Quán niệm vô thường

Chủ nhật - 04/05/2014 07:30
Bản chất con người và thế giới, mọi sự vật hiện tượng là vô ngã (không tự thể, không chủ tể, do duyên sinh) nên vô thường, luôn ở trong tình trạng biến đổi.

 

Tuy nhiên, con người chỉ để ý, chỉ thấy những biến đổi lớn, những biến đổi tốt hoặc xấu, có lợi hoặc bất lợi (theo tâm ý của mình) chứ ít ai quan tâm, để ý đến những biến đổi nhỏ, vi tế. Do không nhận thức được quy luật vô thường nên khi những thay đổi lớn xảy ra trong đời, con người ta rất khó chấp nhận, dễ bị ‘sốc”, khủng hoảng, suy sụp tinh thần, đau khổ.  

Mấy ai có thể bình tâm, thản nhiên trước những biến cố, thay đổi trong cuộc đời, nhất là khi xảy ra những điều không mong muốn như đau ốm bệnh tật, hoạn nạn, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, mất người yêu, sự nghiệp, danh phận, địa vị v.v… Nhưng nếu người nào hiểu rõ quy luật vô thường, luôn ý thức được rằng không có gì trường cửu, vĩnh hằng, mọi thứ đều thay đổi, biến dịch, thì khi có biến cố xảy ra sẽ không rơi vào khủng hoảng.

Trong suốt một đời người chắc chắn không ai không gặp những biến cố vô thường, chỉ khác nhau là lớn hoặc nhỏ, nhiều hay ít vậy thôi. Vì thế việc nhận thức lẽ vô thường, có sự chuẩn bị tâm lý, quán chiếu sâu sắc là hết sức cần thiết, để khi vô thường xảy đến chúng ta có được sự bình tâm, tỉnh trí, hạn chế hoặc tránh được những khổ não, bất an. 

Có người sống đến gần hết cuộc đời vẫn không nhận thức được lẽ vô thường. Tôi đi thăm bệnh người bà con ở bệnh viện, nghe một bà già bảo với bác sĩ đang điều trị bệnh cho bà rằng: “Sao tôi ngồi xuống đứng lên khó quá? Lúc trước đâu có như vầy, đang ngồi muốn đứng dậy là đứng ngay, không cần phải lấy tay chống, đâu khó khăn chậm chạp như bây giờ”. Bác sĩ không vội đáp lời bà mà hỏi: “Lúc đó bà bao nhiêu tuổi?” Bà bảo: “Lúc mấy đứa con tôi còn nhỏ”. Bác sĩ hỏi: “Vậy bây giờ con bà bao nhiêu tuổi?”. “Bây giờ con tôi có gia đình cả rồi. Đứa út cũng gần 40”.  Ông bác sĩ cười nói: “Bây giờ bà đã 71 tuổi, lại mang bệnh, đâu còn như hồi trẻ nữa”.

Còn ông bạn vong niên của tôi năm nay 69 tuổi bảo với người nhà rằng ông muốn đẩy xe cây kiểng đi bán dạo. Nghe ông nói ai cũng lắc đầu can ngăn. Ông bạn già của tôi điếc nặng lại bị cao huyết áp, trước đây suýt tai biến nhưng vẫn không để ý đến sức khỏe của mình, không hay mình đã già và cơ thể như cái máy cũ sắp đến hồi rệu rã. Ông nói với tôi: “Hồi mới giải phóng (sau năm 1975) tôi đạp xích-lô ngày đêm không biết mệt. Lúc đó nhà nghèo, phải nỗ lực làm kiếm tiền để nuôi gia đình…”. Mỗi ngày ông vẫn giữ thói quen cũ, uống cà-phê hai cữ sáng và tối, uống một lon bia trong lúc ăn cơm. Dù bác sĩ khuyên ông không nên uống bia rượu và cà-phê, nhưng ông không nghe.

Già rồi mà cứ tưởng mình còn trẻ thì thật nguy hại! Chỉ sau năm bảy năm thôi là mình đã không còn là mình nữa chứ nói chi đến mấy mươi năm. Trên thực tế thì con người thay đổi từng giây từng phút, từng tích tắc, sát-na, đến vài năm, vài mươi năm thì đã có thay đổi lớn rồi: thay đổi về tuổi tác, thể chất, tâm lý, tình cảm, đạo đức quan niệm, lối sống…  Sau một thời gian trôi qua thì trẻ con trưởng thành, người lớn trở thành ông già, người già trở nên người đau, kẻ còn người mất v.v… Người sống trong điều kiện, hoàn cảnh tốt ít để ý đến vô thường, đến khi biến cố lớn xảy ra thì rơi vào khủng hoảng, không chấp nhận được, bất mãn, khổ não.

Người ta thường hay nói quỷ vô thường chỉ đến khi chúng ta sắp lìa khỏi cõi đời này, nhưng kỳ thực quỷ vô thường luôn có mặt ở mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ khi con người sắp chết. Sự thật quỷ vô thường chỉ là hình tượng hóa của quy luật vô thường, một quy luật chi phối cả thế gian này.

Thật ra không phải vô thường làm cho chúng ta khổ, mà nguyên do là vì không thấy vô thường nên mới khổ, vì tham ái, chấp thủ, không chấp nhận vô thường nên chúng ta khổ khi vô thường xảy ra.

Vô thường luôn diễn ra không hề gián đoạn nhưng chúng ta không nhìn thấy. Chỉ khi nó cướp mất những gì chúng ta yêu thích, muốn nắm giữ, muốn trường tồn với ta thì ta mới thấy. Chúng ta nói vô thường cướp lấy người yêu, sức khỏe, tiền tài, của cải, danh vọng… của chúng ta, nhưng thật ra vô thường chẳng lấy gì của chúng ta cả, vì vô thường vốn là bản chất, là đặc tính của những thứ đó, chỉ tại ta không thấy, không biết mà thôi.

Bản chất của con người là vô ngã, do duyên sinh không thực thể, không chủ tể, vì thế nên con người vô thường. Những thứ khác cũng thế, tài sản của cải, địa vị, tiếng tăm, tình yêu, sự nghiệp cũng mang đặc tính vô thường bởi bản chất là vô ngã. Chúng do duyên sinh nên tùy duyên mà thay đổi, biến dị như thế này hay như thế khác, vắng mặt ở chỗ này và xuất hiện ở chỗ khác. Chúng ta thấy chúng có đó rồi mất đó chứ kỳ thực chúng không thật có (chỉ tạm hiện hữu trong một thời gian) và cũng chẳng mất hẳn, chúng chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ hình thái này sang hình thái khác. Ví dụ cái nhà hiện tại là của mình, nhưng sau mấy chục năm nữa là của con cháu mình hoặc của người khác; lúc đó cũng có thể nó trở thành công ty, văn phòng, cửa hàng, quán ăn…chứ không còn là nhà ở. Trong điều kiện, trong hoàn cảnh này với những nhân, những duyên như vậy, như vậy thì nó có mặt như thế, như thế; khi điều kiện, hoàn cảnh đổi khác, nhân duyên thay đổi thì nó cũng thay đổi, không còn như tình trạng ban đầu.

Thật ra nếu không có vô thường thì không có cuộc sống, không có thế giới, không có con người, không có lịch sử. Thế giới con người, đời sống con người có được như ngày nay là nhờ vô thường. Lịch sử đã trải qua biết bao biến đổi, nếu không có biến đổi thì không có đời sống, không có những hoạt động của đời sống, thế giới không có sự vận động, chuyển biến. Điều này ai cũng thấy, ai cũng hiểu nhưng lại cứ sợ vô thường, đó là vì tham ái và chấp thủ.

Ngày xưa có một vị vua trong lúc ngắm nhìn giang sơn cẩm tú đã bật khóc. Vị đại thần đứng bên cạnh hỏi nguyên do, vị vua này trả lời: “Ta khóc vì không thể sống mãi để hưởng vinh hoa phú quý, để giữ cơ nghiệp của mình đến thiên thu vạn đại, và để có cơ hội ngắm nhìn non sông gấm vóc xinh đẹp của mình”. Vị đại thần nghe vua nói thế, bật cười: “Bệ hạ thử nghĩ xem, nếu ai cũng sống hoài không chết thì làm gì bệ hạ và hạ thần có được địa vị như ngày nay. Sở dĩ hôm nay bệ hạ có được ngôi vua là nhờ tiên đế thuận theo lẽ vô thường sinh tử. Nếu tiên đế sống cho đến hôm nay thì làm gì bệ hạ có cơ hội làm vua chứ”.

Con người phải già, phải chết mới có đất cho các thế hệ sau ở; mới có thực phẩm, tài nguyên cho con cháu sử dụng. Nếu con người không già không chết thì các thế hệ sau lấy đất đâu mà ở, việc đâu mà làm vì người trước đã nắm giữ hết; nguồn tài nguyên không đủ sử dụng.

Thế giới phải có vô thường mới thay đổi diện mạo. Con người phải có vô thường mới sinh ra, trưởng thành, mới lớn lên trở thành nhiều thành phần trong xã hội (kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo...), trở thành mẹ, cha, ông, bà trong gia đình v.v... Vì có vô thường mà có con người và thế giới ngày xưa, có con người và thế giới hôm nay, có con người và thế giới mai sau. Vì có vô thường, có sự biến đổi không ngừng mà muôn sự muôn vật trên thế gian thiên hình vạn trạng, hết sức đa dạng và phong phú.

Vì vô thường nên mới có sự trở thành, con người mới có cơ hội học tập, rèn luyện, tu hành để tiến bộ, phát triển nhận thức, tư duy, trí tuệ, tiến lên từ người ngu thành người trí, từ người xấu thành người tốt, người tầm thường thành người phi thường, từ phàm phu thành thánh nhân, Phật.

Vô thường là một quy luật trong thế giới duyên sinh, vô ngã, vì thế không thể trốn chạy vô thường. Muốn vượt qua những niềm đau nỗi khổ mà chúng ta cho là do vô thường đem đến (già, bệnh, chết, mất mát tình yêu, sự nghiệp, danh tiếng, người thân…), không gì hơn nhận thức rõ về nó và tính vô ngã của vạn sự vạn vật, bớt bám víu, chấp thủ, bớt tham ái. Đó là tâm lý, nhận thức cần thiết. Còn hoạt động đời sống, cần sống thuận theo quy luật duyên sinh, nhân quả, chọn những nhân duyên lành mà gieo để gặt hái được những quả báo tốt đẹp trong đời sống, để đón nhận sự vô thường (những thay đổi, chuyển biến) xảy đến theo chiều hướng tích cực cho mình.

Tác giả bài viết: Thiện Tài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây