Trước khi bắt đầu chương trình khai mạc Pháp hội, Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và thực hiện nghi thức sái tịnh đàn để khai mạc Pháp hội Dược Sư PL2563 – DL2019.
Đức Phật Dược Sư là một vị Phật nổi tiếng với khả năng chữa bệnh của mình. Ngoài tên gọi trên, Ngài còn được biết đến với những tên gọi khác như: Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật hay Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Trên phương diện hiện tượng, đàn tràng được gọi là đàn Dược Sư bởi vì nương vào Kinh Dược Sư Bản Nguyện Công Đức nói về 7 vị Phật Dược Sư ở phương Đông, cho nên có 7 bàn thờ và 7 pho tượng của Phật Dược Sư. Đây gọi là Pháp hội, bởi trong phần “Hội” có phần “Pháp”. Trong đàn tràng có giảng pháp. Khi tụng kinh, chư Tổ đã dạy “tụng kinh giả, minh Phật chi lý”. Tức là tụng kinh không phải chỉ để cầu nguyện, mà tụng kinh phải hiểu được lời lẽ Phật dạy trong kinh như thế nào, và đem lời lẽ đó để thực hành trong cuộc sống thì mới ý nghĩa. Năm nay, tại Pháp hội này, mỗi ngày sẽ có 7 vị Hòa Thượng, Thượng Toạ giáo thọ giảng pháp vào các buổi sáng trước khi bước vào ngày trì tụng kinh, bởi lẽ nghe pháp hiểu đạo thì tụng kinh mới hiểu được ý Phật.
Nhân dịp này, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cũng đã có thời thuyết giảng cho đại chúng về “Tám việc phúc”. Đây chính là 8 bài thuốc, 8 cây thuốc được gieo trồng trên ruộng phúc để cho bản thân được mạnh khỏe, sống lâu, quan chức, giàu có và cũng mong cho mọi người mạnh khỏe, sống lâu, quan chức, giàu có bằng bài pháp 8 ruộng phúc, hàng Phật tử hãy mang tinh thần của Pháp Dược trong kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai này mà ban tặng cho người. Trước nhất hãy ban tặng cho bản thân, bởi ta muốn độ cho người phải độ cho mình trước, phải cứu cho mình trước rồi từ mình lan tỏa với người gần nhất là gia đình, những người thân rồi tới bạn bè và tới tất cả cộng đồng xã hội. Hòa thượng đã chia sẻ về tám việc phúc để phục vụ thế gian và tám việc phúc để phục vụ Phật pháp. Theo thế gian, tám việc phúc đó chính là: đào giếng, bắc cầu, làm đường, hiếu dưỡng cha mẹ, biết ơn Tam Bảo, chăm sóc người bệnh, giúp đỡ người nghèo khó và cuối cùng là thương xót chúng sinh. Còn theo Phật pháp, Hòa thượng nhấn mạnh về 8 việc phúc phục vụ Phật pháp, đó là “Tám việc phúc gọi là phúc điền, tức là tám phúc được gieo lên ruộng tâm bồ đề của chúng ta thì nó thành phúc điền. Các vị thấy quý thầy mặc áo Cà Sa có từng ô, từng điều gọi là phúc điền y. Chư Tổ đã dạy: một là cúng Phật, hai là cúng các bậc Thánh Nhân, ba cúng các bậc thầy Hòa Thượng, bốn là cúng các thầy Xà Lê, năm là cúng chư Tăng, sáu là cúng dàng cha, bảy là cúng dàng mẹ, tám là chăm sóc người bệnh. Trong tám phúc điền chia thành ân điền và bi điền. Cúng Phật, cúng bậc Thánh Nhân, cúng thầy Hòa thượng, cúng thầy Xà Lê, cúng chư Tăng, cúng cha, cúng mẹ gọi là ân điền. Còn chăm sóc người bệnh là bi điền. Bảy cái kia là báo ơn trả ơn và chăm sóc người bệnh là bi điền, là thương yêu người bệnh. Để so sánh công đức chăm sóc người bệnh với công đức cúng Phật thì chăm sóc người bệnh vẫn là lớn nhất. Ngoài ra còn đề cập tới đức điền nói về Tam Bảo”.
Qua đây, Hòa thượng đã khuyến tấn hàng Phật tử hiểu rõ về ý nghĩa của việc tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền “Chư Tổ đã ghi lại trong Hán tạng định nghĩa về lễ Phật tức là “lễ Phật giả kính Phật chi đức”, tức là lễ Phật là cung kính ân đức của Đức Phật; “niệm Phật giả cảm Phật chi ân” – tức là niệm Phật để cảm nhớ tới ân cao dày của chư Phật. Chư Phật vì chúng sinh mà ra đời bằng các ứng thân khác nhau để hóa độ cho chúng sinh, tùy theo căn cơ chủng tính chủng loại của chúng sinh mà ứng hiện thân khác nhau để hóa độ. “Tụng kinh giả minh Phật chi lý” tức tụng kinh để hiểu lời Phật dạy. “Tọa thiền giả, đạt Phật chi cảnh” tức ngồi thiền làm sao mong cầu được cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh của mười phương chư Phật. Do đó, trong Pháp hội hôm nay chúng ta chủ yếu nhất là tụng kinh, trong tụng kinh có lễ Phật. Bên cạnh đó có niệm Phật và tĩnh tâm an trú để tụng kinh, niệm Phật thì đấy là thiền. Nhưng chúng tôi muốn khai thác một cách triệt để nhất là khi một bản kinh chúng ta tụng, không phải tụng như một người thanh niên đọc tiểu thuyết, càng không phải như một người đọc truyện lấy vui, mà chúng ta nhớ rằng là “tụng kinh giả minh Phật chi lý” tức là tụng kinh mà làm sao miệng đọc, mắt nhìn, tai nghe và hiểu rõ được lời Phật dạy kĩ càng từng câu một. Chư Tổ đã nói rằng: “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”. Nếu chúng ta tụng kinh mà chúng ta không hiểu được lời lẽ sâu xa của kinh điển thì nhiều khi chúng ta nghi oan và làm oan cho Phật“.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng hàng Phật tử sẽ sống và thực hành trọn vẹn được đủ 8 việc phúc phục vụ thế gian và phục vụ Phật pháp, tinh tiến tu học, nghe – hiểu và thực hành những lời Đức Phật dạy vào cuộc sống ngõ hầu xây dựng một cảnh giới Tịnh Độ ngay hiện tiền.
Sau đó, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng Ni, đại chúng tiếp tục trì tụng kinh Dược Sư trong niềm chí thành chí kính của người con Phật, cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, gia đình hạnh phúc yên vui.
Buổi trưa, đại chúng cùng thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm, an lạc.
Theo chương trình của Pháp hội, các đạo tràng sẽ luân phiên trì tụng kinh Dược Sư một thời vào buổi sáng, một thời vào buổi chiều, một thời vào buổi tối và trưa cúng ngọ. Còn 8h00 sáng các ngày từ mùng 06 đến ngày 12/10/2019, chư Tôn đức giảng sư sẽ quang lâm và thuyết giảng cho đại chúng nội dung, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc tu tập theo kinh Dược Sư.
49 ngọn đèn hoa đăng treo trên cao thắp sáng chốn thiền, cúng dàng Pháp hội