Văn hoá Phật giáo phải tự khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội

Thứ năm - 03/12/2009 21:07
Khóa Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động Văn hóa Phật giáo lần đầu tiên tổ chức tại Nha Trang – Khánh Hòa là một bước ngoặc lớn trong quá trình hoạt động của ngành Văn hoá Phật giáo kể từ khi thành lập GHPGVN.

Khoá Hội thảo này chắc chắn sẽ là một diễn đàn cho các nhà làm công tác Văn hóa Phật giáo. Trong đó, vai trò và chức năng của VHPG sẽ là đề tài chính được đưa ra thảo luận. Chúng tôi đã gặp gỡ và ghi nhận những ý kiến của chư tôn đức làm công tác Văn hoá Phật giáo nhân khoá Hội thảo này.

* HT. Thích Trung Hậu - Trưởng ban Văn hoá Trung ương Giáo hội:

Nói đến VHPG là nói đến văn hóa dân tộc. Qua lịch sử cho thấy, VHPG đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình hình thành nền văn hóa dân tộc, từ thi ca, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc cho đến đạo đức, phong tục, tập quán... Điều này không gì phải bàn cãi nhiều trong việc thừa nhận sức sống và vai trò của VHPG trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

 

HT. Thích Trung Hậu - Trưởng ban Văn hoá Trung ương

Suốt quá trình hình thành và phát triển GHPGVN, ngành văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, tham mưu cho Giáo hội nhiều hoạt động liên quan đến VHPG. Do đó, nội dung của Khóa Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động VHPG xoay quanh chủ đề VHPG và dân tộc, đồng thời đưa ra các phương hướng bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể  của PG và liên quan.

Các đề tài Hội thảo và Bồi dưỡng kiến thức cho các hoạt động VHPG  được thiết lập trên cơ sở lý luận thực tiễn như: Âm nhạc truyền thống PGVN; Tổng quan về văn học PGVN. Mối tương quan giữa VHPG và văn hóa dân tộc; Tổng quan mỹ thuật kiến trúc, điêu khắc Phật giáo của ba miền Bắc - Trung - Nam; Các vấn đề về Văn hóa và Giáo dục Phật giáo; Kinh nghiệm bảo tồn Di sản văn hóa; Tìm hiểu Luật Di sản; Tìm hiểu về những ngôi chùa đã mất trong thời kỳ Pháp thuộc...

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị VHPG, trùng tu di tích chùa, tháp và các hoạt động VHPG khác. Ban tổ chức đã mời các vị giáo sư, học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, kiến trúc sư uy tín... tham gia thuyết trình trả lời chất vấn theo từng nội dung chuyên đề của Hội thảo - Bồi dưỡng về kiến thức VHPG.

* HT. Thích Chí Mãn - Trưởng ban Văn hoá THPG TP. Đà Nẵng:

Thế mạnh của ngành VHPG Việt Namlà tinh thần nhập thế, nói lên sự dung hợp giữa các nguồn văn hóa của mỗi dân tộc. Không ai có thể phủ nhận, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo truyền thống của dân tộc, có sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần của người Việt.

Do đó, truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, ngày nay không còn chung chung trừu tượng mà đã đi vào cuộc sống đời thường, cụ thể và thiết thực. Chúng ta phải nhìn nhận ở các tôn giáo trên thế giới đang có xu hướng nhập thế với biểu hiện tôn giáo tham gia ngày càng sâu vào đời sống xã hội.

Hơn bao giờ hết, Phật giáo là một tôn giáo sẽ biết tự điều chỉnh để thích ứng với xã hội Việt Nam và nhân loại trước những cơ hội và thách thức đương đại.

Có thể nói, Tuần Văn hoá Phật giáo là sự nỗ lực của Ban Văn hoá TƯGH kết hợp với  BTS THPG Khánh Hoà tổ chức, nhằm giới thiệu những nét đẹp Văn hoá Phật giáo đến với cộng đồng. Tuần Văn hoá Phật Giáo diễn ra ở Nha Trang sẽ tạo ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu có một Tuần Văn hoá Phật Giáo, và có thể diễn ra tại Đà Nẵng trong tương lai.

Đà Nẵng là giao điểm PG của hai khu vực Huế và Quảng Nam, nơi đây, có nhiều di tích cũng như nhân vật PG. Là người hoạt động Văn hoá, chúng tôi hy vọng Ban Văn hoá TƯGH hướng đến thành phố biển Đà Nẵng, có kế hoạch tổ chức những sinh hoạt Văn hoá tương tự tại thành phố này, qua đó giúp người dân hiểu sâu hơn về Văn hoá Phật giáo, cũng như tạo tiền đề cho những người làm Văn hoá tại địa phương trong công tác tổ chức những sự kiện Văn hoá Phật giáo, đáp ứng niềm mong mỏi của Tăng Ni và đồng bào Phật tử.

* TT. Thích Thiện Bảo – Phó ban Văn hóa TƯ, Trưởng ban Văn hoá THPG TP.HCM:

Văn hoá Phật giáo phải tự khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội. Chức năng và vai trò của Văn hoá Phật giáo rất rộng bao gồm việc tôn vinh và phát triển những di sản,  kiến trúc, in ấn sách báo, truyền thông…Tuy nhiên, nhìn chung chúng ta thấy phần lớn tổ chức Phật giáo không có một sự đồng bộ trong việc kế thừa, tôn tạo, bảo quản các di sản Văn hoá mà chúng ta đã có.

Qua những cuộc hội thảo như thế này, cho chúng ta cái nhìn tổng thể để có một hướng đề xuất đến với Giáo hội hình thành công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách tốt hơn. Riêng đối với chức năng truyền thông Văn hoá Phật giáo, Ban Văn hoá TƯGH cần có những buổi trao đổi với các báo đài, để tìm ra một cách thuận lợi, nhanh nhằm phổ biến rộng rãi những công tác về Văn hoá thật nhịp nhàng từ Trung ương xuống địa phương, để giảm bớt tính tuỳ tiện trong việc bảo tồn di sản Văn hoá Phật giáo.

 

TT. Thích Thiện Bảo – Phó ban Văn hóa TƯ đang trả lời phỏng vấn

Mặt khác, trong thời đại ngày nay, khi các phương tiên về thông tin đang tràn ngập trên các làn sóng, internet, phim ảnh… đã phần ảnh hưởng đến Văn hoá bản địa. Do đó, Văn hoá Phật giáo phải biết dung hợp với mọi thời đại. Chuyển tải Văn hoá Phật giáo chính là trực tiếp đưa những giá trị tốt đẹp vào trong đời sống của cộng đồng, để người dân ngày một thấm nhuần tinh thần từ bi, bình đẳng, trí tuệ, bất bạo động của Phật giáo, đưa nếp sống sinh hoạt xã hội thành những ứng xữ Văn hoá có tầm, hướng đến giáo dục đề cao Chân- Thiện- Mỹ. Chắc chắn Văn hoá Phật giáo sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi, nhưng không phải ở hình thức của những ngôi chùa to, những tượng Phật lớn, mà chính là ở thái độ sống và phong cách ứng xử của chúng ta với môi trường sống chung quanh.

* TT. Thích Minh Hiền – Phó ban Văn hóa TƯ, Trưởng ban Văn hoá THPG TP. Hà Nội:

Hà Nội là trái tim của Tổ quốc, không những trong hiện tại, mà đã kéo dài cả nghìn năm. Cụ thể là từ thời điểm Lý Công Uẩn dời đô từ vùng rừng núi Hoa Lư về thành Đại La, dựng nên kinh đô Thăng Long cho muôn đời con cháu Việt Nam, mà sắp tới cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và cũng từ đó văn hóa Phật giáo được chọn để làm bộ mặt cho văn hóa thủ đô. Chính sự lựa chọn này, đã đem dân tộc ta đến vinh quang chói lọi trong dòng chảy bất tận của văn hóa nhân loại, mà điển hình là triều đại Lý, Trần – đỉnh cao của văn minh Đại Việt – văn minh Phật giáo.

 

TT. Thích Minh Hiền - Phó ban Văn hóa Trung ương

Ngày nay, văn hóa Phật giáo vẫn còn in đậm trong lòng thủ đô qua những lễ hội dân gian, qua những mái chùa rêu phong cổ kính, qua những bậc Cao tăng, Quốc sư mà quần chúng thờ phụng, qua lối sống nhân ái nghĩa tình thủy chung của người dân thủ đô nhưng nói một cách chân thành thì những cái đó ta thừa hưởng, chứ không phải là người tạo dựng.

Đây là điểm mà ngành văn hóa Phật giáo Hà Nội rất trăn trở. Thành tích của quá khứ thì huy hoàng sáng lạn mà hiện tại chúng ta như đang lãng quên. Nên trong định hướng sắp tới,  ngành văn hóa Phật giáo Hà Nội nói riêng sẽ cố gắng khôi phục lại những nét đặc sắc đã mất lần qua thời gian, hoặc bị biến tướng, đặc biệt là các lễ hội văn hóa dân gian.

Chùa cổ cũng là một đặc điểm nổi bật của Hà Nội. Rất nhiều di tích đã được xếp hạng. nhưng đến nay chúng ta cũng chỉ dừng lại ở đó. Sắp tới, những kiệt tác kiến trúc này sẽ được giới thiệu rộng rãi đến quần chúng, cũng như bạn bè quốc tế như là những di sản rất Việt Nam.

Mặt khác, nhà nước đang kêu gọi xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng cho hội nhập quốc tế. Trên cơ sở xác định văn hóa dân tộc là văn hóa Phật giáo, chúng tôi nghĩ hơn ở đâu hết, Phật giáo thủ đô với bề dày truyền thống phải đi đầu. Có như thế dân tộc mới phồn vinh, đạo pháp trường tồn.

Nguồn tin: giacngo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây