Người nói nhiều có năm nguy hại

Thứ hai - 05/12/2022 02:22
Người nói nhiều quá chắc chắn sẽ rơi vào lầm lỗi và phải gánh chịu năm sự nguy hại: nói láo; nói hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Người nói nhiều có năm nguy hại

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Venuvana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại cho người nói nhiều. Thế nào là năm?

Nói láo; nói hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho kẻ nói nhiều.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người nói vừa phải. Thế nào là năm?

Không nói láo; không nói hai lưỡi; không nói lời độc ác; không nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người nói vừa phải.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Mắng nhiếc, phần Người nói nhiều, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.718).

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống, ngôn ngữ là một phương tiện đặc thù nhằm trao đổi thông tin, biểu đạt tình cảm, giúp con người hiểu biết và thương yêu. Tuy vậy, ngôn ngữ cũng có mặt trái của nó, nếu không khéo sử dụng thì có thể đem đến tai họa, chia rẽ, thù hận và đọa lạc.

Kinh nghiệm cuộc sống đã cho thấy rằng hiểm họa phát xuất từ lời nói (họa tùng khẩu xuất) thật khó lường. Một lời nói khi đã phát ra thì khó thu về, tác dụng nhanh đến nỗi xe tứ mã cũng không đuổi kịp (nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy). Vì thế, trước khi nói phải “uốn lưỡi bảy lần”. Nói cách khác, phải có chánh niệm trong lời nói.

Đối với người nói nhiều, huyên thuyên bất tận thì dễ dàng bị sơ suất, sai sót. Nói dài, nói dai… cuối cùng là nói dại bởi nói nhiều thì lỗi nhiều (đa ngôn đa quá). Người nói nhiều quá chắc chắn sẽ rơi vào lầm lỗi và phải gánh chịu năm sự nguy hại: nói láo; nói hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Người biết nói vừa phải, chừng mực mới có thể tránh được lỗi lầm. Nói vừa phải là nói đúng người, đúng lời, đúng việc, đúng lúc và đúng nơi.

Ý thức rất rõ về tâm trạng và lời nói của mình trước khi nói để “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là chìa khoá để thực hành ái ngữ. Tu tập hạnh nói vừa phải cố nhiên là nên nói ít mà nghe nhiều. Nghe để hiểu, hiểu rồi thì dễ dàng nói lời chân thật, hòa giải, xây dựng, tha thứ và yêu thương.

Nhận chân được năm lợi ích của việc nói lời vừa phải, người con Phật thực tập nói năng trong chánh niệm, ý thức và sáng suốt. Lời nói phát ra dưới sự soi sáng của chánh niệm sẽ là hoa trái làm thơm mát cuộc đời. Vì thế, trong cuộc sống mỗi người con Phật luôn thực hành “im lặng và nói năng như Chánh pháp”.

Theo Nguoiphattu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây