Không dễ tái sinh làm người

Thứ năm - 15/08/2024 23:18
Chúng sanh trong ba cõi, theo tuệ giác của Thế Tôn thì vô lượng vô biên, hằng hà sa số. Con người hiện hữu trên cõi đời cũng rất nhiều nhưng so với chúng sanh trong ba cõi thì chẳng đáng là bao, giống như chút đất trên đầu móng tay sánh với đất trên địa cầu.
Không dễ tái sinh làm người

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Sau chuyến du hành, rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và nói với các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, các ông nghĩ thế nào? Cái gì là nhiều hơn, chút đất này Ta lấy trên đầu móng tay hay quả đất lớn này?

Bạch Thế Tôn, nhiều hơn là quả đất lớn này và ít hơn là chút đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay. Không thể đi đến ước tính, không thể đi đến so sánh quả đất lớn với chút đất mà Thế Tôn đã lấy trên đầu móng tay.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, rất ít là chúng sanh được tái sanh làm người. Còn rất nhiều là chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài người.

Do vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần phải học tập như sau : “Chúng tôi sẽ sống không phóng dật”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 9, phần Đầu ngón tay, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.460)

 

 

Lời bàn:

Chúng sanh trong ba cõi, theo tuệ giác của Thế Tôn thì vô lượng vô biên, hằng hà sa số. Con người hiện hữu trên cõi đời cũng rất nhiều nhưng so với chúng sanh trong ba cõi thì chẳng đáng là bao, giống như chút đất trên đầu móng tay sánh với đất trên địa cầu.

Sở dĩ có sự chênh lệch như trên là do điều kiện để một chúng sanh tái sanh vào loài người rất khó. Khó đến mức như có con rùa mù sống trong đại dương, 300 năm mới ngoi lên mặt nước một lần mà chui đầu vào lỗ thủng của một khúc cây lênh đênh trên biển. Do nghiệp lực nặng nề của chúng sanh nên đa phần bị sanh vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, may mắn lắm mới được sanh làm người.

Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, trong các loài chúng sanh thì loài người là tối thắng, ưu việt nhất vì hội đủ các điều kiện tu tập để hướng đến giải thoát và giác ngộ. Bởi lẽ, nếu sanh vào các cõi trời, do phước báo của họ quá đầy đủ, thọ dụng dục lạc quá sung mãn và vi diệu nên không có cơ hội quán chiếu để thấu rõ bản chất của sự khổ mà thú hướng giải thoát. Ngược lại, nếu sanh vào trong ba đường ác thì sự khổ đau quá lớn, liên tục không gián đoạn đồng thời thiếu nhận thức, luôn sống trong mụ mị, tối tăm nên cũng không thể nào tu tập được.

Chỉ có loài người, với phước báo trung dung, đầy đủ các phương diện khổ vui của cuộc sống nên dễ kinh nghiệm và thực chứng chân lý. Ngay cả Thế Tôn, kiếp sau cùng thành Phật cũng sanh vào cõi người. Vì thế, được sanh làm người là một phước báo lớn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận chân được giá trị của kiếp người để tận dụng cơ hội quý báu này mà nỗ lực tu học, hướng thiện. Đời người tuy dài nhưng tựu trung không đến ba vạn sáu ngàn ngày. Ngoài thời giờ dành cho việc mưu sinh, đáng tiếc phần lớn thời gian còn lại của con người chỉ quanh quẩn với toan tính, buồn vui, hơn thua và được mất…

Nhận thức rõ vấn đề được sanh làm người là khó, được gặp Phật pháp lại càng khó hơn nên người Phật tử vâng lời Phật dạy phải biết trân quý sự sống đồng thời tận dụng triệt để quỹ thời gian ít ỏi của đời người để tu học, nhằm hướng đến giải thoát và giác ngộ; hoặc chí ít cũng được tái sinh lại làm người, được gặp Chánh pháp để tiếp tục tu học.

Nguồn Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây