Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, cẩn cáo trước Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông về những thành quả xây dựng, phát triển đất nước, cầu nguyện quốc thái dân an, đồng thời khẳng định quyết tâm tiếp nối những giá trị cao quý của dân tộc, phát huy những di sản mà Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đã để lại, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trước tấm bia tôn vinh Phật hoàng Trần Nhân Tông dựng lập tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, được trích trong văn tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông do chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó là Chủ tịch Quốc Hội, thay mặt Đảng, Nhà nước đọc nhân Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng nhập Niết bàn, tổ chức tại non thiêng Yên Tử năm 2008; Hòa thượng Thích Thanh Quyết đã đọc lại những lời tưởng niệm sâu sắc của Tổng Bí thư:
“Trần Nhân Tông là vị Vua thứ ba của triều đại nhà Trần đầy hiển hách (năm 1225 - 1400), là người có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc giữ nước và dựng nước ở thế kỷ XIII. Trong 15 năm làm Vua trị vì đất nước (năm 1278 - 1293), Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân hai lần kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, đời và đạo, đạo và đời luôn luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước.
Với đời, Trần Nhân Tông là vị Vua nhân từ, trí tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước, vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược. Trong hòa bình thì dành hết tâm sức, tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Người ra sức chăm lo việc nông tang, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hóa. Với nước ngoài thì thực hiện chính sách kết tình giao hảo, hòa hiếu lân bang, mở mang bờ cõi, nhằm giữ nền hòa bình lâu dài cho đất nước.
Với đạo, Trần Nhân Tông là vị Thiền sư đắc đạo, có nhiều triết lý sâu sắc, khéo kết hợp lấy tâm, đức, trí của đạo làm nền tảng để xây đời. Việc xuất gia tu hành của Người không chỉ giản đơn để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Ðức Vua chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi tâm đạo đức, dạy trí làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; phát huy sự thuận hòa trong nhân tâm trăm họ, tạo ra sự hòa hợp quốc gia, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, gia đình, tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước Việt.”
Trò chuyện thân mật với Hòa thượng Thích Thanh Quyết và chư tăng ni, Tổng Bí thư mong muốn liệt vị tôn túc trưởng thượng trong Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni, Phật tử và các tầng lớp nhân dân ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Ðảng và Nhà nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước và tô điểm cho truyền thống "hộ quốc an dân" của Phật giáo nước nhà.
Tổng Bí thư mong muốn tăng ni, Phật tử sẽ ngày càng nhất tâm xây dựng Giáo hội Phật giáo vững mạnh, nối tiếp tư tưởng "Cư trần lạc đạo", "Hòa quang đồng trần" của Ðức Vua Trần Nhân Tông và tư tưởng Ðại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt đường hướng hoạt động "Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Trung ương GHPGVN, góp phần cùng toàn dân xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Tại đây, Tổng Bí thư và các vị đại biểu trồng cây lưu niệm trước Cung Trúc Lâm Yên Tử.
Theo truclamyentu.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự