Đến những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa từng bị san phẳng, toàn bộ tượng Phật bị giặc đốt bỏ, ném tro xuống hồ Tây. Trên nền dấu tích cũ, sư Thầy Thích Đàm Đạo đã tôn tạo xây dựng lại chùa theo lối kiến trúc cổ đời nhà Lý.
Phá chùa, đốt tượng Phật
Chùa Võng Thị rộng chừng 5.000m2, nằm ven hồ Tây lộng gió. Từ trước ra sau, những gốc nhãn hàng trăm năm tuổi phủ bóng lên mái chùa tôn nghiêm.
Sư thầy Thích Đàm Đạo, Trụ trì chùa Võng Thị cho biết, chùa nằm trong làng Võng Thị, một làng cổ của Hà Nội. Trước kia, dân làng chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá và "seo" giấy. Nơi đây từng hình thành nên một chợ bán lưới đánh cá cho những người làm nghề ngư phủ quanh hồ Tây nên làng có tên là Võng Thị. Cụm di tích chùa và đình Võng Thị cũng được người dân gọi theo tên làng.
Chùa cổ Võng Thị là một quần thể kiến trúc đẹp với hàng chục bức chạm khắc tinh tế, những pho tượng cổ mang giá trị nghệ thuật cao. Học sinh trường Mỹ thuật Đông Dương và nhiều họa sĩ trong đó có họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thường lui đến chùa để nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và chạm trổ truyền thống.
Thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, chùa bị bom đạn phá hoại điêu tàn. Hầu hết các gian thờ bị giặc san phẳng. Toàn bộ tượng Phật trong chùa bị chúng đốt bỏ và đem tro thả xuống hồ Tây. Thế nhưng, ngay tại sân chùa Võng Thị, hầm chỉ huy của Thành ủy Hà Nội đã được xây dựng và là "an toàn khu" của quân dân thủ đô trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hầm được xây bằng đá hộc, mỗi bề rộng 12m, nửa chìm nửa nổi, phần chìm thông với hệ thống địa đạo. Thành ủy Hà Nội đã làm việc ở đây và chỉ huy quân dânThủ đô lập nên những kỳ tích lừng lẫy, cho đến nay vẫn còn lưu dấu.
Từ trước những năm 1990, chùa được dân làng tôn tạo lại theo các hướng cửa khác nhau. Lần thì hướng cửa chùa thẳng ra hồ Tây, lần thì hướng cửa chùa theo hướng Đông Nam. Cho đến thời điểm hiện nay thì chùa được trùng tu mở cửa theo hướng Tây.
Chùa Võng Thị nằm trong làng cổ Võng Thị.
3 pho tượng Phật "lưu lạc"
Sư Thầy Thích Đàm Đạo đã trụ trì chùa Võng Thị được 21 năm. Nhớ lại lúc mới về tiếp quản chùa, sư thầy cho biết không còn lại một chút dấu tích gì của chùa cổ, ngoài những gốc nhãn đã hàng trăm năm tuổi. Nhìn cảnh chùa điêu tàn, hoang phế, sư thầy lại càng mong muốn dốc hết tâm sức để chùa cảnh được phục hồi tôn nghiêm như cũ. Cùng với dân làng, Thầy đã tổ chức tôn tạo, gây dựng lại từng hạng mục.
Lúc bấy giờ, đang thi công dở dang thì nhà chùa và dân làng nghe tin Công an Hà Nội phá vụ án trộm tượng Phật cổ mang ra nước ngoài bán. Đang "ngậm ngùi" vì chùa không còn pho tượng nào để thờ Phật, những người dân nơi đây đã làm đơn gửi lên Công an Hà Nội đề nghị được rước tượng Phật về thờ tại chùa Võng Thị.
Đơn được gửi đi, nhà chùa và dân làng đều hồi hộp mong ngóng. Quả nhiên không lâu sau đó, Công an Hà Nội đã cử người đưa 3 pho tượng Tam thế Phật về an vị tại chùa Võng Thị. Sư Thầy Thích Đàm Đạo đã làm lễ "hô thần nhập tượng" và thờ trên thượng điện từ đó đến nay. Được biết 3 pho tượng quý được tạc bằng gỗ từ thời nhà Mạc, mỗi tượng cao 0,9m, kể cả tòa sen là 1,2m, ngang gối 0,54m.
Trên chính điện của chùa hiện có một số pho tượng quý được sơn son thiếp vàng như tượng Thích ca giáo chủ, tượng ngài A Nan và Ca Diếp, tượng Bồ tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, 7 pho Thất Phật Thế Tôn, tòa Cửu Long. Ngoài ra, sư Thầy còn đặt đúc một pho tượng Phật Di lặc bằng đồng từ Ý Yên, Nam Định, chuẩn bị cung thỉnh về chùa. Bên trái chính điện là gian thờ Tam tòa Thánh Mẫu, còn ở phía sau là lầu Địa Tạng.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự