Những năm gần đây, Phật giáo Việt Nam khá phát triển về học thuật nhưng hoạt động phản biện lại yên ắng, tạo điều kiện cho những suy luận chủ quan, thuyết giảng tùy tiện có cơ hội phát triển. Tôi mong rằng Phật giáo Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động này để gìn giữ sự trong sáng của Chánh pháp. Mong được quý Báo chia sẻ thêm. (TÂM MINH, nguyenminht…@gmail.com)
Bạn Tâm Minh thân mến!
Tam tạng Kinh-Luật-Luận Phật giáo chính là nền tảng cho mọi luận thuyết Phật học. Thời Đức Phật tại thế, mỗi người tùy căn cơ mà được Ngài trao truyền hay lựa chọn một pháp hành chuyên sâu phù hợp. Tuy có sự khác biệt về phương pháp tu tập nhưng nguyên lý giác ngộ, thành tựu giới định tuệ - giải thoát vẫn là một, duy nhất. Pháp hành như nước của trăm sông, khi nhập vào biển cả thì chỉ thuần nhất một vị mặn, vị giải thoát. “Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”. (Kinh Tăng chi bộ, chương Tám pháp, phẩm Lớn).
Đức Phật đã đặt nền móng Chánh pháp là Bát chánh đạo (nói rộng là 37 phẩm trợ đạo), cốt tủy là Tam vô lậu học (giới, định, tuệ) và Tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã), ba khuôn dấu ấn chứng Chánh pháp. Vị giải thoát trong biển lớn Phật pháp mênh mông do trăm sông xuôi về chắc chắn phải có Tam vô lậu học và Tam pháp ấn.
Đối với pháp học, giáo pháp thật bao la, sở học thì giới hạn, trí nhớ thi thoảng chập chờn. Thời Thế Tôn cũng có nhiều vị nhận thức chưa đúng Chánh pháp. Chính Ngài đã cho gọi đương sự đến trình bày và tái xác lập quan điểm Chánh pháp trước hội chúng. Các luận sư đời sau viết luận cũng không ngoài mục tiêu phá tà, hiển chánh. Cảnh giới chứng ngộ mà Đức Phật và các bậc thầy nói ra trong kinh luận chỉ là “ngón tay” chứ không phải “mặt trăng”, là cái bóng của sự thật chứ không phải sự thật. Nên “y kinh diễn nghĩa là oan cho chư Phật trong ba đời” chính là ý này. Vì thế, pháp học cần kinh nghiệm của pháp hành soi rọi, kiểm chứng mới xác thực được chân nghĩa của Chánh pháp.
Về pháp hành cũng vậy, khi chưa thành tựu đạo quả A-la-hán thì hành giả chỉ mới chạm đến một hay nhiều phần của sự thật. Nếu chưa giác ngộ hoàn toàn mà vội cho rằng những gì mình chứng biết là toàn bộ chân lý thì chỉ là “người mù sờ voi” (Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết, chương 6, phẩm Sinh ra đã mù). Đức Phật đã tiên liệu được việc này nên hành giả không chủ quan khi còn bóng dáng của tự ngã.
Nói như thế để biết được rằng tu học đúng Chánh pháp là điều không dễ dàng nên sự phản biện, biện chính Phật học là một trong những hoạt động hoằng pháp cực kỳ quan trọng. Ở bất cứ không gian và hoàn cảnh tu học nào, từ quá khứ cho đến hiện tại và vị lai đều cần phản biện Phật học để định vị nhận thức và thực hành đúng Chánh pháp. Sự trầm lắng của phản biện Phật học là một trong những nguyên nhân dẫn đến lệch lạc của một số người hoằng pháp hiện nay. Nếu có phản biện mạnh mẽ và kịp thời lúc mới manh nha thì cá nhân cũng như đạo pháp bớt hệ lụy và ảnh hưởng.
Phật giáo đã có Kinh-Luật-Luận, Giáo hội đã có ban ngành chuyên môn (Viện Nghiên cứu Phật học) và đội ngũ nhân sự tri thức cao về Phật học. Đây là điều kiện cần cho hoạt động phản biện. Ai cũng biết tinh thần “kiến hòa đồng giải” là một trong những trọng pháp của người tu hành. Theo kinh Tăng nhất A-hàm, kiến hòa đồng giải là chánh kiến của bậc Hiền Thánh để chứng đạt chân lý.
Vậy thì, đâu là điều kiện đủ để cho hoạt động phản biện Phật học phát triển? Đó là hoài bão thiết tha giữ gìn sự đúng đắn của Chánh pháp; là tâm nguyện dõng mãnh vô úy, không ngại, thậm chí phải xả thân để bảo vệ Chánh pháp. “Mũ ni che tai”, ngại sợ đụng chạm mất lòng với những diễn giảng sai lạc Chánh pháp là có lỗi với Tam bảo. Không nêu cao tinh thần kiến hòa đồng giải để rồi mạnh ai nấy giải là căn nguyên dẫn đến hoang mang và bất hòa.
Phật pháp là một cỗ máy, pháp môn là các bộ phận, khác biệt để tạo nên thống nhất. Cứu cánh là vị mặn của biển lớn, pháp môn là những dòng sông. Kiến hòa đồng giải không nhằm mục đích loại trừ mà trợ duyên cho người sai thấy đúng con đường giác ngộ, chánh kiến, để cùng nhau ra biển lớn.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự