Ý nghĩa của bông hồng cài áo dịp lễ Vu Lan

Thứ sáu - 09/08/2013 14:46
Lễ cài bông hồng trong dịp Vu Lan được xem là một buổi lễ báo hiếu quan trọng đối với những người con Phật.
Lễ cài bông hồng trong dịp Vu Lan được xem là một buổi lễ báo hiếu quan trọng đối với những người con Phật. Tuy nhiên buổi lễ này không phải chỉ dành cho Phật tử mà tất cả mọi người không theo đạo vẫn có thể tham dự.
 
Điều này có từ lúc nào? Tại sao lại là bông hoa hồng mà không phải là loại hoa khác? Để hiểu về điều này Sư cô Thích nữ Huệ Đức (tu học tại Quan Âm Tu Viện - TPHCM) đã chia sẻ với Kienthuc.net.vn.
 
Buổi lễ Bông hồng cài áo trong mùa Vu Lan báo hiếu được khởi xướng từ Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tác giả của ấn phẩm Bông Hồng Cài Áo
 
Trong một lần sang Nhật Bản đúng ngày Mother Day (ngày của mẹ), Hòa thượng Thích Nhất Hạnh được một số thanh niên lại gần hỏi thầy còn mẹ không và cài lên áo 1 bông hồng rồi nói “Hôm nay là ngày tưởng nhớ đến mẹ”.
 
Hòa thượng nhận thấy truyền thống của Phật giáo cũng có lễ Vu Lan báo hiếu là dịp tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với mỗi người, vậy tại sao chúng ta không phát huy truyền thống tốt đẹp này như những bạn trẻ nước Nhật làm trong ngày Mother Day. 
 
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Chính vì thế Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962. 
 
Để làm mọi người hiểu hơn về điều này, chính bản thân Hòa thượng đã làm lễ cài Bông hồng đầu tiên cho Tăng Ni và Phật tử ở chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Từ đó các chùa và các tổ chức Gia đình Phật tử đã nhân rộng thành lễ cài Bông hồng trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu như hiện nay. 
 

Người nào muốn nhớ đến công ơn của các bậc sinh thành đều có thể tới chùa dịp Vu Lan để được cài hoa hồng (ảnh minh họa)

Ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, đã được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh giải thích ngay trong ấn phẩm Bồng Hồng Cài Áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ.
 
Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhờ thương không quên mẹ, dù đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi sẽ khóc than cũng không còn kịp nữa”.
 
Cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác nhạc phẩm “Bồng Hồng Cài Áo”. Đến nay bài hát đó được coi như “bài hát chính trong các dịp lễ Bông hồng cái áo ở các chùa vào mùa Vu Lan báo hiếu”.
 
Cũng từ đó nghi thức cài bông hồng trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo.
 
Cho nên hằng năm, cứ đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, hầu hết người Việt Nam là Phật tử, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều đến chùa tham dự lễ “Bông Hồng Cài Áo”, để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng song thân, dù còn hiện tiền hay không còn trên cõi đời này.

Hiện nay ở các chùa thường có quy định chung cho những người tham dự lễ cài hoa hồng, đó là người còn cha mẹ thì chọn hoa hồng lá xanh, còn nếu mẹ đã mất nhưng cha vẫn đang ở với con cháu thì hoa trắng cành xanh, ngược lại thì chọn hoa đỏ cành trắng. Riêng đối với các bậc Chư Tôn Đức Tăng/Ni thì được cài hoa màu vàng trong dịp lễ này.

Tác giả bài viết: Hoài Lương

 Từ khóa: quan trọng, báo hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây