Đối với sự tu tập của hàng Phật tử, ăn chay thì rất tốt. Ăn chay để trưởng dưỡng lòng từ, góp phần quan trọng trong việc chuyển hóa nghiệp sát hại. Ăn chay được khuyến khích trong Phật giáo Bắc tông; Phật giáo Nam tông không có truyền thống ăn chay. Tuy vậy, người có hạnh lành ăn chay mà không chuyển được nghiệp nhân bất thiện thì nghiệp quả xấu ác vẫn xảy ra. Ngược lại, người Phật tử dù không ăn chay (chỉ mua thực phẩm mà không sát sinh) nhưng nếu tu tập tốt, đúng Chánh pháp thì có thể chứng đắc đến Tam quả A-na-hàm.
Tụng kinh, cho dù kinh gì, căn bản vẫn là tụng đọc để hiểu Chánh pháp mà tu tập. Vẫn biết tụng kinh hàng ngày cũng là một pháp tu nhưng kết quả nơi mỗi người lại khác nhau. Nếu nhờ tụng kinh mà thanh tịnh được ba nghiệp thân miệng ý, tụng kinh mà thành tựu được giới định tuệ thì mới mong chuyển được nghiệp. Còn tụng kinh mà chưa chuyển hóa được ba nghiệp thành thanh tịnh, chưa thành tựu giới định tuệ, cho dù hiện tại người đó có ăn chay hay không thì nghiệp quả xấu (được hình thành từ những nghiệp nhân quá khứ) vẫn xảy ra.
Đổ nghiệp là cách gọi nôm na của dân gian về nghiệp quả. Khi nghiệp nhân theo duyên chín muồi thì trổ nghiệp quả. Phật học không có khái niệm đổ nghiệp. Từ nhân đến quả là cả một quá trình vận động phức tạp, trong đó những nhân phụ (duyên) chi phối rất mãnh liệt có thể làm quả lệch hướng so với nhân ban đầu. Nhân thiện ác được tạo ra ở quá khứ xa, duyên thiện ác được tạo ra ở quá khứ gần, quả tốt xấu là những gì xảy ra trong hiện tại. Mặt khác, nhân-duyên-quả của tiến trình này lại làm nhân-duyên-quả cho các tiến trình khác, cứ thế chúng tương tác lẫn nhau trùng trùng điệp điệp để tạo ra nghiệp quả hiện tiền.
Nghiệp quả hiện tiền thì ai cũng biết nhưng nhân và duyên để tạo ra nghiệp quả ấy thì chỉ Đức Phật và các vị Thánh A-la-hán mới biết. Do đó, nói ăn mặn tụng kinh thì đổ nghiệp còn ăn chay thì không là thiếu cơ sở. Khi nhân duyên chín muồi thì nghiệp quả xảy ra, nó mạnh mẽ đến độ không ai ngăn cản được. Người trí lực chưa sáng, khi nghiệp quả xảy ra trùng với thời điểm mình đang làm việc gì đó lại cả nghĩ rằng, do mình làm cái việc đó nên bị “đổ nghiệp”. Thậm chí có người tin sai lạc rằng do tôi tu nên bị “đổ nghiệp” mà không biết rằng nghiệp quả đang tới nhờ có tu nên quả xấu ấy được chuyển bớt phần nào, còn không thì nặng nề hơn.
Thế nên, những quan niệm đại loại như “ăn mặn tụng kinh Pháp hoa bị đổ nghiệp” hay “tụng kinh Kim cang bị sân si, nóng nảy” v.v... cần được chuyển hóa vì thiếu cơ sở, không phù hợp với Chánh pháp.
Chúc bạn tinh tấn!