Hơn 20 năm trước, mẹ tôi bị chứng đau bụng không rõ nguyên nhân. Bà đi khám nhiều nơi nhưng các bác sĩ đều bảo không phát hiện bệnh lý gì. Tuy nhiên cơn đau bụng vật vã cứ diễn ra thường xuyên. Mỗi khi đau, mẹ tôi ôm bụng kêu la quằn quại, nước mắt tuôn trào.
Người bác thứ năm của tôi vốn là một nhà sư xuất gia đi tu từ nhỏ. Ông thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và trì tụng thần chú Đại bi. Bác tôi khuyên mẹ nên chuyên tâm niệm Bồ-tát và trì tụng chú Đại bi để giải trừ bệnh khổ. Mẹ tôi nghe lời nên đêm nào cũng thắp hương lễ Phật, Bồ-tát và trì tụng chú Đại bi, chỉ tụng thôi không chuông mõ gì cả.
Trì tụng được một thời gian, một hôm bỗng mẹ đau bụng kịch liệt. Cơn đau lần này khiến mẹ tôi kêu la lăn lộn trên giường. Rồi bà ói ra một lọn tóc rối bằng ngón tay cái. Nhìn lọn tóc từ đâu trong bụng ói ra, bà thất thần kinh dị. Nhưng ngay sau đó và mãi về sau bụng bà không còn đau nữa. Mẹ tôi đem chuyện này thuật lại cho thầy (bác tôi) nghe, thì ông bảo: Có thể mẹ tôi bị người ta thư ếm. Quả thật lúc đó gia đình tôi có hiềm khích với hàng xóm do mâu thuẫn trong công việc làm ăn. Người này đã nhiều lần dùng lời thô lỗ và ác độc xúc phạm mẹ tôi, còn hăm dọa đủ điều.
Kể từ đó mẹ tôi tăng thêm niềm tin vào sự vi diệu của Chánh pháp, tối nào bà cũng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và trì tụng chú Đại bi. Con tôi khi mới ba bốn tuổi đã thuộc lòng chú Đại bi và kinh Vu lan báo hiếu nhờ nghe mẹ tôi mở máy phát kinh mỗi ngày.
Từ xa xưa người ta đã nói đến các loại thần chú và uy lực của nó do tu luyện mà có, và nhiều người đã từng trải qua, từng kinh nghiệm, cho nên đây chẳng phải là những chuyện hoang đường. Ở đây chỉ có niềm tin và sự thực nghiệm chứ không thể nào giải thích. Tuy nhiên có thể dựa vào câu kinh “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (kinh Phật Di giáo) để hiểu những điều này.
Ngoài kinh điển Phật giáo Phát triển, kinh điển Nguyên thủy (tạng Pàli) cũng có đề cập đến thần chú mặc dù không nhiều. Ví dụ trong Tiểu phẩm (Cullavagga) của Luật tạng Pàli hoặc Chuyện Tiền thân Khandha Vatta, kinh số 203 thuộc Tiểu bộ (Khuddaka Nikàya).
Tác giả bài viết: Minh Hạnh Đức
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự