Dưới tuệ giác của Đức Phật, hoặc các vị thiền sư đắc đạo, từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, tất cả moi người tạo ra không biết bao nhiêu là tội lỗi, gây ra không biết bao nhiêu là hận thù. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng từ vô thỉ kiếp, do vô minh chỉ đạo mà con người tạo ra tất cả các tội ác và gây hận thù giữa người này với người khác, giữa mọi người trong cùng một gia đình và giữa nước này với nước khác. Hãy nhớ nghĩ lại xem từ vô thỉ kiếp, chúng ta đã từng làm người, làm thú, làm thần, làm quỷ, v.v… Có thể nói gần như chúng ta đóng đủ tất cả các vai trên sân khấu cuộc đời, hết làm việc thiện lại làm việc ác, hết làm ác rồi lại làm thiện; cứ như thế mà chúng ta thay hình đổi dạng, lang thang trong kiếp luân hồi sinh tử.
Sự sống của loài người, từ khởi thủy là đơn bào tiến lên đa bào, cho đến hình thành thân tứ đại của con người; trải qua quá trình sinh sống dài lâu đó, con người đã tranh giành và sát hại lẫn nhau. Có thể hiểu nghĩa “Vô thỉ kiếp” theo Phật là như vậy. Ngay từ thời bắt đầu có sự sống lúc mới hình thành vũ trụ, đã có sự cạnh tranh để sinh tồn giữa các loài; nói cách khác, loài này sống bằng cách sát hại loài khác, loài nọ phải chết đi cho sự tồn tại của loài khác nữa, v.v… Ý này được kinh Pháp Hoa diễn tả rằng các loài ăn nuốt lẫn nhau để mà sống.
Chúng ta có thể tạm chia sự sống của muôn loài thành hai nhóm là loài ăn cỏ và loài ăn thịt. Thử nghĩ xem đối với các loài ăn cỏ và đối với cỏ cây trong thiên nhiên, chúng ta có đối xử hoàn toàn tốt với chúng hay không, chúng ta không gây oán thù với chúng hay không. Cỏ cây dĩ nhiên có sự sống và ở một chừng mức nào đó, tình trạng sống của cỏ cây cũng chính là tình trạng sống của con người. Loài người vì vô minh ngăn che, nghĩ rằng cần phải cạnh tranh, phải tiêu diệt các loài khác để sống và cũng chính từ đó, con người tiêu diệt luôn cả môi trường sống của chính họ.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh cho thấy loài người phá hủy môi trường sống nhiều nhất so với các loài khác. Loài người được đánh giá là tối linh, nhưng cũng là loài cực ác so với các ác thú như hùm beo, chó sói; vì xét kỹ, chúng chỉ ăn thịt các con thú khác khi đói, còn loài người giết nhau, hay giết các loài khác không phải chỉ vì đói. Con người săn giết các loài thú để lấy da xương của chúng làm đồ dùng cho giới tự nhận là quý phái, hoặc làm đồ trang sức, thậm chí săn bắn, câu lưới để giải trí, thỏa mãn ác tính của họ. Và loài người giết nhau phần lớn vì hận thù. So với các loài khác, văn minh của loài người lên đến tột đỉnh thì tội ác của loài người cũng tiến đến tột đỉnh; chỉ có loài người mới tàn sát lẫn nhau vì tham vọng, vì sự khôn ngoan thủ đoạn của họ.
Ngài Vạn Hạnh Thiền sư có bài kệ rất hay nói lên hận thù chồng chất thật khủng khiếp:
Hàng ngày trong bát canh ăn,
Quán sâu như biển hận bằng non cao;
Muốn hay binh lửa thế nào,
Lắng nghe quán thịt tiếng gào đêm thâu.
Từ khi Đức Phật còn là thái tử, trong lúc tham dự buổi lễ hạ điền, Ngài đã thấy những luống cày xới đứt những con trùn, rồi bầy quạ bay sà xuống bắt ăn những con trùn bị cày xới, thấy vậy, người thợ săn bắn con quạ, trong khi sau lưng anh ta có con hổ rình chờ để ăn thịt anh. Đó là hình ảnh sống động nhất cho thấy sự sống của các loài tranh giành, ăn nuốt lẫn nhau, tạo nên hận thù không bao giờ dừng lại. Chứng kiến cảnh sống bi đát muôn đời như vậy, thái tử đã nung nấu tâm nguyện tìm cách giải thoát cho muôn loài ra khỏi cuộc sống sinh tử khổ đau. Và đến khi Ngài thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Đức Phật đã tìm được phương cách hóa giải hận thù khổ đau. Trên bước đường giáo hóa độ sinh, Ngài chỉ dạy rất nhiều phương thức hóa giải thù hận.
Chúng ta thấy rất rõ cuộc sống hận thù sẽ làm con người tràn ngập khổ đau và dẫn họ ngày càng xa rời cuộc sống an lạc giải thoát. Vì vậy, hóa giải hận thù là đi ngược chiều sinh tử, trở về nguồn cội là Niết-bàn. Nếu thuận đường sinh tử, mỗi ngày chung ta sẽ tạo việc ác nhiều hơn, tâm hận thù lớn hơn; nhưng tu hành là đi ngược chiều sinh tử, làm sao cho thù hận, nghiệp ác giảm bớt, cho đến dứt sạch, để chúng ta không thù hận giữa cuộc sống hận thù, tạo thành xã hội an lạc. Nói cách khác, chuyển đổi Ta bà thành Tịnh độ của Phật ở giữa nhân gian này.
Đức Phật dạy rằng mọi người đều có thể tạo cuộc sống an lạc, hạnh phúc, giác ngộ, giải thoát; nhưng tại sao không chịu xây dựng cuộc sống tốt đẹp như thế mà lại tự làm cho mình khổ đau và làm người khác khổ đau, mà không biết rằng làm cho người khác khổ đau chính là làm cho mình khổ đau. Phải hóa giải mọi vướng mắc xấu ác, mọi thù hận trong suy nghĩ, trong lời nói, trong việc làm, trong sinh hoạt hàng ngày để mình và người thoát khổ, luôn sống trong an lạc giải thoát; đó là mục tiêu mà Đức Phật đã thành tựu trọn vẹn.
Đức Phật cho biết người đặt mục tiêu này và sống với mục tiêu này đều lên Niết bàn và xây dựng được Tịnh độ; đó chính là các vị Thánh La hán đều an trụ Niết bàn, vì đã hóa giải được mọi hận thù ở thế gian này. Các Đức Như Lai chẳng những lên Niết bàn, làm sạch tâm các Ngài mà còn trong sạch hóa tâm của nhiều người khác, tức là kiến tạo được Tịnh độ. Niết bàn là cảnh giới làm sạch được hận thù của chính mình và Tịnh độ là thế giới trong sạch của chúng ta và cũng dành cho những người cùng hạnh nguyện.
Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có Tịnh độ phương Tây của Đức Phật Di Đà; nhưng Đức Phật Thích Ca cho biết trong khắp mười phương, Đức Phật nào cũng có Tịnh độ riêng. Tịnh độ đó ra sao. Tất cả các Đức Phật sau khi chứng Niết bàn, không an trụ luôn trong Niết-bàn đó, nhưng các Ngài dấn thân cứu đời, giúp người, nghĩa là hành Bồ-tát đạo.
Chúng ta cứ tưởng những người phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo cho đến chứng quả Vô thượng Bồ đề là chấm dứt con đường tu hành. Nhưng đọc kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy khác nữa, thấy những vị Bồ-tát đã thành xong quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà các Ngài sinh lại cuộc đời này; đó là Bồ-tát từ quả hướng nhân, khác với Bồ-tát từ nhân hướng quả như chúng ta thường nghĩ.
Bồ-tát từ nhân hướng quả thì tiến tu từ thập trụ, thập hạnh, đến thập hồi hướng và trong quá trình thực hiện Bồ tát hạnh như vậy, phần phá vô minh, phần chứng Pháp thân, tiến lên Đẳng giác, Diệu giác Bồ-tát, gọi là Nhứt sanh bổ xứ Bồ-tát, rồi tìm nơi sanh lại để giáo hóa chúng sanh. Nhưng theo kinh Pháp Hoa, có thêm Bồ-tát từ quả hướng nhân là người đa thành tựu quả vị Phật, hiện thân lại để cứu độ chúng sinh. Như vậy, đối với Bồ-tát từ nhân hướng quả, kết quả của họ như đã nói là phần phá vô minh, phần chứng Pháp thân; nghĩa là phần tốt có và phần xấu cũng còn. Cho nên tu Bồ-tát đạo, chúng ta thấy có người tâm tánh rất tốt và thực hiện được nhiều việc tốt trong cuộc sống, nhưng người tốt như vậy cũng còn ít.
Bồ-tát Thập trụ hơn Bồ-tát Thập tín và Bồ-tát Thập hồi hướng thì trên Bồ tát Thập hạnh. Cuộc đời của các Bồ-tát cứu nhân độ thế không giống nhau, có Bồ-tát được một, hai thành quả cho đến có vị được chín, mười phần tốt đẹp. Như vậy, định vị được Bồ-tát thập tín, thập trụ, thập hạnh, thâp hồi hướng có pháp tu giống nhau, nhưng đạt được kết quả thì khác nhau.
Bồ-tát thập tín, thập trụ và thập hạnh trải qua 30 chặng đường chính yếu là lợi hành, tức thực hiện phần tự tu làm trong sạch mình là chính. Nhưng lên Bồ-tát thập hồi hướng, phải điều tiết thế nào cho thích hợp. Điều tiết của Bồ-tát thập hồi hướng, trong đó có hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, hồi hướng Pháp giới chúng sinh và hồi hướng Chơn như thật tướng. Trong ba pháp này, Bồ-tát luôn điều chỉnh, không phải tu pháp nào nhiều hay ít, nhưng pháp nào cần làm trước, điều nào chưa cần thì làm sau.
Khởi đầu, Bồ tát thập hồi hướng nhắm đến mở mang trí tuệ trước; vì Đức Phật dạy rằng nếu tu năm pháp Ba-la-mật trong vô lượng kiếp, nhưng thiếu trí tuệ chỉ đạo, sẽ bị mất trắng. Hoặc tu suốt cả đời, nhưng phạm phải một sai lầm nhỏ thì mất tất cả, mà người ta thường nói rằng đốn củi ba năm, thiêu sạch trong một giờ, hay một đốm lửa nhỏ đốt một rừng công đức đã tu tạo. Đó là Bồ-tát thiếu trí tuệ làm việc chẳng được lợi lạc gì, ví như công dã tràng se cát biển. Vì vậy, Bồ-tát thập hồi hướng lấy Vô thượng Bồ-đề làm chính, còn những việc khác là phụ. Có trí tuệ chỉ đạo, thấy việc đáng làm thì làm, việc không nên làm thì tránh, người không đáng độ thì không độ, không phải ai cũng độ được. Điển hình như tấm gương độ sinh của Đức Phật, Ngài độ Vô Não là người rất ác, nhưng suốt cuộc đời giáo hóa của Đức Phật, ngoài Vô Não ra, không có người ác thứ hai được Phật độ mà đắc quả vị A-la-hán, hoặc Phật chỉ độ một Sunita hốt phân đắc quả A-la-hán, độ một cô gái buôn son bán phân trở thành Liên Hoa Sắc Tỳ-kheo đắc A-la-hán. Vì rõ ràng Đức Phật với tuệ giác soi sáng thấy rõ tiền kiếp của những người này là gì và mối quan hệ giữa họ với Đức Phật như thế nào, nên Ngài giáo hóa họ một cách dễ dàng.
Vì vậy, người tu đặt trí tuệ trên hết; nếu trí tuệ chưa khai mở, phải cẩn thận trên bước đường hành đạo và phải nương vào những người có trí tuệ như Phật, Bồ-tát lớn. Ngay cả các vị Thánh La-hán còn phải dè dặt, không dám xuất hiện độ đời là vậy. Đối với chúng ta, bước theo dấu chân Phật, Vô thượng Bồ-đề là đỉnh cao phải hướng đến để thấy được nhân duyên giữa ta và chúng sinh từ vô số kiếp, mới hóa giải tận gốc rễ hận thù mình đa gây ra. Ví dụ nhớ lại kiếp xa xưa, ta từng làm rắn, họ từng làm chuột đã bị ta nuốt trọng, hoặc ngược lại, ta làm con nai hiền lành bị chó sói ăn thịt, v.v… Dùng trí tuệ kiểm tra, thấy tâm lượng của chúng ta từng phần khác nhau mà nhận ra từng kiếp sống của chúng ta khác nhau, để theo đó bắt đầu hóa giải hận thù giữa ta với người. Không thấy hận thù tận gốc, hóa giải sai lầm sẽ gây thêm thù oán khác nữa.
Vị trí của Bồ-tát Thập hồi hướng mới hóa giải được hận thù, vì đã có trí tuệ soi sáng. Từ đó, nhìn lại pháp giới chúng sinh, tuy nhiều, nhưng có thể phân chia thành ba loại để hóa giải. Một là chúng sinh mà ta đã từng gây thù hận với họ. Hai là chúng sinh mà ta từng gieo duyên lành với họ. Ba là chúng sinh mà ta chưa từng gặp gỡ, chưa từng quen biết trên cuộc đời.
Có trí tuệ, ta thấy rõ trong giảng đường này, ai là người mà ta đã gây ác nghiệp với họ trong kiếp quá khứ, nên ngày hôm nay tu chung trong một ngày an lạc, họ cũng hầm hầm với ta, ta và họ đều không thể an lạc, vì nhìn thấy nhau là ghét rồi. Hoặc nhìn thấy họ là ta sợ rồi, vì đời trước, ta là cóc nhái, họ là rắn độc, ta từng bị họ nuốt trửng rồi.
Có trí tuệ quán sát tận ngọn nguồn của sự hận thù, mới hóa giải được. Ta nợ họ, hay họ nợ ta trong kiếp quá khứ. Họ nợ ta, ta tu hành, hỷ xả dễ dàmg; nhưng ta nợ họ mà bảo họ xóa bỏ rất khó. Giáo pháp của Đức Phật có công năng hóa giải tất cả hận thù của chúng sinh để đưa lên Niết-bàn, lên Cực lạc.
Điều chắc chắn rằng muốn hóa giải hận thù, ta phải tập họp cho được đạo quân Hiền thánh, vì việc hóa giải không dễ dàng chút nào. Chỉ có đạo quân Hiền thánh mới hóa giải được hận thù, cần suy nghĩ và ghi nhớ như vậy, không phải nghe là làm được. Muốn trừ ác ma, phải có thế lực của Hiền thánh. Biết như vậy, chúng ta mộ tập đạo quân của Hiền thánh trên bước đường tu của chính mình, thì không hóa giải mà thực là hóa giải; vì tu hành đúng pháp, sẽ hóa giải được mọi khó khăn, mọi hận thù.
Riêng tôi, từ thuở nhỏ phát tâm tu hành cho đến ngày nay, tôi biết mình không làm được gì, nên tôi thường tâm niệm câu “Hãy đợi đó”, tất cả hận thù hãy đợi đó, hãy để đó, chờ ta tu đắc đạo, ta sẽ hóa giải.
Các Phật tử không hiểu điều này, ham muốn hóa giải hận thù càng sớm càng tốt, nhưng không hóa giải được mà hận thù càng tăng thêm; vì không phải ta xin lỗi mà họ bằng lòng đâu. Kinh Pháp Hoa gọi là thệ nguyện an lạc, nghĩa là hãy đợi đó. Ta biết ta nợ họ, nhưng cũng biết mình không có khả năng trả nợ, nên ta phải tìm cách làm ra tiền để trả nợ; dù có xin lỗi, năn nỉ, họ cũng không nghe, vì trong đầu họ chỉ có tiền là nhất. Không có tiền trả nợ làm thế nào hóa giải được hận thù này. Và tiền có được phát xuất từ phước báo, còn nghĩ cách làm tiền bằng thủ đoạn gian xảo, lừa đảo là tạo thêm tội lỗi, thấy được trước mắt nhưng mất liền. Phước không có, tiền hại mình; có phước, tiền tìm mình.
Khả năng chúng ta không hóa giải đươc hận thù, phải nỗ lực tu hành. Đầu tiên là hóa giải sự hận thù ngay trong lòng chúng ta, hóa giải hận thù của người khác rất khó. Đa số người không tu, nhưng cứ lo khuyên người khác tu, bản thân không làm việc tốt, nhưng bảo người làm. Nhờ nỗ lực tu, chúng ta có trí tuệ, mới quán sát được những người nợ chúng ta trong quá khứ, họ nợ tiền, hay nợ tình, hoặc nợ mạng, tùy theo đó mà giải quyết. Còn tham vọng, tu sai, cứ thấy người giàu có, học giỏi, có thế lực, mà tìm cách dựa dẫm họ để bắt nạt người khác. Thấy người giàu có và cũng phải thấy mối quan hệ giữa ta với họ. Đời này họ giàu do đã bố thí, cúng dường đời trước. Ta nghèo do tham lam, keo kiết, bỏn xẻn, tạo nhiều nghiệp ác đời trước; nhưng nay mang nghiệp ác này mà hóa giải người khác, là sai lầm lớn. Đối với tôi, điều ngộ trước nhất là tìm con nợ của tôi để làm thân. Họ nợ mình nên thương mình, kính trọng mình, chắc chắn mình nói họ nghe theo và mình sẵn sàng tha thứ, bỏ qua những sai lầm của họ.
Chính Đức Phật đã đi trên lộ trình này. Tại sao Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này, biết bao người theo Ngài và hết lòng với Ngài. Điều này không có gì lạ cả. Đọc kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy rõ ý này. 500 vị Bồ-tát trong hội Pháp Hoa mà đứng đầu là Bạt Đà Bà La Bồ-tát trong nhiều kiếp quá khứ, đã từng mắng chửi, nói xấu, ném đá hại Phật, v.v… nhưng Ngài không những tha thứ cho họ, mà còn dìu dắt họ tu Bồ-tát đạo, chỉ bảo họ sống trong Chánh pháp; vì vậy mà trong hiện đời, họ thương quý Phật, tuyệt đối theo Phật.
Hóa giải hận thù là hóa giải tâm xấu ác trong chính mình, sẵn sàng tha thứ những người cố ý hay vô tình tác hại mình, làm khổ mình. Hóa giải như vậy, ta tập họp được những người tốt sống chết với ta. Và khi đã tập họp được những thiện tri thức, ta bắt đầu hóa giải những người thù, người xấu, người oán trach ta. Đây cũng là túc nghiệp quá khứ, nhưng nhờ có đạo quân Hiền thánh giúp ta, họ nói thay cho ta, nên hóa giải được loại ác ma này. Điển hình là Đức Phật có Hiền thánh chung quanh Ngài, gần là 1.250 vị Tỳ-kheo đắc A-la-lan; đó là Thánh chúng mà Đức Phật tập họp đầu tiên, kế đến, Ngài có thêm bát bộ Thiên long chung quanh. Thực tế là từ hàng vua chúa như A Xà Thế, Ba Tư Nặc, cho đến các quan lại, trưởng giả, cư sĩ trí thức và quần chúng đêu kính ngưỡng Phật, nghe theo Ngài.
Với sự hiện diện của đạo quân Hiền thánh kề cận bên Phật, dù cho ngoại đạo có bịa chuyện nói xấu để hạ uy tín Ngài cũng không kết quả, vì đã có đạo quân Hiền thánh giải quyết tận gốc. Sử sách còn ghi rõ tội ác của người Bà-la-môn đã giết con, rồi đem xác con chôn phía sau tịnh xá để vu oan cho Phật đã hiếp dâm và giết con ông. Vua Ba Tư Nặc không tin việc vu oan giá họa của ông này, vì uy tín của Đức Phật quá lớn. Ý này thường được diễn tả rằng hoa sen không dính nước, tội lỗi không thể đổ lên người tốt thực. Trên bước đường tu, chúng ta phải nhận ra rằng người khác còn đổ được điều xấu cho ta, mặc dù ta không tạo tội, vì ta chưa thực tốt. Chúng ta còn nghèo khó, mà thích làm thân với nhà giàu là tự sát; vì ta đến với họ, họ mất mát cái gì cũng khởi nghi ta trước tiên.
Vị trí của Đức Phật quá tốt, là Chuyển luân Thánh vương, có bao nhiêu cung phi mỹ nữ hầu hạ, Ngài thản nhiên từ bỏ ngai vàng, quyền uy, ngũ dục của thế nhân để tìm đường cứu khổ chúng sinh. Với đức hạnh cao tột như vậy mà gán ghép cho Ngài tội hiếp dâm là điều không ai chấp nhận được. Vua Ba Tư Nặc cho điều tra và chính người được ông Bà la môn thuê làm việc sát hại con gái để vu khống Phật, đã không chịu nổi việc ác này, nên ông đích thân đến tố cáo. Đức Phật dạy oan ức không cần biện minh, vì đã có đạo quân Hiền thánh quá mạnh, người bênh vực Ngài quá nhiều, người chống phá quá yếu kém. Vua kết án tử hình ông Bà la môn, nhưng Đức Phật đã hóa giải bằng cách xin nhà vua tha mạng cho ông ta, chỉ vì ông quá tham vọng, thấy vua kính trọng Tăng đoàn và số người theo ông ta cũng bỏ đi, nên sanh ra oán hận Phật, bịa đặt tội ác nhằm hạ uy tín Phật.
Chính ta tự hóa giải hận thù, không phải người khác hóa giải; phải thấy oan nghiệp tiền kiếp thế nào giữa ta với họ mà nay gặp lại, không phải vô duyên cớ mà có hận thù. Theo tinh thần Đại thừa là biến khổ duyên thành lạc cụ. Biết là ác nghiệp của ta, quả báo tới, ta mượn việc này để chuyển đổi mối quan hệ ác thành thiện. Lam thiện thì dễ, nhưng hóa giải việc ác thành thiện không đơn giản.
Đời trước ta nợ họ, đời này họ mới theo đòi ta. Biết vậy, ta hóa giải ngay trong lòng ta là chuyển được khi họ đòi; vì phước đức ta tạo lớn rồi, nên họ đoi ta, nhưng người khác nhìn vào lại thấy họ nợ ta, không phải ta nợ. Ta sẵn sàng tha thứ cho họ là hóa giải, không phải hóa giải bằng cách xin họ tha thứ ta.
Tập họp Hiền thánh ở đâu. Đừng lầm rằng gom người tốt cho mình, vì có ý đồ tập họp thiên hạ sẽ không tập họp được ai cả; nhưng thực chất của sự tập họp thành công là “Vô tác diệu lực”, nghĩa là chúng ta không kêu gọi, không dụ dỗ, nhưng ta tu hành tỏa sáng đạo lực sẽ khiến cho người theo. Vì vậy, tập họp Hiền thánh ngay trong tâm chúng ta và đuổi tất cả tà ma ngoại đạo ra khỏi tâm ta. Tà ma ngoại đạo là gì. Đức Phật dạy rằng tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… chính là ma quỷ trong lòng ta. Ta đánh đuổi chúng bằng cách tu cho thành tựu các thiện pháp là tín, tàm, úy, vô tham, vô sân, vô si, v.v… Và khi đem đạo quân Hiền thánh này đặt vào lòng ta để xua đuổi đạo quân ma ra ngoài, những người tốt trong xã hội sẽ tự tìm đến ta mà hợp tác, giúp đỡ. Thật vậy, khi tâm ta thực sự tốt, thể hiện ra cử chỉ, lời nói, việc làm tốt, tạo thành sức thu hút người tốt đến với ta, không phải mời gọi. Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi ý này, tu cho đạt kết quả tốt đẹp, không khuyên ai, nhưng luôn tự nhủ với lòng mình phải thanh tịnh tâm mình, phải làm được việc tốt, thì quả báo tốt trong hiện thực cuộc sống sẽ tự động có.
Tôi nhớ Hòa thượng Thiện Hoa kể rằng sư Thiện Chiếu rất thông minh, rất nhiệt tình trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Ông thường đến các chùa kêu gọi hợp tác thực hiện phong trào này, nhưng người ta không hợp tác mà còn xua đuổi, nói xấu. Ông tức giận, hoàn tục, không chấn hưng Phât giáo nữa, không tu nữa. Hòa thượng Thiện Hoa nhắc tôi kinh nghiệm này, khi ta quá nhiệt tình với đạo mà phải đối đầu với những việc ngang trái trên cuộc đời, sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Hòa thượng Thiện Hoa dạy chúng ta phải nô lực chấn hưng Phật giáo trong lòng chúng ta, tức đưa đạo quân Hiền thánh vào tâm mình mà xua tà ma ra khỏi tâm. Hàng ngày chúng ta kiểm tra đạo quân Hiền thánh xem bị mất mấy người để lo mộ tập, tuyển dụng bổ sung vào, kiêm soát xem quân ma núp ở đâu, có mấy tên, thậm chí nhiều lúc chúng còn dám ẩn núp dưới bàn Phật, ẩn núp trong tiếng niệm Phật, chúng ta cần mạnh dạn xua đuổi chúng ra.
Trong đạo quân Hiền thánh, anh lính đầu tiên chúng ta mô tập là niềm tin, niềm tin này phải kiên cố. Tôi luôn nhớ câu “Niềm tin kiên cố, đức hạnh vẹn toàn” và thực tập hai pháp này suốt cuộc đời cho thành tựu. Niềm tin đầu tiên của chúng ta là niềm tin kiên cố nơi Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng và tự tin rằng mình cũng sẽ làm được những việc như Phật, Bồ tát, A la hán đã làm. Đức Phật dạy La Hầu La rằng người khác làm được thì ông cũng phải làm được, đừng tự khinh mình. Sư Thiện Chiếu bỏ cuộc vì thiếu tự tin. Quý vị suy nghĩ xem mình đã bỏ cuộc bao nhiêu lần và được thầy khai ngộ, rồi tu lại, một lúc lại bỏ tu, rồi tu lại nữa … Cứ trồi sụt như vậy mãi nên ngày nay vẫn còn lững lững lờ lờ trên bước đường tu. Niềm tin là anh lính gác cửa mà chúng ta cần quan tâm. Đối với người tu, sợ nhất là đánh mất niềm tin. Niềm tin vững mạnh, chúng ta mới tiến xa được trên lộ trình Phật đạo.
Ngoài niềm tin, chúng ta phải biết xấu hổ, lỡ làm việc không tốt với bạn, với thầy, phải ăn năn, thề không dám tái phạm; đó là “Tàm”. Người phạm sai lầm mà ưa che giấu và khi người khác biết lỗi rồi thì lại cố bào chữa, như vậy tội càng nặng hơn. Phải thành tâm sám hối, mọi người sẽ thương mà tha thứ cho mình. Đức Phật có hai hạng đệ tử, một là đệ tử đáng quý không bao giờ lỗi lầm. Hạng thứ hai cũng đáng quý, có lỗi lầm nhưng không che giấu, không bào chữa, mà biết sám hối. Muốn làm đệ tư Phật, chúng ta phải học hạnh này, oan ức còn không biện minh, huống chi là có tội mà còn dám bào chữa.
Vô tham, vô sân, vô si, là ba thiện tâm sở cần phải phát triển thêm. Lúc còn là học Tăng, cuộc sống rất nghèo đói, tôi nhớ khi lên quả đường lần đầu, thấy thức ăn nào ngon là vội gắp vào bát; như vậy thì không ai thương mình được. Phải vô tham, tự phạt mình, nếu muốn ăn nhiều thì tự cấm mình, không ăn, nhờ vậy, tôi quen ăn ít. Lần lần trị tận gốc lòng tham của mình; không tham thì mới cho phép ăn nhưng mình cũng chỉ ăn vừa đủ.
Chúng ta dùng thiện tâm sở để trừ phiền não khởi lên trong lòng mình; từ đó, gặp việc đáng giận cũng không giận, gặp việc đáng buồn cũng không buồn. Tôi thấy có người lúc nào cũng buồn phiền, giận dữ người khác thì làm sao tu hành.
Vô tham, vô sân là tuyển mộ được hai anh lính Hiền thánh và vô si thì tâm hồn nhẹ nhàng, tức khinh an, việc gì xảy đến, mình cũng vui vẻ bỏ qua được, là hỷ xả. Lấy 11 thiện tâm sở theo Phật dạy để đánh đuổi sáu căn bản phiền não ra khỏi lòng mình. Kế tiếp, đối với 21 anh tiểu ác ma là phẫn, hận, phú, não, tật, xan, v.v…, chúng ta loại bỏ toàn bô những anh em chú bác phiền não này để tâm ta được sạch sẽ thì Hiền thánh sẽ tự động đến với mình. Còn đầy đủ tham vọng, sân hận, si mê mà ham khuyên dạy người khác chỉ luống công vô ích, ví như muốn nấu cát thành cơm. Lời Phật từng nhắc nhở trong nhiều kinh điển rằng “Tâm bình, thế giới bình” mãi mãi có giá trị hữu ích cho nhân loại xây dựng nếp sống an lạc, hạnh phúc, hòa hợp, hòa bình trên trái đất này.