Điều phi đạo thứ tư: Gần gũi ác tri thức

Thứ tư - 05/04/2023 15:11
Phi đạo là những việc dẫn đến sự hao tài. Điều phi đạo thứ tư là gần gũi bạn ác. Dân gian có câu “gần mực thì đen” không thể sáng được. Muốn biết nhân cách của một người thì hãy nhìn vào bạn bè của họ.
Điều phi đạo thứ tư: Gần gũi ác tri thức
"Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Nhiêu-hà-mô (rừng Trúc, chỗ nuôi sóc). Bấy giờ, trong thành Vương-xá có con của vị Cư sĩ tên là Thiện Sanh. Khi người cha sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối trăng, khéo dạy khéo quở rằng:

- Này Thiện Sanh! Sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương rằng: ‘Ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi’.

Đức Phật dạy:

- Này con trai Cư sĩ, kẻ mong cầu của cải nên biết sáu điều phi đạo. Sáu điều đó là gì? Bốn là gần gũi ác tri thức mà mong cầu tài vật là phi pháp.

- Này con nhà Cư sĩ, người gần gũi ác tri thức, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là thân cận giặc cướp. Hai là thân cận kẻ lừa gạt. Ba là thân cận kẻ say sưa. Bốn là thân cận kẻ buông lung. Năm là tụ hội chơi bời. Sáu là lấy đó làm thân hữu, lấy đó làm bạn đồng hành. Này con nhà Cư sĩ, người gần gũi ác tri thức thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh được thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Thiện Sanh, số 135 [trích])

Phi đạo là những việc dẫn đến sự hao tài. Điều phi đạo thứ tư là gần gũi bạn ác. Dân gian có câu “gần mực thì đen” không thể sáng được. Muốn biết nhân cách của một người thì hãy nhìn vào bạn bè của họ. Nếu xung quanh một người chỉ thấy phường xảo trá, lọc lừa hay toàn bọn gian manh, quỷ quyệt thì biết rõ người ấy thuộc hạng nào.

Đức Phật đã chỉ ra gần gũi bạn ác có sáu tai họa. Một là thân cận giặc cướp. Bình thường thì họ là bạn cùng chơi nhưng khi túng quẫn thì họ dễ làm liều. Việc này cũng thường xảy ra, thủ phạm trộm cướp tài sản không phải ai xa lạ mà chính là bạn bè của mình. Hai là thân cận kẻ lừa gạt. Nếu không cạn tình trộm cướp thì bạn xấu thường hay lường gạt, dễ gặp nhất là vay mượn rồi không trả.

Ba là thân cận kẻ say sưa. Bạn bè rủ rê ăn nhậu thì nhiều, bốn phương đều là anh em. Thân cận loại bạn bè này nhiều sớm muộn gì cũng trở thành con nghiện. Bốn là thân cận kẻ buông lung. Kết thân với người mà không có chí tiến thủ, chẳng chăm lo làm ăn thì không thể phát triển sự nghiệp. Năm là tụ hội chơi bời. Tập trung bè bạn, tụ tập chơi bời trong những ngày nghỉ để thư giãn thì được. Còn ham chơi mà bỏ bê công việc thì không nên. Sáu là lấy đó làm thân hữu, lấy đó làm bạn đồng hành. Nếu kết thân, đồng hành với bạn xấu thì chắc chắn rơi vào tai họa.

Thế nên, cần thân cận thiện tri thức, bạn lành. Bạn tốt chính là những người thầy, nhờ gần gũi với họ mà ta có thể tích lũy thêm kinh nghiệm và hiểu biết về cuộc sống để phát triển sự nghiệp. Nếu không phải bạn tốt thì tìm cách tránh xa, không kết thân vì tiềm ẩn sáu mối nguy hại có thể xảy đến cho mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây