Trong văn hóa phương Tây, cúi đầu thường bị xem là biểu hiện của sự phục tùng, luồn cúi, và định kiến này vô tình khiến cho việc thực hành 108 lạy trở thành một thách thức nặng nề và khó thực hiện hơn. Tuy nhiên, cũng không ít người ở đây đã trải nghiệm được cảm giác nhu nhuyến trong tâm sau khi vượt qua được những rào cản tâm lý ban đầu và quyết tâm thực hành phương pháp này. Mặc dù không nên ép buộc mọi người thực hành theo nhưng chắc chắn chúng ta có thể chia sẻ cho họ về những lợi ích và trải nghiệm tích cực liên quan đến việc thực hành 108 lạy.
Văn hóa lễ lạy chủ yếu được thực hành ở Hàn Quốc và Tây Tạng. Ở nhiều quốc gia khác thì thiền được các hành giả chú trọng hơn. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể thấy rằng khi liên tục thực hành 108 lạy thì không những cơ thể sẽ trải qua những thay đổi đáng kể mà tâm trí cũng được sáng suốt và minh mẫn hơn. Trong đạo tràng mà tôi hướng dẫn, những người kiên trì với phương pháp này dường như có những sự tiến bộ và phát triển bản thân nhanh chóng và vượt bậc hơn cả. Vì vậy nên tôi chia sẻ phương pháp thực hành này, nhưng cũng không bắt buộc bất cứ ai.
Sau khi quan sát những sự thay đổi của những người thực hành phương pháp 108 lạy so với những người thiền 20 phút mỗi ngày trong vòng 100 ngày, tôi thấy những người thực hành 108 lạy có sự biến đổi cá nhân lớn hơn. Nói điều này không phải để phủ nhận giá trị của phương pháp thiền định, mà để nhấn mạnh rằng việc lễ lạy có tác động rất mạnh mẽ đến việc phát triển cá nhân và tự phản tỉnh chính mình. Nếu bạn thực hành thiền nhưng lại rơi vào hôn trầm, thụy miên hoặc mơ màng, thì hãy đứng dậy để lễ lạy và vận động toàn thân.
Khi tôi gửi các tình nguyện viên JTS ra nước ngoài cho các chương trình cứu trợ, tôi khuyên họ hãy thực hành pháp môn này, 108 lạy trước khi bắt đầu công việc của một ngày. Tuy nhiên, trong guồng quay hối hả của công việc, họ có khi bỏ một hay hai ngày, và sau đó ngưng hoàn toàn. Nhưng đặc biệt, những người thực hiện 108 lạy mỗi ngày có xu hướng nhẫn nại, chịu đựng nghịch cảnh và hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc, trong khi những người ngưng thực hành thì dễ bỏ cuộc và quay về nhà sớm hơn dự định. Khi đã quyết tâm và thực hiện thử thách này hàng ngày thì chúng ta càng nhận thức rõ ràng hơn về mục đích của mình trong quá trình kiên trì và phản tỉnh liên tục đó. Nếu một người chỉ tập trung vào công việc hàng ngày, thì họ sẽ dần dần quên đi mục đích ban đầu và trở thành những người chỉ làm việc đơn thuần. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của 108 lạy, trừ những người không thể thực hành vì lý do thể chất.
Khi chúng ta muốn thực hành 108 lạy như một pháp môn của Phật giáo, thì cần phải có một tư duy sâu sắc hơn về ý nghĩa của nó. Ban đầu, hãy tiếp cận với pháp môn này bằng sự khiêm cung. Lễ lạy không chỉ là hoạt động thể chất mà còn liên quan đến sự thay đổi của tâm.
Khi chúng ta tức giận và kiêu căng, thì đầu ta ngẩng cao, ánh mắt nhìn trừng trừng vào đối phương, và lên giọng trong từng câu nói. Nhưng khi nhận ra mình không đúng, và tự ý thức sự sai trái của mình, thì ánh mắt nhìn xuống và đầu cũng cúi xuống. Nếu là sai lầm nghiêm trọng hơn thì tư thế sẽ cúi thấp hơn, gập người và cuối cùng là trán chạm đất để loại bỏ bản ngã cũng như sự ngạo mạn ra khỏi tâm mình.
Đã là hành giả Phật giáo thì phải khiêm cung và nhã nhặn. Những người kém hiểu biết thường có xu hướng kiêu ngạo, xem thường những người thấp kém hơn họ và luồn cúi, phục tùng những người họ xem là vượt trội. Người kiêu ngạo hay tự ti đều không phải là bậc trí; khiêm tốn nhưng tự tin mới là một hành giả thực thụ. Lễ lạy là một cách để trau dồi đức tính khiêm cung và tự biết mình đó.
Hơn nữa, lễ lạy cũng là một cơ hội để suy ngẫm về những hành động của mình trong quá khứ, quán chiếu lại những lỗi lầm và thất bại của mình. Bởi biết đâu chỉ mới hôm qua thôi, vì lười biếng, tức giận hay bực bội mà chúng ta đã lướt qua một điều gì đó, khi phản tỉnh lại, bạn sẽ nhận ra: “À, tôi đã bỏ lỡ điều đó!”. Thực hành một mình sẽ có lợi cho sức khỏe thể chất, và tăng cường sức khỏe tinh thần nếu kết hợp với sự suy niệm.
Nhiều người có xu hướng đếm số lạy mà mình đạt được: “Một nghìn lạy sẽ tốt hơn” hay “Ba nghìn lạy sẽ tốt hơn nữa”. Nhưng suy nghĩ như vậy bị dẫn dắt bởi lòng tham chứ không phải vì bản chất quán chiếu của việc lễ lạy. Lễ lạy phải nên được thực hành chung với sự quán chiếu và khiêm hạ hết mực.
Vì vậy, nếu bạn quyết định thực hiện 108 lạy mỗi ngày, bạn cần phải làm điều đó một cách nhất quán. Nếu ban đầu nhiệt tình, nhưng sau đó bỏ dở thì đó không phải là một pháp môn tu tập nữa. Tu tập cần phải có một sự cam kết kiên định và không gì lay chuyển được. Bạn phải thực hành điều đó dù có thích hay không. Sự nhất quán ấy sẽ giúp cho bản thân bạn hạnh phúc và tiến bộ hơn trên hành trình phát triển bản thân mỗi ngày.