Đáp: Bạn Yến Nhi thân mến!
Tấn hương còn gọi là đốt liều, là sự phát nguyện đốt thân cúng dường Tam bảo trong các đại giới đàn trao truyền giới pháp cho Tăng Ni và các Phật tử phát tâm thọ trì giới Bồ tát. Thường thì người phát tâm tấn hương tự nguyện đốt từ một liều hoặc ba liều hoặc nhiều hơn trên đỉnh đầu. Sau khi tấn hương xong, liều hương sẽ cháy thủng một phần da đầu, về sau để lại những vết sẹo hình chấm tròn trên đỉnh đầu rất ấn tượng.
Tấn hương có căn
nguyên từ tinh thần phát tâm Đại thừa, thực hành Bồ tát đạo trong truyền thống
Phật giáo Bắc truyền. Vì mục tiêu thành Phật, cứu độ chúng sanh nên vị Bồ tát
quyết không tiếc thân mạng, xả thân vì đạo.
Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: "Thấy người sau mới học Bồ tát giới, có người từ xa hàng trăm ngàn dặm, lại cầu kinh luật Đại thừa, nên như pháp nói hết thảy các hạnh tu khổ hạnh, hoặc thiêu thân, thiêu tay, thiêu ngón tay, nếu như không thiêu thân, tay, ngón tay cúng dường chư Phật, thì không phải là người xuất gia tu hạnh Bồ tát" (Khinh cấu giới-16). Kinh Pháp Hoa tán thán hạnh đốt thân cúng dường Phật của Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến v.v...
Ở Trung Quốc, thọ
giới - đốt liều xuất hiện vào đời Nguyên (thế kỷ 13). Sách Trung Quốc Phật giáo
ghi: "Triều đình vì muốn phân biệt giữa Tăng chúng Bắc truyền và các vị Tăng
Lạt ma cho nên sắc lịnh cho ba giới đàn lớn nhất của Trung Quốc bấy giờ là Giới
đàn chùa Giới Đài ở Bắc Kinh, Giới đàn chùa Khai Nguyên ở Tuyền Châu, Giới đàn
chùa Đài Khánh ở Hàng Châu, lấy lệ thọ Bồ tát giới phát nguyện tấn hương chế thành
luật, khi truyền Bồ tát giới phải tấn hương cho giới tử, để lấy đó làm sự phân
biệt giữa Tăng chúng Bắc truyền và Tăng chúng Lạt ma".
Ở Việt Nam, theo Việt
Nam Phật giáo sử lược: "Thiền sư Nguyên Thiều vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc
Trăn (1687-1691) sang Quảng Đông thỉnh ngài Thạch Liêm và các vị danh tăng
khác, cùng thỉnh được nhiều kinh điển, tượng khí đem về.
Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ", và từ giới đàn này luật thọ Bồ tát giới tấn hương cho Tăng Ni được truyền vào Việt Nam và lưu hành rộng rãi cho đến ngày nay (Thích Tâm Mãn, Học hạnh Bồ tát phát nguyện đốt liều khi thọ giới).
Khi tấn hương, tất nhiên người phát nguyện đốt thân phải trải qua cảm giác rất đau đớn vì da thịt bị đốt cháy liên tục trong hơn nửa giờ. Nhưng vì đó là một đại nguyện, một dấu ấn quan trọng trong đời tu, quyết xả bỏ thân mạng để "thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh" nên các giới tử kham nhẫn chịu đựng và vượt qua.
Tấn hương - đốt liều là sự tự giác, phát nguyện đốt thân cúng dường của giới tử nên không bắt buộc. Tuy vậy, trong không khí trang nghiêm của giới đàn cùng với hùng lực sung mãn của sơ tâm nên có rất nhiều giới tử phát tâm tấn hương - đốt liều sau đàn giới Bồ tát.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự