Gần đây, cúng dường chùa chiền là đề tài được nhiều người quan tâm bàn tán trên mang xã hội. Mỗi người nói một cách khác nhau, thậm chí có ý kiến tiêu cực, kêu gọi không cúng dường chùa chiền nữa. Tôi muốn biết rõ ràng về cách thức bố thí cúng dường trong đạo Phật. Thế nào là bố thí cúng dường đúng pháp và cao cả nhất?
(PHÁP MINH, ngnhat...@gmail.com)
Bạn Pháp Minh thân mến!
Bố thí (Dāna) hay cúng dường là một thiện pháp. Xuất phát từ yêu thương và tấm lòng quảng đại, họ mở rộng bàn tay, cho đi một phần mình đang có. Người thực hành bố thí cúng dường tạo ra nghiệp lành. Tâm xả buông khiến họ tiêu trừ tham ái, vị kỷ, thường nghĩ đến người với thiện tâm trong sạch. Bố thí cúng dường mang đến niềm hân hoan cho cả người thí lẫn người nhận thí, nhờ đó mà nuôi lớn phước lành.
Bố thí là một trong những pháp tu quan trọng trong đạo Phật. Đức Phật thường khuyến khích, ca ngợi và nói về phước quả tốt đẹp của hạnh lành bố thí cúng dường trong sạch. Điều quan trọng nhất của pháp bố thí cúng dường là tự nguyện, phát tâm. Kế đến là bố thí với tuệ, thấy rõ lợi ích và phước quả của việc mình làm. Trước, trong và sau khi bố thí cúng dường tâm tịnh tín và hoan hỷ.
Thời Đức Phật tại thế, thông dụng nhất là bố thí cúng dường bốn vật dụng thiết yếu (thực phẩm, y phục, chỗ nghỉ, thuốc thang). Ngoài ra, còn có bố thí cúng dường hoa, đèn và một số vật cần dùng khác như dầu gió, kim chỉ, áo mưa v.v…. Bấy giờ, các đại thí chủ đã phát tâm kiến lập tinh xá, tu viện to lớn đáp ứng nhu cầu tu tập cho hàng ngàn người.
Về sau lời Phật dạy-Tam tạng được ghi bằng chữ, việc hùn phước để sao chép, san khắc, in ấn, lưu trữ, phát hành gọi chung là cúng dường Pháp. Việc chung tay xây chùa, tạo tượng gọi là cúng dường Phật. Việc hỗ trợ chư Tăng có đời sống, sức khỏe ổn định để tu học và hoằng pháp gọi là cúng dường Tăng. Phát tâm bố thí cúng dường hộ trì Tam bảo là tâm nguyện của người đệ tử Phật và truyền thống tốt đẹp ấy được duy trì cho đến ngày nay.
Phạm vi bố thí rất rộng, gồm tài thí (vật chất, tiền bạc), pháp thí (lan tỏa giáo pháp), vô úy thí (mang đến bình an). Những nghiệp nhân thiện lành này sẽ mang đến phước quả tốt đẹp. Tuy nhiên, đây chưa phải là pháp bố thí cúng dường cao cả nhất. Trước lúc Niết-bàn, Đức Phật có di huấn “Người nào biết lãnh thọ và thực hành đúng Chánh pháp, mới là người cúng dường Như Lai”. Nghe hiểu rồi lãnh thọ và thực hành theo Chánh pháp mới là pháp cúng dường cao tột. Ngài xác quyết “Hoa vàng như bánh xe/Chưa phải cúng dường Phật/Ấm, giới, nhập vô ngã/Là cúng dường bậc nhất”(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành).
Như vậy, bố thí cúng dường là hạnh tu thí xả với nhiều cấp độ khác nhau. Từ duyên lành biết yêu thương san sẻ hướng đến hiểu và thực hành Chánh pháp. Từ nhân duyên thí xả những vật bên ngoài (được quả phước hữu lậu), người thí dần hướng đến buông xả chấp thủ bên trong (thành tựu giác ngộ, giải thoát). Bố thí cúng dường mà xóa nhòa tự ngã nên gọi bố thí ba-la-mật.
Do chưa hiểu về các cấp độ của hạnh tu bố thí cúng dường nên người ta mới bàn tán, tranh luận, thậm chí còn phỉ báng. Bản chất của bố thí là cho người mà chính là cho mình. Người chưa từng bố thí bát cơm, manh áo cho người nghèo hay cúng dường cành hoa, giọt dầu, viên gạch… cho Tam bảo thì khó có đủ nhân duyên để hiểu và thực hành Chánh pháp nhằm thành tựu hạnh phúc, an vui.
Chúc bạn tinh tấn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự