(KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC)
Trích Tập san PHTQ.16
1. Điều thứ nhất: Người trí biết rõ cuộc đời là vô thường, quốc độ vốn không lâu bền, bốn đại vốn không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt đổi thay, hư giả không có chủ tể. Tâm là mầm sinh các điều ác. Thân thể là nơi tích tụ tội lỗi. Quán chiếu như vậy, dần dần thoát ly sanh tử.
2. Điều thứ hai: Người trí biết rõ ham muốn nhiều là khổ, sống chết khổ nhọc, ham muốn bắt đầu từ lòng tham, ít ham muốn sống không tạo nghiệp, thân tâm được tự tại.
3. Điều thứ ba: Người trí biết rõ tâm không hề thấy đủ, chỉ biết cầu mong có được càng nhiều, cho nên tăng thêm tội ác. Bồ-tát không như vậy, thường nhớ biết đủ, sống đời thanh đạm để tu tập đạo hạnh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp.
4. Điều thứ tư: Người trí biết rõ biếng nhác là đọa lạc, nên thường tinh tấn, dẹp bỏ những phiền não xấu ác, hàng phục bốn ma, vượt ra ngoài sự trói buộc của thân tâm.
5. Điều thứ Năm: Người trí biết rõ ngu si là gốc của sanh tử. Bồ tát thường nhớ kỹ điều đó, nên cố gắng học rộng hiểu sâu, để mở mang, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu được pháp biện tài, giáo hóa hết thảy đều đạt niềm vui lớn.
6. Điều thứ sáu: Người trí biết rõ nghèo khổ thường có nhiều oán than, dễ tạo thêm nhiều duyên xấu. Bồ-tát thường làm việc bố thí, tâm luôn bình đẳng, không phân biệt thân hay thù, không nhớ thù xưa, không ghét kẻ xấu.
7. Điều thứ bảy: Người trí biết rõ năm thứ dục lạc (tiền tài, sắc tướng, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ) là năm món tội và năm mối họa. Cho nên, tuy là người thế tục, nhưng người trí sống không nhiễm những lạc thú của thế gian, thường nhớ nghĩ và nương tựa ba điều cao quí (Phật là tâm sáng suốt, Pháp là tâm chân chánh, Tăng là tâm thanh tịnh). Người trí có chí nguyện xuất gia, giữ đạo trong sạch, phạm hạnh cao xa, từ bi với mọi loài.
8. Điều thứ tám: Người trí biết rõ sống chết như ngọn lữa bừng cháy, khổ não vô cùng; cho nên phát tâm rộng lớn, cứu độ hết mọi loài. Nguyện thay cho chúng sanh, nhận chịu vô lượng khổ, khiến cho chúng sanh rốt ráo an vui.
(Bát Đại Nhân Giác Kinh)
Con đường tu hành chân chính theo đạo Phật là phải xả bỏ những tâm niệm đầy tham lam, sân hận, si mê, trong kinh sách gọi là tà niệm, tạp niệm hay vọng niệm. Dù tại gia hay xuất gia, người tu phải tự lực rèn luyện tu tập, luôn giữ gìn chánh niệm, luôn trau giồi thúc liễm thân tâm, cố sức tránh xa các ác pháp lợi mình hại người.
Con người phải đầy đủ nghị lực, phải gan dạ, kiên trì, chịu đựng và kham nhẫn, để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu, chứ không phải chỉ biết thường vào nơi điện Phật chỉ để cúng kiến, lễ bái, cầu khấn, van xin, nương nhờ tha lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, tiếp độ, trợ lực, cứu khổ cứu nạn, giải thoát khổ đau, tai ương, bệnh tật, hay phóng hào quang tiếp độ những vong hồn người chết về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Con người phải phát tâm tự lực học hiểu chánh pháp, suy tư nghiền ngẫm những lời dạy quí báu trong kinh sách, để biết cách áp dụng, thực hành trong đời sống thực tế hàng ngày. Chứ không phải tu hành suông bằng cách chỉ biết tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền, hay chuyên luyện bùa, luyện phép để có thần thông, hay huyễn thuật, hoặc để khẩn cầu được sinh về Cực Lạc, Niết Bàn bằng những oai thần, tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát, ngoài ra không còn gì hết, không biết gì hết !