mười bước rồi đứng lại hoặc có khi thụt lùi hai ba bước. Từ sáng tới chiều chỉ loay hoay trong khoảng chừng ấy thôi, không tới đâu hết. Đây là một kinh nghiệm nhắc nhở chúng ta cố gắng làm chủ mình, phát huy được chất xám để chuyển hóa những ương yếu bên trong. Đó cũng là một cách rèn luyện công phu.

Như trên đã nói thói quen phát triển mạnh sẽ chuyển hóa thành nghiệp lực. Khi đã thành nghiệp lực mà thiếu trí tuệ thì tạo tác các nghiệp nhân không tốt. Đây là chỗ chúng ta cần phải gạn lọc. Tu là sửa. Sửa cái gì? Từ bé thơ, ba mẹ, anh chị luôn kêu mình chỉ dạy, dặn dò từng chút. Sáng ra ôm cặp đi học, tới bà nội nhận một xu rồi chào ba mẹ, anh chị. Lại chào bố, đi chưa tới nơi đã gật đầu một cái định vọt liền. Mẹ kêu lại dạy: “Con phải đứng ngay ngắn, chào ba lễ phép để ba gật đầu lại với con chứ, đâu có trộm như vậy được. Chào mẹ, chào anh chị cũng phải như thế. Một lễ nghi bình thường thôi mà làm không được thì mai kia mốt nọ lớn lên con làm gì?” Nội việc đi học thôi mà linh tinh đủ thứ chuyện. Được một đồng ten để vô trong bị rồi là muốn vọt đi cho kịp với chúng bạn. Nhưng không, mẹ bắt phải chào hết mọi người trong nhà. Nếu không được chỉ dạy cặn kẽ như thế, lâu ngày sẽ tạo thành thói quen không tốt.

Năm anh 16 tuổi, gia đình có sự cố, ba mẹ xích mích nhau nên mẹ về sống với ngoại. Anh ở lại với ba, mấy bà cô và anh chị. Anh nhớ mẹ vô cùng. Những nhắc nhở hàng ngày của mẹ không còn nữa, thay vào đó là sự bảo ban của ba và các bà cô, trong đó có một bà cô thường đi chùa. Hôm nào trước khi đi học gặp bà cô là chết rồi, không phải khoanh tay chào như cách mẹ dạy. Bà bắt phải chắp tay thành hình búp sen, không được so le mười ngón, cúi đầu còn hơi cứng, bà lấy tay đè đầu xuống. Những lúc ấy anh thấy sao luộm thuộm quá, nhưng không dám cãi, chỉ làm nhanh để chạy đi cho rồi. Nhưng lớn lên hình dung lại những hình ảnh đó thấy được giá trị cần thiết của nó trong cuộc đời.
 
Thật đáng tiếc khi đến một đạo tràng, một ngôi chùa, mình là người Phật tử mà lại không biết những nghi thức sơ cơ như vậy. Nếu không được ba mẹ, người thân gầy dựng ngay từ nhỏ thì làm sao chúng ta cung kính, thành tâm khi đến những nơi tôn nghiêm như chùa viện. Cho nên lễ nghi cúng kính nếu có công đức thì phần ấy dành cho mình, chứ đâu dành cho ai khác. Dù ước mơ Phật ban nhiều công đức mà trong tận đáy lòng, tận thâm tâm sự thành kính chưa trọn vẹn thì công đức không thể có. Đây là một thí dụ về hình thức.
 
Phật dạy không nhân nào không có quả. Nhân tốt thì quả tốt, nhân không tốt thì tương ứng quả không tốt. Ngay từ nhỏ nếu nền tảng đạo đức không được xây dựng từ sự học tập trong môi trường tốt là một thiệt thòi. Do đó cơ hội để hình thành những điều kiện, gầy dựng những nhân tốt bị thiếu hụt. Việc chuyển nghiệp nhất định đòi hỏi phải sáng suốt, tức đòi hỏi trí tuệ. Dùng trí tuệ quán chiếu soi xét kỹ từng phần mới có thể chuyển hóa nghiệp. Không để thói quen tự tung tự tác tạo thành năng lực, phải chủ động sáng suốt làm chủ nó. Đây chính là tu chuyển nghiệp. Nghiệp từ thời nào không biết nhưng nó luôn ấp ủ trong sâu thẳm của tàng thức. Tuy chúng ta đã trưởng thành, có kiến thức nhưng đối với một vài thói quen nhỏ lại không trị được. Nếu trị không được nó sẽ thành hình lớn hơn, năng lực mỗi ngày câu thúc mạnh hơn, chừng đó thì bất trị.

Tu hành là sửa. Một chữ sửa thôi có khi cả đời chúng ta làm không xong. Nếu chuyển được nghiệp tức có thanh tịnh, từ đó đi đến giác ngộ không khó. Vì còn nhiều nghiệp tập chưa chuyển được nên ta chưa giác ngộ. Pháp của Phật tuy có chia ra nhiều môn: Nguyên thủy, Phát triển… nhưng tựu trung đều là phương tiện đưa chúng sanh đi đến giải thoát. Không một pháp môn nào Phật dạy lại không điều trị được bệnh của chúng sanh. Tùy theo căn cơ và mức độ bệnh, cộng với điều kiện xung quanh mà áp dụng phương pháp trị bệnh cho đúng. Cũng như phải biết trong kho hiện giờ thiếu gạo, thiếu nước tương, thừa cà phê, thuốc lá, bánh kẹo. Thiếu thì bổ sung, thừa thì thảy ra.

Kho này Duy thức gọi là Tàng thức tức thức thứ tám, tiếng Phạn gọi là A Lại Da thức. Khi năm giác quan mắt tai mũi lưỡi thân tiếp xúc với trần cảnh hoặc không tiếp xúc với trần cảnh mà vẫn khởi ý thức phân biệt tính toán như thường, cái phân biệt đó gọi là Ý thức tức thức thứ sáu. Khi ý thức không khởi phân biệt, nó không mất hẳn mà chỉ trở về gốc là thức thứ bảy, Duy thức gọi là Ý căn hay truyền tống thức, tiếng Phạn gọi là Mạt-na thức. Công năng của thức này là luôn luôn chấp ngã và truyền tống chủng tử các pháp vào tàng thức. Do thức này huân tập những việc mắt thấy, tai nghe… rồi khởi hiện hành nên chúng ta mới có dòng ký ức để mà tha hồ vọng tưởng. Vì thế thức thứ sáu và thứ bảy hợp tác với nhau thì lợi hại vô cùng.

Thức thứ bảy là thức chấp ngã, thuộc về si. Thức thứ sáu phân biệt tính toán lanh lợi vô cùng. Suy nghĩ việc tốt cũng nó mà xấu cũng nó, cho nên nói “Công vi thủ, tội vi khôi” tức luận về công thì thức này đứng đầu, luận về tội nó cũng hơn hết. Cho nên người tu Phật đối với hai thức này lúc nào cũng phải cẩn thận tu sửa. Dùng thức thứ sáu và thứ bảy quán nhân vô thường để phá si mê ngã chấp, dứt trừ phiền não chướng, quán pháp vô ngã để phá trừ pháp chấp dứt sở tri chướng. Khi ngã chấp và pháp chấp hết rồi thì chứng được Niết-bàn.
 
Chúng ta can đảm chấp nhận tải hết tất cả cỏ rác không cần thiết hay lúc nào cũng bo bo chấp tôi đúng, tôi hay? Trong một lần hộ niệm cho người Phật tử lớn tuổi ở Cà Mau, thấy con cháu khóc dữ quá, vị Thầy nói:

- Các con phải giữ yên lặng thì bà cụ mới an lòng ra đi. Thương bà chúng ta phải giúp cho bà đi theo con đường sáng của Phật, không rơi vào các chỗ tăm tối, lầm gây tạo nghiệp nhân khổ đau vướng mắc về sau. Bây giờ nếu ai khóc không chịu nín, Thầy sẽ mời ra ngoài cửa.

Trong gia đình mấy vị lớn nghe lời làm theo, còn mấy vị nhỏ lại khóc nhiều hơn nữa. Tại người lớn đã hiểu tầm quan trọng của tâm chánh niệm hỗ trợ cho vong linh người thân, người nhỏ chưa hiểu nên mới như vậy. Nghe nói, các vị lớn từ nhỏ đã được bà cụ hướng dẫn đi chùa, lễ Phật, cúng dường nên ít nhiều thấm nhuần giáo lý. Các cháu nhỏ lớn lên chỉ biết đi học, ít về chùa nên không tiếp nhận được lời dạy của Thầy. Một việc nhỏ như vậy thôi mà làm chưa được thì khi lớn lên những nhu cầu ham muốn khác không thể nào làm chủ được.

Có khi nào chư huynh đệ cảm khái rằng mình tu theo Phật lâu rồi, giáo lý phổ thông đã được học, có thời gian trải nghiệm, hành trì rõ ràng nhưng tại sao không có kết quả gì? Đây là một vấn đề hiện thực đối với tất cả người tu chúng ta. Nếu tu đúng như lời Phật dạy thì chúng ta đâu còn những tập khí thế gian như vậy. Tính ra cũng ba, bốn mươi năm rồi sao mình còn ngồi đây. Bởi vì còn một số điều, một số thói quen, một số năng lực ta chưa chuyển hóa nổi. Nếu chuyển hóa được thì đã giác ngộ giải thoát rồi, phải không? Vì còn vướng mắc chút này chút kia nên chưa chuyển hóa hoàn chỉnh, vì thế chưa giải thoát hoàn toàn.

Tuy nói hành trì công phu để chuyển nghiệp mà trên thực tế chưa chuyển được bao nhiêu. Người không biết tu thường hay buông lung tạo tội từ ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ví dụ nơi thân, thấy con muỗi vo ve trước mặt liền lấy tay bắt. Nơi miệng, mỗi lần giận tức liền nói lời dữ. Nơi ý, gặp người không ưng liền nảy ý nghĩ bậy không tốt. Bây giờ biết tu rồi thì sửa thân đừng làm tội lỗi, miệng đừng nói tội lỗi, ý đừng nghĩ tội lỗi. Hiểu được căn bản của sự tu là như vậy thì việc chuyển nghiệp dễ dàng. Do đó trong suy nghĩ, nói năng và hành động, tựu trung phải làm sao chủ động, đầy đủ trí tuệ để làm chủ được nó.
 
Có một Phật tử đến than với tôi:

 - Con khổ quá. Cái đầu lúc nào cũng nghĩ lung tung lang tang, không muốn nghĩ cũng không được. Nằm xuống một chút mà không yên, con muốn điên cái đầu.

Tôi nói vui:

- Điên thì điên hết cả người, mắc gì chỉ điên cái đầu.

Tuy chỉ là những tế bào nho nhỏ, gen nho nhỏ nhưng nếu thiếu trí tuệ, năng lực của nghiệp sẽ dẫn chúng ta đi. Vì thế nói nghiệp dẫn đi trong luân hồi sinh tử. Không chuyển được nó thì nó dẫn mình đi là điều đương nhiên. Ý thức điều này rõ ràng, thực hành buông xả miên mật thì năng lực của nghiệp đâu thể làm gì được. Từ si mê điên đảo gây tạo những nghiệp nhân không tốt thành ra nghiệp lực dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử, cứ vậy mà trả vay hoài không hết.

Tùy theo mức độ của nghiệp lực mà chúng ta phát ra ý nghĩ, lời nói, hành động khác nhau. Nghe người nói động đến, mình trả lời lại hay im lặng cúi đầu đi. Người ta nói một, mình phải nói lại năm bảy mới hả giận. Như vậy đâu phải là người chân tu. Hiểu rõ nhân quả, thấy rõ sự tăm tối phát xuất từ những dấy niệm rối ren ấy, mình còn điên khùng tạo nghiệp để tự chôn vùi trong đó nữa không? Kinh Nhân Quả, kinh Thập Thiện dạy rất rõ, gieo nghiệp nhân xấu ắt sẽ đi vào con đường xấu. Ba con đường đó là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Gây nhân nào trả quả đó, đây là định luật công bằng không sai ngoa, nhưng không phải không có cách chuyển hóa. Người biết tu hiểu rõ điều này có thể ngay ý nghĩ sai quấy sửa lại thì lời nói việc làm thay đổi tốt hơn.
 
Nhiều Phật tử khi hành công phu có những trạng thái lo lắng, đến thưa với tôi:

- Thưa Thầy, con tu như vậy đúng không?

 - Tu sao mà sợ không đúng?

- Dạ, ở nhà con cũng tụng kinh, lạy Phật và đọc thêm kinh sách.

- Những lời trong kinh Phật dạy đương nhiên là đúng rồi, sao lại phải hỏi. Hỏi tức còn nghi ngờ, tăm tối. Chính tâm nghi mới không đúng.

Trong công phu hàng ngày đòi hỏi chúng ta phải có sự tỉnh sáng để kiểm nghiệm. Thường xuyên lọc luyện nhân tố gây tạo nghiệp. Bây giờ chưa thể nhảy thẳng vào đất Như Lai một cách an ổn, vì còn sống, còn suy nghĩ, tiếp cận đủ thứ nên phải có sự tuyển lựa, làm chủ những nhận định. Sức tự chủ này chính là thước đo, là cán cân và là chủ lực quyết định cho mình đi vào con đường luân hồi hay con đường giải thoát an vui. Vì thế không cần hỏi tu đúng hay sai, hoặc có thành Phật hay không. Nếu làm điều gì ngoài sự kiểm soát của trí tuệ thì sai, phải sửa đổi, đó là tu. Chuyển không được cũng phải chuyển, đổi không được cũng phải đổi. Những vị ngồi thiền còn đau chân nhiều, ráng nhớ điều này.

Có vị hỏi tôi:

 - Thưa Thầy, con ngồi thiền đau chân lắm, phải làm sao bây giờ?

 - Tôi ngồi cũng đau vậy. Cái chân của anh bằng sắt hay bằng gỗ, chân anh biết đau, chân tôi cũng biết đau. Nếu cắn răng chịu đựng chấp nhận thì đằng sau cái đau này là sự an lạc, nhất định như vậy.

- Con không thấy an lạc chi hết, chỉ thấy đi hết nổi thôi.

- Không phải đâu. Anh quyết tâm làm thử coi, sẽ có an lạc ngay.

 Năm xưa khi chúng tôi mới học ngồi thiền, giai đoạn đầu Hòa thượng cho ngồi nửa tiếng. Cặp chân quen chạy ngược xuôi trong thành phố, bây giờ bắt ngồi nửa tiếng đau thấu trời chớ không phải ít. Hòa thượng chỉ nói một câu: “Mình ngồi thiền nửa tiếng đau chịu không nổi thì quá dở đi. Ăn cơm của đàn na thí chủ thiệt là uổng”. Nghe Sư Phụ nói một câu như vậy thấy thật xấu hổ, muốn xuống núi cho rồi. Nhưng không, Hòa thượng nói phải cố gắng lên: “Mấy chú phải nghiệm cái đau mà cắn răng chịu đựng, khắc trị không nhúc nhích cục kịch thì tự nó sẽ hết thôi”.

Ba bốn tháng đầu áp dụng lời chỉ dạy đó của Thầy, tôi cắn răng trợn mắt, cương quyết bó tay chân lại không bỏ xuống. Quả thực ngồi thiền chỉ thấy đau thôi, đâu có sự an lạc nào. Nhưng không ngờ, qua được giai đoạn đó tự dưng hết đau, qua hồi nào cũng không hay nữa. Thầy trò ngồi trên tảng đá phía trước thiền đường, Hòa thượng hỏi vui:

- Hôm trước nghe mấy chú than đau chân. Mấy chú đem cái đau ra đây cho tôi coi, tôi sẽ trị cho.

Anh em đồng thanh trả lời:

- Tụi con kiếm không được.

- Nó là đồ giả, làm sao mấy chú kiếm được. Dùng gan dạ chịu đựng vượt qua tự nó hết chứ đâu có gì. Bắt đầu ngày mai Thầy tăng thêm mười lăm phút.
 
Giai đoạn từ nửa giờ qua bốn mươi lăm phút quả là nếm một trận đau chí tử. Trước khi cây kim đồng hồ chỉ đúng giờ xả thiền, nó đau lạ lùng, không giống như cái đau ban đầu nữa. Chúng tôi lại than thở với Thầy:

- Thưa Thầy, dây thần kinh chân con bị chấn động, tê liệt hết rồi. Con cảm tưởng nó đang cháy bỏng lên Thầy ơi.

- Đưa ra đây Thầy coi. Cháy đâu? Chẳng thấy gì hết. Thầy tưởng nó sưng gãy hết rồi chứ, còn nguyên mà.

Một khi Hòa thượng đã đưa ra chánh lệnh thì không bao giờ lay chuyển, ai than mặc kệ, tăng cứ tăng. Người chịu trách nhiệm có nghĩa vụ ra lệnh, người thi hành lệnh có nghĩa vụ hành lệnh. Cắn răng mà ngồi chứ còn sao nữa. Qua khoảng chừng bốn tháng tự nhiên ngồi một tiếng đồng hồ hết đau. Bấy giờ anh em mới cười thưa:

- Thưa Thầy, hôm nay tụi con mới nhận được yếu chỉ Thầy dạy. Sém chút nữa tụi con xin Thầy xuống núi hết rồi.

Hòa thượng dạy chúng tôi thực hành thiền trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, trong đó Ngài chú trọng oai nghi ngồi nhất. Bây giờ tôi cũng tập cho quý vị hành trì. Ba oai nghi kia thì không nói, chỉ có ngồi thôi mà mấy mươi năm chưa vững. Nếu ngày ấy chúng tôi bỏ xuống núi thì không biết phải trả lời sao với Phật tử. Không lẽ nói đau chân tu không nổi, kỳ quá phải không? Chúng tôi ráng một thời gian thì mọi đau nhức qua hết. Khoảng giữa nửa tiếng tới gần một tiếng có hai trận đau. Trận đau đầu chỉ hơi lăn tăn nên nó là điềm báo, trận đau thứ hai tới gần một giờ mới là quyết liệt. Quả thực là thử thách đối với người phát tâm tu hành.

Khi chúng tôi ngồi quen một tiếng, Hòa thượng nâng lên một tiếng rưỡi. Lần này thêm một trận đau thứ ba lúc đến gần tiếng rưỡi, nhưng nó khác hai trận đầu. Cố gắng trong thời gian khoảng sáu tháng thì hai tiếng ngồi vững vàng. Từ đó chúng tôi mới thấu nhận được lời dạy của Hòa thượng. Ngài đã thực tập và trải nghiệm qua những thời khắc, tâm trạng như thế nên Ngài tin tưởng chúng tôi sẽ làm được. Vì vậy Ngài không hề bỏ cương lĩnh, một lòng kiên quyết dù cho chúng tôi có nài nỉ, than thở cỡ nào. Những kinh nghiệm Thầy có được qua sự trải nghiệm bây giờ đem ra chỉ dạy lại cho mình. Nếu không dũng cảm quyết tâm thực hành sự chỉ giáo đó thì làm sao chúng ta có thể bước lên đài vinh quang, làm sao có thể ngồi thiền được hai tiếng đồng hồ an toàn không đau đớn gì.

Rõ ràng những hiện tượng, sự kiện xung quanh không là gì hết nhưng nếu không làm chủ được thì chính nó sẽ làm tiêu tan tất cả cơ hội, nhân duyên thuận tiện tốt nhất của chúng ta. Thế nên tu hoài không tiến là vậy. Hành trì lời Phật dạy mà chưa giác ngộ giải thoát là vì chung quanh mình còn quá nhiều sự việc. Có những điều Thầy dạy như tập “bỏ đi”, mình chí thành vâng lời, thậm chí còn gõ mõ tụng “Bỏ đi, bỏ đi, bỏ đi”. Nói vậy chứ có bỏ gì đâu, lăng xăng lộn xộn mãi cho nên Phật không dám cho mình vô Niết-bàn, chỉ để ngoài trần gian tu gieo duyên chút chút vậy thôi.

Trong khi hành công phu, chúng ta phải khéo léo kiểm nghiệm những yếu điểm để có cách khắc phục ngay từ những manh nha ban đầu. Manh nha căn bản cay đắng nhất chính là tham sân si. Nói chung chung ba thứ này chúng ta đều có hết, nhưng ai biết thứ nào nặng nhất, trầm kha nhất, khó chịu nhất không. Có người tham nặng mà sân nhẹ, có người tham nhẹ mà sân nặng. Có người tham nặng, sân nặng, si hùa theo … Tựu trung tham sân đều từ si mà móng khởi, si mê nhiều thì tham sân nặng, si mê ít thì tham sân nhẹ. Lúc nào con người cũng có thể sân được và nhân duyên dù thế nào, cũng có thể dấy khởi một niệm tham vi tế.

Cách đây nhiều năm, trong chuyến về thăm quê hương của Hòa thượng, Ngài cho Tăng Ni các Chiếu đi rất đông, có Phật tử nữa. Chúng tôi được đến chùa Phật Quang, phía sau là ruộng chùa Đồng Đế có hàng dương phất phơ phía trước. Hòa thượng nói chùa Đồng Đế là chùa của Sư cụ ngày xưa. Đường tới chùa phải đi qua những con rạch nhỏ được bắt với nhau bởi các cây cầu khỉ, ở dưới sình lầy không. Cầu khỉ đơn giản lắm, chỉ là những cây gòn bắt ngang qua, không có tay vịn. Thấy mà sợ. Chúng tôi lừng khừng không dám đi nên thưa:

- Bạch Thầy, Thầy cho tụi con đi đường khác, đường này tụi con đi không được.

- Muốn đi đường khác phải xuống sông, đi thuyền vòng ra ngoài kia. Trên đất bằng chỉ có duy nhất con đường này thôi.

Chuyện nhỏ vậy nhưng đã cho chúng tôi chút kinh nghiệm trên đường tu hành. Thầy dẫn đi trên một đoạn đường ngắn và nói rằng nó bình yên nhưng sự thực trong lòng mình đã không bình yên. Một việc nhỏ như vậy mà không cố gắng, còn sợ bị té xuống dính bùn sình thì không bao giờ qua được. Trên bước đường công phu, Hòa thượng luôn dạy mọi thứ đều không thiệt, những sự kiện, hiện tượng, vọng tưởng đều hư dối. Cảnh duyên không thiệt, cái nhà không thiệt, thân của chúng ta cũng không thiệt và ngay cả tâm vọng động cũng không thiệt luôn. Vậy thì ôm giữ ba mớ dây dưa chi cho mệt. Giả tỉ có rớt xuống ruộng, đầu cổ thân thể dính bùn mà bùn với mình đâu có gì khác lạ. Tuy nhiên vì một chút tham sạch đẹp, an thân mình đã chùn bước và không bao giờ tiến lên được. Phải bình tĩnh, gan dạ sáng suốt trước mọi hoàn cảnh thì công phu mới phát huy vững vàng.

Một nhân duyên nhỏ trong cuộc đời cũng là cơ hội cho chúng ta thực tập hành trì. Nếu không gan dạ sấn tới để tuột mất cơ hội tiến lên thì thật là uổng. Cho nên đừng để cơ hội tốt qua đi, những gì làm được ráng làm, những gì có thể khắc phục ráng cương quyết sấn tới, không nên yếu đuối chùn bước. Trên con đường Phật đạo, mọi việc không hoàn toàn đơn giản nhưng cũng không hoàn toàn khó khăn đến mức làm không được. Ba nghiệp tham sân si chuyển được nhờ trí tuệ đi đầu, khi đó giác ngộ giải thoát là lẽ đương nhiên. Nếu rụt rè, ngó qua ngó lại thì bao giờ tiến lên. Gặp khó khăn vướng mắc một chút đã chùn bước thì trí tuệ làm sao phát triển, làm sao đi đến bến bờ giải thoát an vui?
 
Với những điều hết sức thông thường trong công phu, khi đã nhận ra rồi chúng ta phải cố gắng, nói sửa thì phải sửa, nói trị thì phải trị. Đừng nói suông rồi bỏ đó, tật của mình sửa ngay nơi mình, đừng kêu người khác sửa giùm hoặc chỉ thấy người có lỗi còn mình luôn tốt đẹp, như thế không hay chút nào cả. Tham sân si, phiền não, điên đảo lăng xăng phải khui ra mà trị cho sạch. Sửa từng chút thì tư cách dần dần được hoàn chỉnh. Sống trong đại chúng, nếu chúng ta thực tâm tu và chịu khó hành trì thì tự nhiên Thầy Tổ, huynh đệ xung quanh sẽ cảm nhận được.

Đó là những vấn đề xoay quanh việc tu chuyển nghiệp. Mong rằng tất cả chúng ta ý thức, sáng suốt nhận định những ưu khuyết của mình, từ đó có cách sửa đổi và hành trì riêng. Mục đích cuối cùng vẫn là an ổn và tu tiến. Đừng để tâm trì trệ như cái kho vô tri vô giác, ai muốn liệng đồ vô lấy đồ ra, sao cũng được. Phải ngăn không cho phiền não phát khởi và giữ niềm an ổn tịnh lạc không rơi mất.

Muốn được như thế thì phải tỉnh giác ngay khi ý thức phân biệt nổi lên. Tu thiền phải có thái độ dứt khoát mạnh mẽ như vậy mới thực xứng đáng là hàng môn đệ của Hòa thượng Trúc Lâm.

Tác giả bài viết: HT Nhật Quang

 Từ khóa: vấn đề, hôm nay, trao đổi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây