Hàng ngày chăm lo Kinh kệ, tiếng chuông, nhịp mõ nâng niu nếp sống bình dị, khó có gì thay đổi…
Không biết bao năm, đều đặn hàng ngày, bất kể khi nắng hay mưa, ngày hè oi ả, hay tiết đông giá lạnh, các quý Thầy ni sư nơi mái chùa Thư Điền, nhịp nhàng đường kim, mũi chỉ góp phần có thêm tịnh tài trang trải cuộc sống hàng ngày…
Ni sư trụ trì Thích Đàm Huy, dân làng quen gọi là sư cụ, cứ chiều chiều lại tự mình chẻ củi, tích trữ nguyên liệu góp phần chăm lo bếp núc. Hơn một năm trở lại đây, khi có thêm một chú tiểu, mỗi chiều sư cụ đã có thêm người hỗ trợ bê củi đi cất. Trong khi đó, sư thầy Thích Đàm Viết cùng các sư bác, sư chú ngồi trước thềm gian nhà khách mới xây, nơi khoảng sân cây hoa xanh tốt, cùng nhau khâu, vá áo cho bà con phật tử trong làng. Có việc làm, bà con cảm ơn quý thầy, khi thì chút tịnh tài, lúc thì đấu gạo, bát muối, mớ rau…
Cây trái nơi chùa Thư Điền được các quý Thầy chăm sóc luôn xanh tốt, thi nhau trổ hoa kết trái.
Về thăm chùa một ngày cuối tháng 5, nắng hè gay gắt có phần oi ả, nhưng gió đồng nội lộng thổi, xa đưa gió biển mát rượi, thoáng đãng. Chùa Thư Điền, Nghĩa Thành, Nghĩa Hưng, Nam Định, ngự nơi làng quê không mấy khó khăn nhưng sao chùa đơn sơ quá?
Tứ bề bao bọc ruông lúa mênh mông. Nơi ngôi chùa khá rộng và thoáng đãng, các Thầy tự “tăng gia, sản xuất". Rau tự trồng, cây trái ăn quả nào roi, mít, đu đủ,… luôn xanh tốt.
Sư cụ đi vắng, được trò chuyện cùng sư Thầy Thích Đàm Viết, mới biết nhà chùa vốn neo người, thi thoảng có vài bác phật tử đến giúp. Các Thầy tự chăm lo mọi công việc nhỏ to, che mái dột, vá vôi vữa khi lở tường… Việc quá khó, như gian chính điện Tam Bảo, mái bị dột nát, hư hại nặng, đành gọi thợ đến phá dỡ, rồi xây lại. Chút câu chuyện ngắn ngủi nghe chừng đơn giản. Rồi, chuyện Thầy Thích Đàm Viết về với chùa Thư Điền cũng đơn giản như thế…
Năm 18 tuổi, một ngày nhà chùa có công việc, làm lễ nên mời nhiều quý Thầy và phật tử về dự, thấy đông đảo phật tử mặc áo nâu sòng, có cô thôn nữ nhìn mà cứ nghĩ ai cũng là “sư thầy”, thích lắm, và thầm nhủ mình sẽ xin vào chùa, và được ở lại chùa như các sư thầy… Rồi cô thưa với gia đình, xin phép nhà chùa được đến chùa với tâm nguyện như thế. Sư cụ nhận lời, về với chùa được 3 năm thì nhà chùa làm lễ xuất gia. Cô gái, đã từ bỏ tuổi thanh xuân, đến với cửa Phật từ bi, duyên lớn hiện thực tâm nguyên được xuất gia, đó chính là quý Ni sư Thích Đàm Viết.
Thầy Đàm Viết đang lựa những quả roi ngon mời các phật tử thưởng thức.
Giọng nói nhẹ nhàng, tác phong giản dị, thầy Thích Đàm Viết chia sẻ: Khi đó, tôi nghĩ đơn giản thế đấy chú ạ. Rồi, tôi về với nhà chùa cũng vậy, nhiều phần nhẹ nhàng và thuận lợi. Có lẽ, duyên tu và tâm nguyện của tôi lớn quá, nên gia đình cũng không ngăn cản hay phản đối. Về chùa rồi, khi còn học việc, tôi mới thấy được những đơn sơ, sự giản dị của các quý Thầy nơi đây. Không hề như mọi người nói “đi tu là khổ hay đi tu là sướng”, đời sống sinh hoạt nơi mái chùa thanh bình có phần khó khăn. Nhưng không lúc nào hết việc. Hàng ngày chăm lo Kinh kệ, tiếng chuông, nhịp mõ nâng niu nếp sống bình dị, khó có gì thay đổi…
Được nghe chuyện của Thầy, tôi cảm niệm sâu sắc sự giản dị của người tu hành, nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh. Các quý Thầy nơi mái chùa Thư Điền, dáng vẻ chất phác, đậm chất thôn quê, lời nói chân thành, giản dị, nhưng cũng có lúc ẩn chứa sâu xa những ý nghĩa giáo lý khó diễn tả bằng lời.
Ví như, một câu nói của Thầy Thích Đàm Viết, chia sẻ cùng tôi: Tu hành, là giản dị chú ạ. Bình dị như chính thật tính như lai, tịnh trí chân tâm sớm ngày tỏ ngộ…