Muốn diệt “thói xấu” phải... lạy sáu phương

Thứ tư - 24/10/2012 07:10
Theo quan điểm Phật giáo thì đối với mỗi con người sẽ có sáu pháp ác xấu. Muốn đối trị và trừ diệt các pháp này chỉ bằng cách lạy sáu phương.

Trong Kinh Thiện sinh, có đoạn ghi lại rằng: “Một hôm, đức Phật ôm bình bát vào thành khất thực gặp con của một vị Trưởng giả tên là Thiện Sinh đang đê đầu đảnh lễ lục phương là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Hạ và Thượng.

Đức Phật hỏi nguyên nhân vì sao lại lạy thế thì chàng Thiện Sinh bạch đó nói là do di ngôn của cha nên mỗi sáng Thiện Sinh ra vườn, quay mặt về sáu hướng mà làm lạy sáu phương. Tuy nhiên, tuyệt nhiên Thiện Sinh không hiểu được ý nghĩa của việc này.

Lúc này, đức Phật xác nhận thực tế quả có sáu phương ấy nhưng lễ bái cho đúng Chánh pháp. Vì vậy, đức Phật đã thuyết pháp, giảng cho chàng Thiện Sinh hiểu được ý nghĩa của việc lạy sáu phương như thế.

Theo lời Phật dạy, chính nhờ vào việc lạy sáu phương này mà sáu pháp ác xấu là: tham uống rượu; mê cờ bạc; thích ngủ sớm dậy trễ; ưa mời thỉnh khách khứa; thích kết giao cùng kẻ xấu; ham thích việc giết hại; lừa gạt và dan díu vợ người khác được trừ diệt.

Nhưng lưu ý rằng việc lạy sáu phương này cũng có mối quan hệ hai chiều. Cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa hai đối tượng: đối tượng lạy và được lay. Kienthuc.net.vn giới thiệu việc lạy sáu phương như sau:

Lạy phương Ðông: là cốt để tỏ lòng hiếu kính cha mẹ.

Năm phép hiếu đạo của người con đối với cha mẹ là:

- Luôn phụng dưỡng, cung ứng những nhu cầu cần thiết cho cha mẹ.

- Thay thế cha mẹ những công việc khó làm.

- Bảo vệ danh giá dòng họ, thể hiện qua đạo đức của đời sống bản thân mình.

- Làm thế nào để xứng đáng là người thừa kế  của cha mẹ sau này.

- Thường thương kính, tưởng niệm, hồi hướng cho cha mẹ đã qua đời.

Năm phép về sự săn sóc thương mến của cha mẹ dành cho con:

- Giữ gìn cho con không có nhiễm những thói hư tật xấu, dứt trừ các điều ác, làm các việc lành. 

- Giáo dục con cái được chu toàn.

- Tạo dựng cho con làm ăn chính đáng.

- Tạo lập gia đình cho con cái một cách xứng đáng.

- Cho con cái bàn tính, tham dự việc nhà, cùng góp công cho sự xây dựng hạnh phúc gia đình.

Lạy phương Tây: là cốt để tỏ lòng tri ân thầy bạn

Năm phép về bổn phận trò thờ kính thầy:

- Cung kính và thành thật với thầy.

- Luôn hầu hạ và săn sóc thầy.

- Vâng lời dạy bảo của thầy.

- Chăm chú học hỏi những lời dạy của thầy.

- Cầu học với thầy những điều mình chưa hiểu.

Năm phép về tình nghĩa của thầy dành cho trò:

- Cố gắng giáo huấn tất cả những kiến thức hay. 

- Luôn chỉ dạy vun bồi sở học cho trò. 

- Thường hướng dẫn các môn khoa học và các môn khác. 

- Che chở cho trò  mỗi khi gặp nguy hiểm. 

- Phải có lòng rộng rãi, mong muốn cho trò giỏi hơn mình. 

Lạy phương Nam: là cốt để tỏ lòng kính yêu, nhường nhịn giữa vợ chồng 

Năm phép của chồng thương yêu vợ: 

- Ðối xử với vợ một cách kính mến. 

- Luôn hòa nhã, thanh cao đối với vợ. 

- Giữ gìn tín trung với vợ. 

- Giữ gìn cho người khác kính nể vợ mình. 

- Cung cấp cho vợ các thứ cần dùng. 

Năm phép của vợ yêu thương chồng: 

- Trực tiếp lo dọn dẹp gọn gàng trong nhà. 

- Niềm nở gia đình và bạn bè của chồng. 

- Giữ tín trung với chồng. 

- Giữ gìn coi sóc thận trọng của cải trong nhà. 

- Siêng năng khéo léo làm tròn bổn phận của mình. 

Lạy phương Bắc: là cốt để tỏ lòng mến phục lân mẫn đối với thân bằng quyến thuộc và bạn bè. 

Năm phép đối với thân bằng quyến thuộc: 

- Khuyên can, răn nhắc bà con khi có người làm việc chẳng lành. 

- Hết lòng giúp đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất khi có người bị đau ốm, tai nạn, tật yếu... 

- Không nên tiết lộ cho người khác biết về những việc kín đáo, riêng tư của bà con. 

- Không cố chấp giận hờn, mà nên hoan hỷ, thường xuyên lui tới thăm viếng.

- Tận tình giúp đỡ bà con nghèo khổ.

Năm phép đối với bạn bè:

- Bảo vệ, cứu vớt bạn những khi sa cơ thất thế.

- Ðùm bọc và giúp đỡ chỗ nương náu mỗi khi bạn lâm vào tình cảnh khốn khó.

- Không bỏ lơ bạn trong trường hợp nguy nan.

- Tỏ ra hòa nhã và vui thích tới gia đình của bạn.

- Tánh tình rộng rãi, khoan hồng, hòa nhã, thanh cao và luôn sống trong tinh thần bình đẳng.

Lạy phương Hạ: là cốt để tỏ lòng thương xót nô bộc.

Năm phép của chủ muốn khuyến khích nâng đỡ người giúp việc của mình:

- Giao công việc thích hợp đối với thể lực của họ.

- Cho họ đồ ăn thức uống và lương bổng thích hợp.

- Chăm sóc chu đáo khi có bệnh tật.

- Chia sẻ cảc mỹ vị cho họ.

- Cho họ được nghỉ phép đúng mức.

Năm phép của người giúp việc đối với chủ:

- Thức dậy sớm trước chủ, nghỉ ngơi sau chủ.

- Luôn làm tròn nhiệm vụ và ý thức trách nhiệm của mình.

- Giữ  gìn tài vật của chủ, không làm vụt chạc hư hao.

- Hết lòng kính mến chủ.

- Giữ  gìn danh dự và những điều hay cho chủ không chỉ trích nói xấu chủ với người khác.

Lạy phương Thượng: là cốt để tỏ lòng ngưỡng mộ  Sa Môn.

Năm phép đối với bậc Ðạo Sư:

- Phải cung kính vâng lời dạy bảo của quý Thầy, Cô.

- Lời nói đúng đắn và thành thật đối với chư  Tăng, Ni.

- Những tư tưởng phải thanh tịnh, suy xét cho kỹ lời dạy bảo của các vị Tăng lành đức độ, rồi như pháp mà tu hành.

- Cầu học chân thành về những bí yếu của Giáo lý  mà mình chưa hiểu.

- Cúng dường những phẩm vật cần thiết.

Năm phép của các bậc  Ðạo Sư đối với Phật Tử:

- Khuyên tránh điều dữ.

- Khuyên làm việc lành.

- Hết lòng thương mến, chỉ dạy cho họ con đường tu nhân tích đức.

- Hóa giải các nghi chấp.

- Chỉ rõ con đường dẫn tới các cõi Thánh.

Chính Đức Phật chỉ  ra việc lạy sáu hướng có một nội dung cao cả, qua đó người tu sửa hướng về nẻo đường chân, thiện, mỹ. Đây là Lục Phương lễ kinh, có thể nói nó như là “kinh Lễ” của đạo Phật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây