Khổ vui bắt nguồn từ thấy biết

Thứ ba - 01/10/2024 22:26
Thấy biết là phạm trù nhận thức của con người. Sự thấy biết rất đa dạng, nhiều cấp độ, có thể đúng hoặc sai; có thể đúng với chân lý quy ước nhưng chưa đúng với chân lý khách quan, tuyệt đối. Tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân để định hình nhận thức, cái thấy biết của mỗi người.
Khổ vui bắt nguồn từ thấy biết
Nếu nhận thức đúng sẽ hành động đúng và dẫn đến kết quả tích cực, an vui và ngược lại. Thấy biết đúng với chân lý quy ước đã khó, thấy biết đúng chân lý khách quan lại càng khó hơn. Đạo Phật chủ trương Chánh kiến nhằm thấy rõ tất cả những sự thật này.

Kinh Tăng nhất A-hàm (tập II, phẩm 29. Khổ lạc, kinh số 1) có nói đến bốn hạng người với cái thấy khác nhau đã làm nên tương lai khác biệt.

Hạng người trước khổ, sau vui

“Ở đây, có người sinh trong nhà ti tiện, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, hoặc sinh trong nhà tà đạo và các nhà bần khó khác, ăn mặc chẳng đủ. Người ấy sinh trong nhà kia nhưng không có tà kiến. Người ấy nhận thấy có bố thí, có người thọ, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v... lãnh thọ giáo pháp, cũng có quả báo thiện ác.

Nếu người ấy thấy có nhà rất giàu, đã biết là quả báo do bố thí, quả báo không buông lung ngày xưa. Nếu người ấy thấy người nhà không cơm áo, biết những người này không bố thí, hằng gặp bần tiện. ‘Nay tôi lại gặp bần tiện không có cơm áo, đều do ngày trước không tạo phước, hoặc người đời hành pháp buông lung. Do quả báo ác hạnh này, nay gặp bần tiện, ăn mặc chẳng đủ’. Nếu người ấy lại thấy Sa-môn, Bà-la-môn, tu pháp lành, liền đến sám hối, sửa đổi việc làm cũ; nếu lại có dư dả, đem chia đều cho người. Người ấy thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi lành. Nếu sinh trong loài người thì người ấy lắm tiền nhiều của, không thiếu thốn. Đó là người trước khổ, sau vui”.

Hạng người này dù hoàn cảnh xuất thân có khó khăn nhưng nhờ có chút thiện căn nên vẫn thấy ra quy luật nhân quả. Nhân lành của bố thí và sẻ chia trong quá khứ sẽ hình thành nên sự đủ đầy ở hiện tại. Không bố thí và buông lung (ăn xài hoang phí) là nguyên nhân của khó nghèo về sau. Nhờ thấy đúng về nhân quả nên nỗ lực tạo nhân lành, nhất là các hạnh như sám hối, sửa sai và chia sẻ. Nhân quả luôn rõ ràng, gieo trồng nhân tốt thì chắc chắn sẽ có ngày nên quả ngọt.

Hạng người trước vui, sau khổ

“Ở đây, có một người sinh trong nhà hào tộc, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc dòng Trưởng giả, hoặc con nhà dòng dõi, và các nhà phú quý, áo cơm đầy đủ. Nhưng người ấy hằng ôm tà kiến. Người ấy có cái thấy thế này: không có bố thí, không có người thọ, cũng không quả báo đời này, đời sau, cũng không cha mẹ, không có A-la-hán, cũng không có người đắc chứng, cũng không có người có quả báo thiện ác. Người ấy có tà kiến này.

Nếu người ấy thấy người phú quý liền nghĩ: Người này tiền của từ lâu, đàn ông đã từ lâu làm đàn ông, đàn đã từ lâu làm đàn , súc sinh từ lâu làm súc sinh’. Người ấy không ưa bố thí, không giữ giới luật. Nếu người ấy thấy Sa-môn, Bà-la-môn phụng trì giới liền nổi giận: ‘Người này hư dối, sẽ có phước báo cảm ứng ở đâu?’. Người ấy thân hoại mạng chung sẽ sinh trong địa ngục. Nếu được làm người sẽ sinh nhà bần cùng, không đủ áo cơm, thân thể lõa lồ, ăn mặc không đủ. Đó là người trước vui, sau khổ”.

Do nhân lành trong những đời quá khứ nên hạng người này hưởng quả phước được sinh ra trong gia đình khá giả. Chỉ vì nhận thức không đúng, chấp giữ tà kiến sai lạc, dẫn đến không tin nhân quả tội phước, phủ nhận có đời sau, không thực hành bố thí, phỉ báng người tu hành gìn giữ các giá trị đạo đức. Vì tà kiến chi phối nên thường làm những điều xấu ác, sai trái, tổn giảm phước đức. Do gây tạo nhân xấu nên người này sa vào đường ác, chịu quả khổ đau.

Hạng người trước khổ, sau khổ

“Ở đây, có người sinh nhà bần tiện, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, và các nhà hạ liệt, không đủ cơm áo. Người ấy sinh trong nhà kia. Sau người ấy ôm tà kiến. Người ấy có kiến chấp này: không có bố thí, không có người thọ, cũng không có quả báo thiện ác đời này, đời sau; cũng không có cha mẹ, không có A-la-hán’. Người ấy không ưa bố thí, không giữ giới luật.

 

Nếu người ấy lại thấy Sa-môn, Bà-la-môn thì liền nổi giận đối với bậc Hiền Thánh. Người ấy thấy người nghèo cho là đã thế từ lâu, thấy người giàu cho là đã thế từ lâu, thấy cha xưa đã là cha; thấy mẹ xưa đã là mẹ. Khi thân hoại mạng chung, người ấy đọa sinh trong địa ngục. Nếu sinh người ấy làm người thì hết sức bần tiện, áo cơm chẳng đủ. Đó là người trước khổ, sau khổ”.

Hạng người này Đức Phật từng ví rằng như người sinh ra trong bóng tối rồi lại đi vào bóng tối. Đã thiếu phước chịu phận nghèo hèn mà còn thêm tà kiến sâu dày thì chỉ có khổ đau triền miên. Sự thật là đói nghèo chưa phải là con đường cùng. Không thấy ánh sáng, chẳng tìm được lối ra mới là tuyệt lộ. Chẳng ai có thể cứu giúp được hạng người này trừ khi họ biết hồi tâm, thức tỉnh, quay đầu.

Hạng người trước vui, sau vui

“Ở đây, có người sinh nhà phú quý, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc dòng Phạm chí, hoặc dòng Quốc vương, hoặc sinh dòng trưởng giả sinh trong các nhà nhiều tiền lắm của. Chỗ sinh không bị thiếu thốn. Sau, người ấy lại có chánh kiến, không có tà kiến. Người ấy có chánh kiến như thế này: ‘Có bố thí, có người thọ, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, cũng có quả báo thiện ác, có cha, có mẹ, có A-la-hán’.

Người ấy nếu lại thấy người thuộc nhà phú quý, lắm tiền, nhiều của, liền nghĩ: ‘Người này do ngày xưa bố thí mà được’. Nếu lại thấy nhà bần tiện: ‘Người này do ngày xưa chẳng bố thí’. Vậy nay ta có thể tùy thời bố thí, chẳng để sau sinh trong nhà bần tiện. Vì thế người ấy thường ưa bố thí cho người. Người ấy nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn, đạo sĩ liền tùy thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bịnh, đều bố thí cho. Khi mạng chung người ấy sẽ sinh lên Trời, chỗ lành. Nếu sinh trong loài Người thì người ấy sẽ vào nhà phú quý, lắm tiền nhiều của. Đó là người trước vui, sau vui”.

Hạng người này phước đức sâu dày; sang giàu, quyền thế mà trí tuệ sáng suốt, tin sâu nhân quả, kính trọng hiền thánh. Tự thân họ thấy rõ, những gì có được ngày hôm nay là do nhân lành nơi quá khứ, nhiều đời trước. Họ lại tiếp tục vun bồi căn lành để đời sau càng tốt đẹp hơn. Nhất là cung kính các bậc đáng kính, tán dương và hỗ trợ những người tu hành thực hành và truyền dạy đạo đức. Phước đức của hạng người này càng ngày càng to lớn nên hiện tại và mai sau mãi được an vui.

Lời Đức Phật dạy cho thấy chánh kiến có vai trò rất quan trọng. Nhận thức đúng để hành động đúng và thành tựu những điều tốt đẹp. Đức Phật luôn đề cao sự thấy biết đúng đắn, tin hiểu sâu sắc về nhân quả. Ngài không dạy chúng ta cầu xin những sự ban ơn mà “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Hãy tự mình nương tựa hải đảo chính mình”. Mỗi người đều thừa kế di sản nghiệp lực của chính mình nên cần tự chuyển hóa để xây dựng đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.

“Như Lai là bậc Thầy chỉ đường”, Ngài đã chỉ ra con đường kiến tạo nghiệp mới thiện lành rất rõ ràng. Tin sâu nhân quả thiện ác mà tránh xa việc xấu, thấy rõ phước báo bố thí rồi theo khả năng mà gieo trồng, thực hành đạo đức trong đời sống hàng ngày, hiếu kính cha mẹ, nương tựa các bậc tu hành chân chính để tu tập… Những ai thực hành theo lời dạy của Ngài thì chắc chắn sẽ kiến tạo được một tương lai hạnh phúc, an lành. Nếu hiện tại còn nhiều khó khăn thì nương vào hạng người “trước khổ, sau vui” để phấn đấu. Còn những ai hiện tại đã an lành thì hãy học theo hạnh của hạng người “trước vui, sau vui” để phát triển ổn định lâu dài.

Nguồn Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây