4 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo chùa Bút Tháp

Thứ ba - 23/10/2012 20:16
Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Văn bản số 3603/BVHTTDL - DSVH gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích chùa Bút Tháp.

Đồng thời, Bộ VHTT&DL cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chủ động bố trí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án.


Chùa Bút Tháp

Bộ VHTT & DL sẽ xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa khi thỏa thuận dự án, trên cơ sở ưu tiên cho tu bổ, tôn tạo các hạng mục gốc của di tích.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn số 2014/UBND-VX ngày 1/10/2012 gửi Bộ VHTT&DL về việc thỏa thuận chủ trương lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích chùa Bút Tháp tọa lạc tại xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành).

Sau khi xem xét đề nghị của tỉnh Bắc Ninh, Bộ VHTT&DL thống nhất với đề nghị về chủ trương lập dự  án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị  khu di tích chùa Bút Tháp.

Dự kiến việc trùng tu, tôn tạo chùa Bút Tháp sẽ được bắt đầu trong tháng 10/2012. Hạng mục đầu tiên được trùng tu tôn tạo là Nhà tổ với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng.

Các hạng mục tiếp theo tại chùa Bút Tháp sẽ tiếp tục được trùng tu theo hiện trạng, với mục tiêu là giữ được nét cổ kính của một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam.

Chùa Bút Tháp là một trong không nhiều ngôi chùa cổ, có quy mô kiến trúc lớn của Đồng bằng Bắc Bộ còn lại đến ngày nay. Chùa có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa giữa kiến trúc với môi trường thiên nhiên.

Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng Nam, một hướng truyền thống của người Việt. Đối với đạo Phật hướng Nam là hướng của trí tuệ, của bát nhã.

Đáng chú ý nhất ở chùa là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm xúc.

Ngoài ra, chùa còn có tháp Bảo Nghiêm thờ Hoà thượng Chuyết Chuyết, trông tháp giống như cây bút khổng lồ vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05 m, năm tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh; ngoài tầng đáy rộng hơn, bốn tầng trên gần giống nhau, rộng 2 m. Năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29 m.

Nguồn tin: Tâm Đức Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây