Hà Nội hướng về miền Trung

Thứ hai - 19/10/2009 08:21
Đó là chủ đề của chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong cơn bão số 9 vừa qua của chùa Phổ Linh – quận Tây Hồ, cùng các Ni sư trụ trì các tự viện trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Chuyến đi được khởi hành vào chiều ngày 12 và kết thúc vào ngày 17 tháng 10 năm 2009.

Ngay sau khi nhận được tin bão khẩn  cấp đã tàn phá nặng nề các tỉnh  miền Trung – Tây Nguyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, sư Thầy trụ trì chùa Phổ Linh đã lập tức nghĩ đến việc phải cứu trợ khẩn cấp đồng bào các tỉnh miền Trung.

Qua thông tin từ các báo, đài cho thấy, cứ sau mỗi lần tan cơn lũ thì người dân ngoài việc phải khắc phục hậu quả do bão lụt đã đành lại còn phải vật lộn, chống chọi với “cơn bão giá”, bởi các nhu yếu phẩm cần thiết như rau xanh, gạo, mỳ ăn liền thường tăng nhanh với giá trên trời. Bà con vùng quê nghèo hàng ngày phải lo cái ăn, cái mặc đã là khó giờ lại khổ vì giá cả tăng chóng mặt...

Nhận thấy tình hình trên là cấp thiết ngoài số tiền mặt là sư Thầy trụ trì liền vận động các chùa trong thành phố quyên góp các nhu yếu phẩm cần thiết như mỳ ăn liền, gạo, quần áo....sách vở cho các em học sinh vùng rốn lũ. 

Tính đến hết ngày 12 tháng 10,  ngoài tiền mặt và 3350 thùng mỳ, 3, 5 tấn gạo, sách giáo khoa, kem đánh răng, xà phòng thơm và rất nhiều quần áo mới có, cũ có  đã được tập kết tại chùa chờ ngày lên đường.

Địa điểm đoàn đến đầu tiên là các thôn thuộc xã Đăk Tlùng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kontun. Cũng như ở xã Bình Minh, tỉnh Quảng Ngãi dù nước đã rút được nhiều ngày nhưng những gì mà trận lụt lịch sử để lại vẫn hằn vết nâu đỏ trên bờ tường những ngôi nhà mà chủ nhân chưa kịp xả nước rửa. Đây đó trên những nhánh cây từng bụi rác bị mắc kẹt lại khi nước rút chưa kịp rơi xuống phất phơ trước gió.

Nhìn chiếc cầu bê tông Đak Toa kiên cố được xây dựng với kinh phí 14 tỷ đồng bị lũ cuốn phăng chỉ còn trơ lại hai trụ cầu không ai bảo ai mọi người trong đoàn đều lắc đầu trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên, và xót xa cho hiểm họa chặt cây phá rừng khi ngổn ngang các khúc gỗ, cây rừng bị đánh dạt mắc cạn dọc theo triền suối.

Khi đoàn đến xã Bình Minh thuộc tỉnh Quảng Ngãi dù trời mưa nhưng hàng nghìn bà con thuộc các thôn Tăng Phước, Mỹ Lam, Lộc Thanh, Đức An....vẫn đội mưa chờ đoàn. Nhìn cảnh phát quà trong màn mưa lạnh không ai là không mủi lòng và thấy thương quá cho bà con. Có cụ già khi nhận quà đã khóc nấc khiến mọi người hiểu rằng bà con nơi đây đã phải chịu đựng như thế nào khi chính trụ sở Uỷ ban xã cũng bị tốc mái, mưa dột ướt hết mọi nơi.

Có lẽ ấn tượng nhất đối với mọi người trong đoàn đi là cảnh xe bị “sa lầy” khi qua cầu Đăk Toa, vì cầu yếu nên xe chở hàng cứu trợ  phải đi qua suối Đăk Sét.

Trên gương mặt mọi người ai nấy đều hiện lên nét lo lắng khi xe cứ tiến lên rồi lại lùi xuống hàng chục lần, cuối cùng đoàn phải nhờ sự cứu hộ từ một chiếc công nông để kéo lên. Hay cảnh toàn bộ các em học sinh ở trường học Đăk Tlùng ùa ra đẩy chiếc xe tải để xe kịp đến địa điểm phát quà là Uỷ ban xã.

Ông Nguyễn Đức Tâm – phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, hội trưởng hội chữ thập đỏ xúc động vô cùng khi nhận được sự quan tâm từ các Tăng – Ni Phật tử Hà Nội, đặc biệt khi nhìn thấy các Ni sư dù mái tóc đã điểm bạc nhưng vẫn lặn lội hàng nghìn km để vào đây chia sớt nỗi khó khăn cùng các đồng bào mình, anh em mình ông rưng rưng nước mắt cho biết trong những ngày qua đã có nhiều phái đoàn đã đến úy lạo bà con.

Không riêng gì người dân 6 thôn thuộc xã Đăk Tlùng, huyện Kon Rẫy – Kon Tun cảm động khi thấy những đồng bào cừ cực Bắc tổ quốc đã về đây chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này mà Hòa Thượng Thích Thiện Tánh – phó ban trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh gặp đoàn tại trụ sở ủy ban xã cũng cảm động  khi thấy các Ni sư dù tuổi đã cao, đường sá xa xôi cách trở như vậy mà vẫn xông pha sương tuyết.

Hòa Thượng nói: “chúng tôi ở thành phố Hồ Chí Minh vào đến đây đã là quý hóa mà các Ni sư từ tận ngoài Bắc cũng vào đến đây thì thật là vô lượng công đức”, được sự khích lệ của Hòa Thượng ai nấy đều cảm thấy hoan hỷ, mọi nỗi mệt nhọc, vất vả dường như tan biến. Điểm phát quà cuối cùng của đoàn là bà con thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng – Quảng Trị và xã Điền Môn, huyện Phong Điền - Huế.

Trải qua năm ngày trời ròng rã từ ngày 13 đến ngày 17, tháng 10, tổng giá trị tiền và quà mà đoàn đã phát trên 400 triệu đồng. Về đến Hà Nội trời đã rất khuya, dù mệt nhưng tất cả mọi người trong đoàn ai nấy đều vui vẻ và thấy thật ấm lòng khi cảm nhận sâu sắc triết lý nhân sinh “cho là nhận”.

 



















Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây