Khi con ve sầu bắt đầu gọi hạ, khi cái nắng mùa hè trở nên oi ả, cũng là lúc những bước chân trần của trẻ em vùng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai len lỏi từng bước chân vượt hơn 10 km đường rừng, như làng Tà Ròn, Blo, H’lú, Mung, làng Koai hay được chở đến bằng những chiếc xe công nông từ những ngôi làng cách xa 17km như làng Rang qui hội về dưới mái đạo tràng tịnh xá Phú Cường thuộc xã Ia-Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai do TT.Giác Duyên trú trì để tham gia khóa tu mùa hè lần thứ 4.
Dù vượt chặng đường xa xôi như vậy nhưng trên môi các em vẫn luôn giữ nụ cười tươi thắm,vẫn giữ đúng nội qui tu học do BTC đề ra.
Khác với những khóa tu đang diễn ra trên mọi miền đất nước trong dịp hè, nơi Tây Nguyên xa xôi này các tu sinh chưa hề có những bộ đồ lam trang nghiêm, chưa biết ăn cơm trong chính niệm, chưa biết ngồi Thiền sao cho thẳng lưng, chưa biết chắp tay búp sen sao cho thật đẹp.
Nhưng khi qui tụ về tham dự khóa tu, các em được sống trong tình yêu thương hướng dẫn của các anh chị em GĐPT, từ những bạn trẻ đã có duyên tham gia nhiều khóa tu trước.
Được TT.Thích Quảng Châu - Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Gia Lai đến chứng minh khai mạc khóa tu và đã có những lời tán thán công đức Thượng tọa trú trì dù cơ sở hạ tầng còn đang thiếu thốn vẫn cố gắng tổ chức những khóa tu nhằm giúp các em hiểu sâu hơn lời Phật dạy. Nhằm trợ duyên cho các em có nơi sinh hoạt trong những ngày nghĩ hè. Khen ngợi các em đã vượt rừng lội suối đến khóa tu với tâm cầu học.
Được ĐĐ.Thích Giác Phổ - Phó Ban Thường trực Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Đắk Lắk đến chia sẻ những đề tài gần gũi trong bài (tình bạn theo lời Phật dạy) nhằm giúp các em nhận thức những bạn bè chung quanh từ học đường đến nơi làng bản, chọn lựa những bạn bè luôn giúp đỡ sẻ chia trong việc thiện lành tránh xa quấy ác, tránh bạn bè rủ rê chơi game, uống rượu (vì tập tục nơi vùng sâu vùng xa trẻ em cũng đã biết uống rượu) uống rượu dễ sinh nóng giận gây gổ, đánh mất trí tuệ.không chơi game để tiết kiệm tiền bạc dành cho việc học tập, chơi game khi thiếu tiền có thể trở thành kẻ trộm cắp...
Lại được các chú công an huyện Chư Sê đến chia sẻ về những tệ nạn xã hội như tai nạn giao thông, trộm cắp giết người, nghiện ngập. Nhằm giúp các em nhận thức việc làm như khi tham gia giao thông,tránh xa nhưng tệ nạn đang lên lỏi tận vùng sâu vùng xa khi các em còn thiếu kiến thức để phòng vệ…
Mặc dù đang trong mùa An cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang nhưng Sư Giác Minh Tôn đã đến với khóa tu bằng những bài giảng gần gũi nhằm giúp các em biết yêu thương chính bản thân mình, là đang yêu thương cha mẹ, yêu thương mọi người, ngoài ra còn dạy từng oai nghi đi, đứng, nằm ngồi, cách lắng nghe, cách ăn cơm trong chính niệm, cách sinh hoạt trong sự hòa hợp, cách thiền hành đi cho vững chãi, nhận thức từng bước chân chạm đất trong tỉnh thức...
Ngoài ra các em còn được sinh hoạt lửa trại tay trong tay kết nối tình thân ái không phân biệt chủng tộc màu da,cùng yêu chuộng hòa bình,cùng lấy ánh sáng trí tuệ đẩy lùi bóng tối.
Được cho đi giã ngoại tại thác Phú Cường giúp các em rèn luyện thân thể,rèn luyện tính tự chủ khi đi lạc một mình trong rừng, khi bị rơi xuống nước phải biết cách làm chủ bản thân...
Thương các em lắm! Đầu em không nón, mũ nên tóc vàng cháy, khô như cọng rơm dưới ánh mặt trời và tỏa màu nắng gió tự nhiên. Tuy nhiên, em rất thành kính, nghiêm trang khi được đưa vào điện Phật.. Nhìn em chắp tay trước ngực hoặc có em đưa búp sen tay lên quá đầu một cách cung kính và chắm chú ngước đôi mắt ngây ngô nhìn lên đức Phật như xin về nương tựa mà thương làm sao!
Thương các em lắm, nhất là lúc nhìn em rụt rè, cung kính đi vào Chính điện, chắp tay niệm Phật chưa rõ âm dấu… Em cần được gieo duyên với Phật Pháp, cần được hướng dẫn tu tập thường xuyên, ân cần như cô giáo trẻ với học sinh mẫu giáo vậy. Em cần chư tăng có duyên với núi rừng, bản làng, đến với em Gia Rai bằng tâm Bồ tát.Mong rằng một ngày không xa nữa em sẽ được tắm trong dòng sữa Pháp cho em được thay da đổi thịt một cách trang nghiêm, thanh tịnh.
Quả thật những khóa tu mùa hè mang lại thật nhiều điều bổ ích cho thanh thiếu niên trong thời đại thông tin với nhiều bất trắc, với nhiều tệ nạn xã hội, lại càng bổ ích hơn khi trẻ em vùng sâu vùng xa được sự chở che, chỉ dạy tận tình của những tấm lòng vì thế hệ tương lai, đã không quản ngại khó khăn mà mang kiến thức Phật pháp đến với nơi còn thiếu ánh sáng từ bi-trí tuệ, thiếu kiến thức xã hội như vùng Tây Nguyên xa xôi này.