Bạn Minh Hòa thân mến!
Việc sử dụng hoa tươi để dâng cúng Phật, trang nghiêm điện đường, đặc biệt trong các dịp đại lễ, húy nhật chư vị tiền bối hữu công,… là điều phổ biến trong truyền thống tại nhiều quốc gia. Không chỉ riêng trong Phật giáo mà đã trở thành một phần trong văn hóa của nhiều dân tộc.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của điều kiện xã hội, việc sử dụng các loại hoa tươi đặc sắc về chủng loại để tăng tính thẩm mỹ cho các dịp đại lễ cũng được chú trọng hơn. Trong một số trường hợp là để tùy thuận theo sự phát tâm cúng dường của Phật tử, thiện tín. Mặt khác, thông qua những hình thức nghi lễ trang nghiêm, đẹp mắt cũng là một phần phương tiện tùy duyên để đưa người đến với đạo.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, cùng với những hình thức trang trí theo truyền thống, nhiều chùa chiền, tự viện cũng phỏng theo một số hình thức bài trí mới lạ, độc đáo, trong đó có những cách trang trí hoa tươi rất giống với hình thức trang trí được sử dụng trong tang lễ của người Nhật.
Hình thức trang trí như bạn đã đề cập trong câu hỏi được người Nhật gọi là Seikasaidan (生祭壇), là kiểu bàn thờ kết bằng hoa tươi xuất hiện trong các đám tang (ảnh). Ngoài loài hoa chủ đạo được sử dụng phổ biến thời gian đầu là hoa cúc, về sau, rất nhiều loài hoa có màu sắc tươi sáng khác cũng được sử dụng, có khi để thể hiện sở thích, tính cách hay nghề nghiệp của người quá cố. Việc áp dụng hình thức cắm hoa dành riêng cho tang lễ của một nền văn hóa khác vào trong các nghi lễ khác của Phật giáo trong nước là điều cần hết sức cân nhắc, thậm chí nên hạn chế để tránh việc đưa đến những lệch lạc trong nhận thức văn hóa.
Tiếp thu những cái hay cái đẹp của các nền văn hóa khác để tiếp biến, làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc là điều cần thiết, đã được ông cha ta thực hiện qua suốt ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, mỗi sự tiếp thu, học hỏi đều cần phải có chọn lọc, không thể thiếu cẩn trọng để dẫn đến những nghi ngại không đáng có.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự