“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.
Khi ấy có bảy người Ni-kiền Tử (đạo sĩ lõa thể), bảy người Xà-kỳ-la (đạo sĩ bện tóc), bảy người Nhất-xá-la (đạo sĩ chỉ khoác một mảnh y), thân thể thô lớn, đang đi lượn quanh, rồi đứng trước cửa tinh xá Kỳ-hoàn. Vua Ba-tư-nặc từ xa trông thấy họ đang lượn quanh ngoài cửa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi ra trước cửa, chắp tay bạch hỏi và tự xưng tên ba lần: ‘Tôi là vua Ba-tư-nặc, vua xứ Câu-tát-la’.
Bấy giờ, Phật hỏi vua:
- Vì cớ gì, hôm nay bệ hạ lại cung kính những người đó, chắp tay thưa hỏi, ba lần xưng tên họ?
Vua bạch Phật:
- Con tự nghĩ ở thế gian nếu có những vị A-la-hán, thì chính họ là những vị đó.
Phật dạy bảo vua Ba-tư-nặc:
- Này bệ hạ, thôi đủ rồi. Chính bệ hạ cũng không phân biệt được đó có phải là A-la-hán thật, hay không phải là A-la-hán, vì không có được tha tâm trí. Vả lại cần phải gần gũi, xem xét giới hạnh của họ, một thời gian lâu mới có thể biết được; chớ tự quyết vội vàng. Hãy xem xét kỹ, không chỉ hời hợt; hãy dùng trí tuệ, chớ không phải vô trí. Phải kinh qua các khổ cực khó khăn, mới có khả năng tự mình biện biệt, đối chiếu so sánh, thật giả sẽ phân biệt được. Thấy lời nói mới biết sự sáng suốt, chứ không thể phân biệt vội vàng, cần phải dùng trí tuệ tư duy quán sát.
Vua bạch Phật:
- Lạ thay! Bạch Thế Tôn, khéo nói lý này. Phải tiếp xúc chuyện trò một thời gian lâu, quán sát giới hạnh của họ... cho đến thấy sự nói năng hiểu biết rõ ràng.
- Con có người nhà cũng đi xuất gia. Mang hình tướng cũng như những người này, đi khắp các nước và khi trở về lại, khi cởi bỏ y phục kia, là trở lại hưởng thọ ngũ dục. Vì vậy, nên biết, Thế Tôn nói đúng, nên cùng họ sống chung để xem xét giới hạnh của họ,... cho đến nói năng mà biết có trí tuệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Không do thấy hình tướng
Biết thiện ác của người
Không phải vừa gặp nhau
Mà cùng đồng tâm chí
Điều kín hiện thân, miệng
Tâm tục không kiểm thúc
Giống như miếng đồng xi
Thếp lên lớp vàng ròng
Trong ôm lòng tạp mọn
Ngoài hiện oai nghi Thánh
Đi khắp các quốc độ
Lừa dối khắp thế gian.
Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 42, kinh 1148. Xà-kỳ-la)
Theo Thế Tôn, muốn biết một vị đã chứng Thánh (A-la-hán) hay chưa, cần dựa vào bốn tiêu chí. Trước hết “cần phải gần gũi, xem xét giới hạnh của họ, một thời gian lâu mới có thể biết được; chớ tự quyết vội vàng”. Bậc Thánh thì giới đức vẹn toàn, không phạm lỗi dù nhỏ nhặt. Không phải nghe qua hoặc thấy vội mà cần gần gũi với vị ấy. Trải qua thời gian, thấy vị ấy giới hạnh sáng ngời, thân tâm thanh tịnh.
Kế đến là “hãy xem xét kỹ, không chỉ hời hợt; hãy dùng trí tuệ, chớ không phải vô trí”. Sự sùng bái, cảm tình cá nhân và hiệu ứng đám đông sẽ khiến chúng ta mờ mắt. Cần tỉnh táo, sáng suốt để nhìn nhận vấn đề. Càng thông tuệ và khách quan bao nhiêu thì sự thật sẽ hiển lộ bấy nhiêu.
Nghịch cảnh, khó khăn, chướng ngại chính là thước đo quan trọng để xác định bậc Thánh. Kham nhẫn trước nghịch cảnh, phát huy trí tuệ để hóa giải những khó khăn và chướng ngại. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, nghịch hay thuận duyên bậc Thánh đều khéo léo vượt qua.
Quan trọng nhất là “thấy lời nói mới biết sự sáng suốt, chứ không thể phân biệt vội vàng”. Đó chính là đạo lý mà vị ấy rao giảng, trao truyền cho mọi người. Vị ấy thực sự có trí tuệ hay không cần chú ý đến điều này. Chân lý chỉ có một, người thực sự giác ngộ mới nói ra được và chỉ cho người khác con đường chứng đạt, thành tựu chân lý. Hãy đem Kinh-Luật-Luận đối chiếu với hiểu biết của vị ấy. Mang ba dấu ấn Chánh pháp vô thường, khổ, vô ngã để xác minh. Bậc Thánh thì trí tuệ Bát-nhã rạng ngời, không còn bóng dáng chấp thủ, tự tại và vô ngại làm lợi ích chúng sinh.
Hội đủ những điều kiện trên, dù chúng ta chưa có tha tâm trí, vẫn có thể xác định đúng đắn bậc hành giả đã đắc đạo, chứng Thánh, tâm và tuệ giải thoát tròn đầy.