Có cần cầu siêu và cúng cơm vào ngày giỗ?

Thứ tư - 12/06/2024 03:30
Gia đình tôi theo đạo Phật, nay tôi muốn hỏi quý Báo những điều sau: Người thân của tôi đã mất cách đây 8 năm, nay sắp đến ngày giỗ, vậy gia đình tôi có cần lên chùa nhờ quý thầy tụng kinh cầu siêu và cúng cơm vào ngày giỗ không? Vì sao? Quan điểm của đạo Phật về vấn đề này thế nào? (TRẦN TY, tran…ty@yahoo.de)
Có cần cầu siêu và cúng cơm vào ngày giỗ?

Bạn Trần Ty thân mến!

Cúng giỗ nhằm thể hiện sự hiếu kính, tưởng niệm, tri ân đối với người đã khuất. Đây là truyền thống quý báu uống nước nhớ nguồn, biết ơn và đền ơn của dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại. Mâm cỗ hay hương hoa dâng cúng là lễ phẩm biểu hiện tấm lòng thành. Ngày giỗ, con cháu các nơi tựu về, đốt nén hương lòng, kính cẩn lễ bái niệm ân, kết nối nguồn mạch huyết thống và tâm linh từ quá khứ đến hiện tại. Ngày giỗ cũng là ngày đoàn tụ, gắn kết tình thân trong gia đình, dòng tộc.

Tùy theo quan niệm và hoàn cảnh của mỗi người (gia đình) mà có cách thức cúng giỗ, tưởng niệm người quá cố khác nhau. Đối với hàng Phật tử, đến ngày giỗ ông bà cha mẹ, con cháu đến chùa cùng chư Tăng tụng kinh cầu siêu và cúng cơm thì rất tốt. Hoặc có thể ở nhà khai kinh niệm Phật, sau đó sắm sửa hương hoa cơm nước dâng cúng, chí thành lễ bái, khấn nguyện và tưởng niệm. Hoặc đơn giản hơn vào ngày giỗ chỉ làm cơm nước rồi thắp hương, lễ bái và khấn nguyện. Dù hình thức và ý nghĩa có khác nhau, căn bản vẫn là thể hiện sự hiếu kính, tưởng niệm, tri ân đối với người đã khuất.

Trong quan niệm dân gian, nhiều người nghĩ rằng ông bà cha mẹ sau khi mất đi sẽ ngự trên bàn thờ gia tiên, cúng kính để cho chư vị thọ dụng. Quan niệm của đạo Phật về vấn đề này có nhiều khác biệt. Mỗi người sau khi mất đi sẽ tùy theo nghiệp lực mà tái sinh vào cảnh giới tương ứng (trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Trong sáu đường này, chỉ có loài ngạ quỷ mới hưởng thọ được “hương” của những lễ phẩm dâng cúng, còn các loài khác thì không (do nghiệp lực của mỗi loài thọ dụng khác nhau). Tuy vậy, nếu con cháu có lòng thành làm việc thiện lành rồi đem công đức phước báu đó hồi hướng thì dù ở bất cứ nơi đâu trong sáu cõi họ cũng đều nhận được.

Nên việc quý thầy khuyến khích các Phật tử vào ngày giỗ lên chùa dự lễ cầu siêu trước, sau đó mới cúng cơm có ý nghĩa quan trọng. Các thành viên trong gia đình tham gia lễ cầu siêu, tụng kinh, niệm Phật đã tạo ra công đức, phước báu. Cơm nước dâng cúng nhằm biểu trưng cho lòng thành, loài nào tương ưng thì có thể thọ dụng. Thành ra, ngoài cúng kính và tưởng niệm thông thường, việc làm thêm điều phước thiện (tụng kinh, cúng dường…) để hồi hướng cho hương linh sẽ giúp họ thêm phần phước báo mà an lành hơn. Vì lẽ ấy nên quý thầy thường khuyến khích các Phật tử đến chùa dự lễ cầu siêu rồi mới cúng linh để hương linh được nhiều lợi lạc.

Hiện nay, một số người có khuynh hướng đơn giản việc cúng kính, kỵ giỗ. Đơn giản thì tốt nhưng mâm cơm, chén nước, nén hương dâng cúng tổ tiên ông bà thì cần có, vì đây là truyền thống quý báu của dân tộc. Với người Phật tử, sau khi hiểu rõ việc hồi hướng phước báu cho người mất thì ngày giỗ nên tạo phước. Lễ cầu siêu chính là phương tiện cho con cháu làm phước (phước do tu tập). Ngoài ra, thân nhân có thể làm phước trong nhiều lĩnh vực khác như giữ giới, tọa thiền, bố thí, phóng sinh, cúng dường, phục vụ, công quả v.v… Khi hiểu rõ sự tình, người Phật tử cần kết hợp giữa truyền thống hiếu kính của dân tộc và hồi hướng phước đức cho hương linh thì việc cúng giỗ mới thành tựu viên mãn, âm dương đều lợi ích.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây