Giàu lên dễ sinh tật?

Chủ nhật - 13/10/2024 16:06
Làm giàu chính đáng là việc khó đối với nhiều người. Nhưng khi khấm khá rồi mà biết an hưởng “không phóng dật, không tham đắm, không tạo những ác hạnh đối với chúng sinh” lại càng khó khăn hơn.
Giàu lên dễ sinh tật?
Không ít người khi giàu có lên bỗng thay tính đổi nết, sa đà vào tiệc tùng, bài bạc, ăn chơi, bồ bịch… dẫn đến gia đình ly tán, con cái hoang đàng, thân bại danh liệt.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc một mình ở nơi chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: “Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu mà không phóng dật, không tham đắm, không tạo những ác hạnh đối với chúng sinh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu là hay sinh ra phóng dật, tăng trưởng tham đắm chúng, khởi lên các tà hạnh”. Nghĩ vậy rồi, vua đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: “Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu và đối với tài lợi đó không sinh ra phóng dật, không sinh ra tham đắm, không tạo ra tà hạnh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu là hay sinh ra phóng dật, sinh ra tham đắm, khởi lên các tà hạnh”.

Phật bảo vua Ba-tư-nặc: - Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! “Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu mà không tham đắm, không sinh ra phóng dật, không khởi lên những tà hạnh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu và đối với tài lợi phóng dật, mà khởi lên tham đắm, khởi lên các tà hạnh”. Đại vương nên biết, những người thế gian kia được tài lợi thắng diệu, đối với tài lợi mà phóng dật, mà khởi tham đắm, làm các tà hạnh, đó là những người ngu si, sẽ chịu khổ lâu dài, không lợi ích. Đại vương, giống như người thợ săn, học trò thợ săn, giăng lưới bắt giết nhiều thú vật, trong rừng hoang vắng; hại chúng sinh khốn khổ, nghiệp ác tăng trưởng. Cũng vậy, người thế gian được tài lợi thắng diệu, đối tài lợi sinh phóng dật, khởi lên tham đắm, tạo các tà hạnh; người ngu si này sẽ chịu khổ não lâu dài, không được lợi ích.

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:
Đối tài vật tham dục
Bị tham làm mê say
Cuồng loạn không tự biết
 
Giống như người thợ săn
Vì sự phóng dật này
Nên chịu báo khổ lớn.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về”. (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1230).

Mới biết, có tiền cũng cần phải học để biết cách xài; xài cách nào để thân khỏe tâm an và giàu có lâu dài, càng xài tiền thì bản thân và gia đình càng hạnh phúc an vui. Bởi tiền bạc của cải dẫu do chính mình làm ra nhưng thực sự nó là biểu hiện của phước đức. Phước đức còn thì mọi thứ đều còn, phước đức hết thì mọi thứ hết.

Đức Phật dạy người Phật tử nên chia tài sản mình kiếm được đúng pháp ra làm bốn phần: Một phần chi tiêu đời sống hàng ngày, một phần tiết kiệm đề phòng bất trắc hoặc tình huống khẩn cấp xảy ra, một phần để kinh doanh và đầu tư sinh lời, một phần dùng để phụng sự cha mẹ, bố thí, cúng dường.

Thế nên cần phát huy tuệ giác trong việc an hưởng thành quả lao động của mình. Không biết cách xài tiền, chỉ lo thụ hưởng rồi “sinh phóng dật, khởi lên tham đắm, tạo các tà hạnh”, Thế Tôn gọi “người ngu si này sẽ chịu khổ não lâu dài, không được lợi ích”.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây