Thế nhưng tại TPHCM, hình ảnh những nhà sư khoác cà sa, đi chân đất, lang thang xin tiền “thập phương”đang xuất hiện tràn lan trên khắp các tuyến đường, khu chợ, siêu thị, bệnh viện... Phần lớn sư “khất thực”này thực chất là “hành khất” đội lốt!
Một ngày theo chân “sư thầy”
Mới đây, chúng tôi tình cờ chứng kiến một bác xe ôm giễu cợt một “sư thầy” đang hành khất trên đường Hồng Bàng (quận 5): “Ông ấy à, ông tu trên núi Tà Lưa, tỉnh Vũng Bùn, luyện “Cửu âm chân kinh” nhiều quá nên “tẩu hỏa nhập ma” rồi hả? Sáng giờ kiếm được bao nhiêu? Bao ly càphê coi!”. “Sư thầy” quay lại xổ một tràng những câu chửi tục, nhóm người chạy xe ôm gần đó cười phá lên.
Chúng tôi bất ngờ và thắc mắc với thái độ dành cho “sư thầy”, một anh xe ôm tên là Tiến giải thích: “Bọn tui biết thừa lão, lão “làm” ở đây 2 năm rồi. Ban đầu người ta còn cho, mãi rồi ai cũng biết là sư giả nên giờ lão chỉ xin được tiền của mấy người đi khám bệnh thôi”. Tôi đến thả vào bát nhôm 10.000đ và tranh thủ hỏi pháp danh, nơi tu hành, thì “sư thầy” ậm ừ một lúc mới trả lời: “Ta là Phước Tất, tu ở chùa xa lắm, tận bên Bình Trị Đông ấy...”.
Để hiểu được một ngày “làm ăn” của “sư thầy”, chúng tôi quyết định bí mật bám theo dấu chân Phước Tất. Buổi sáng đầu tuần, khi người đi khám bệnh tập trung khá đông trước cổng các bệnh viện khu vực quận 5, cũng là lúc bắt đầu một ngày “làm ăn” của “sư thầy” Phước Tất. Đi bộ men theo đường Hồng Bàng, đến gần cổng Bệnh viện Đại học Y - Dược, “sư thầy” mở túi nải, lấy bát nhôm ra và lướt một vòng quanh đoàn người đi khám bệnh đang xếp hàng dài. Đảo mắt đánh giá ai có thể là “bổn đạo tiềm năng” thì “sư thầy” tiến đến, đứng trước mặt họ, chìa bát ra...
"Sư thầy" vừa đi vừa đếm tiền trước cổng Bệnh viện Đại học Y - Dược trên đường Hồng Bàng, quận 5.
Khi bệnh viện vãn người đi khám bệnh, “sư thầy” chuyển sang các quán cơm, chìa bát trước mặt khách, ánh mắt như van lơn, đứng lỳ chờ bố thí. “Sư thầy” khất thực kiểu ăn xin như thế từ đường Hồng Bàng, rẽ qua Đặng Thái Thân, rồi đến Mạc Thiên Tích, cuối cùng qua đường Nguyễn Trãi... Sau 12h trưa, “sư thầy” tiến thẳng vào cổng chùa Ông (đường Nguyễn Trãi, quận 5) ngồi ở một góc khuất, mở túi nải ra đếm tiền, rồi ngủ một giấc dưỡng sức cho “ca chiều”.
“Ca chiều” của “sư thầy” bắt đầu lúc gần 14h. Chọn một bóng mát trước cổng chùa Bà (đường Nguyễn Trãi, quận 5), “sư thầy” Phước Tất tập trung vào đối tượng người nước ngoài để “khất thực”. Theo quan sát của chúng tôi, “sư thầy” được khá nhiều người cho tiền, ít thì 5.000đ, nhiều thì 20.000đ, có những người nước ngoài hào phóng đưa cả 50.000đ. Anh Bùi Đạt Thịnh - bảo vệ chùa Bà - ngao ngán: “Chả này không phải sư trong chùa mà qua đây xin tiền miết, đuổi hoài không được, có lần chả còn dọa sẽ giở thói giang hồ nên đành thôi”.
Một buổi “đi làm” của “sư thầy” khác, tên là Phạm Hòa Hiệp lại bắt đầu từ khoảng 20h trước cổng siêu thị Co.op Mart (xa lộ Hà Nội, quận 9). “Sư thầy” chọn địa điểm thuận lợi là lối xe ra để... “khất thực”. Ước chừng trên 35 tuổi, da đen sạm, dáng gầy gò khắc khổ, “sư thầy” luôn miệng lẩm bẩm: “Nam mô A Di Đà Phật”. Người ra vào siêu thị đông đúc, tấp nập nên chỉ một lúc, chiếc bát trên tay “sư thầy” đã đầy tiền. Hàng trăm người đi qua, mỗi người bỏ vào bát 5.000đ - 10.000đ, chúng tôi tính nhẩm sau gần 2 tiếng đồng hồ “khất thực”, thu nhập cũng phải đến vài trăm ngàn đồng.
Sau giờ “khất thực”
Khoảng 18h tối, thấy người đi chùa vãn dần, “sư thầy” Phước Tất chậm rãi bước dọc theo đường Nguyễn Trãi, rồi sà vào một quán càphê ven đường, gọi cốc càphê và vô tư phì phèo hút thuốc. “Sư thầy” còn thản nhiên văng tục, nói chuyện to tiếng với người bán hàng. Trên đường về, “sư thầy” vẫn tranh thủ “tăng ca”, lân la đến những chỗ đông người chìa chiếc bát nhôm để xin tiền tiếp. Đến công viên Á Đông, mặc cho người qua lại, “sư thầy” tìm một gốc cây rồi vô tư... đứng tiểu tiện. Phút chốc, “sư thầy” này trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, từ người đi đường đến những người trong công viên đều phải trông thấy một cảnh tượng “xưa nay hiếm”.
Đến đoạn đường giao nhau giữa Phạm Phú Thứ và đại lộ Võ Văn Kiệt, “sư thầy” ngồi bệt dưới một mái hiên, quay mặt vào tường cởi bỏ áo cà sa, mở túi nải lấy đồng hồ và nhẫn vàng đeo, lại đếm tiền rồi tiếp tục đi bộ về hướng quận 8. Một lát, “sư thầy” sà vào một quán hủ tiếu trên đường Ngô Sĩ Liên (quận 8). Vừa thấy “sư thầy”, bà chủ quán nhanh nhảu: “A! Thầy về!”, rồi bưng ra một tô hủ tiếu xương. Vừa ăn, “sư thầy” vừa hào hứng kể cho bà chủ nghe thành tích một ngày bận rộn: “Cái đoạn Trần Hưng Đạo bán nước sâm mẹ gì ấy, mấy bả cho chục chục không. Chợ Bình Tây cho ky quá!”.
"Sư thầy" ngồi uống càphê, hút thuốc lá ở một quán ven đường Nguyễn Trãi, quận 5. Ảnh: Khương Quỳnh - G.Anh
Câu chuyện cứ vậy, xoay quanh một ngày “làm ăn” của “sư thầy”. Xong xuôi, “sư thầy” đứng dậy, cầm đôi đũa quẹt ngang miệng, khoác túi nải thủng thẳng bước vào một con hẻm nhỏ ngay gần sát quán, kết thúc một ngày “hành khất”. Chúng tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 22h đêm.
“Sư” Phạm Hòa Hiệp “hành nghề” trước cổng gửi xe siêu thị Co.op Mart (xa lộ Hà Nội, quận 9) lại kết thúc một ngày rất an nhàn. Khoảng 21h, khi khách ra vào đã vắng, “sư thầy” rảo bước về phía đường Lê Văn Việt, vẫn bộ áo cà sa, “sư thầy” lấy chiếc xe Cub 50 gửi ở cổng sau siêu thị Co.op Mart, móc điện thoại gọi cho ai đó rồi phóng nhanh vào đường Đình Phong Phú. Thỉnh thoảng, “sư thầy” dừng xe và lại gọi điện thoại, nhìn trước ngó sau mới nhấn ga chạy tiếp, rẽ vào đường Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp rồi về khu nhà trọ số 89A, khu phố 6, tổ 2, phường Phước Long B, quận 9.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến khu trọ của “sư thầy” Phạm Hòa Hiệp để tìm hiểu thêm. Bà chủ dãy phòng trọ Nguyễn Thị Châu (72 tuổi) chỉ cho chúng tôi phòng “sư thầy” Phạm Hòa Hiệp. Bà nói: “Ổng ở phòng số 4 đó con, nghe đâu quê ở ngoài Quảng Trị. Tui cũng không rõ lắm, mặc dù ổng ở đây gần 4 năm trời rồi. Tui thấy ổng đi đâu vào buổi sáng miết, ở kín đáo lắm, chẳng giao du với ai. Tui biết có vậy à, còn muốn tìm hiểu gì, các con tự hỏi ổng nhé!”.
Những buổi tối sau, chúng tôi lại thấy “sư thầy” này “khất thực” ở địa điểm cũ. “Sư thầy” vẫn được rất nhiều người cho tiền, thậm chí, có người sau khi “cúng” tiền vào bát còn chắp tay vái, điệu bộ rất cung kính. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi lại nghĩ đến lời chị Nguyên bán nước trước cổng siêu thị Co.op Mart (xa lộ Hà Nội, quận 9): “Chỉ có nhà sư mới có cái bát kiểu ấy chứ nhỉ, cả cái áo cà sa nữa! Có khối cách kiếm tiền, ai mà làm trò thất đức giả sư để kiếm tiền cô ơi!”.
Theo chân các nhà sư giả này mới hiểu sở dĩ hiện tượng sư giả đi “hành khất” càng lúc càng lan rộng vì “hành khất” trá hình “khất thực” là một cái nghề kiếm tiền quá dễ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Sư Vạn Hạnh, đường Hồng Bàng (quận 5), khu vực Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) có rất nhiều sư giả thường xuyên lai vãng. Tuy nhiên, những đối tượng này thường hoạt động nay đây mai đó, không cố định nên gây nhiều khó khăn trong việc quản lý.
Đề nghị xử lý theo quy định pháp luật
Trao đổi phóng viên, hòa thượng Thích Trí Quảng - Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM - cho biết: “Từ năm 2004 đến nay, Giáo hội Phật giáo đã không chấp nhận hình thức các nhà sư đi hành khất phi thời phi pháp. Còn một số người đi theo giáo phái Khất sĩ nằm trong Giáo hội Phật giáo thì phải đi theo đoàn thể từ 4 người trở lên, bắt đầu từ khi mặt trời mọc đến tối đa là 11h30, không được nói năng, không nhận tiền, chỉ nhận thức ăn chay đã nấu chín, mặc đúng lễ phục và có đeo thẻ của Hội Phật giáo.
Khi đi hành khất xong, tu sĩ phải trở về chùa, chỉ chấp nhận việc ở lại bên ngoài nếu tu sĩ đi hành khất quá xa chùa, nhưng phải ở lại một trụ sứ nào đó. Việc hành khất nếu nằm ngoài những quy định trên, chúng tôi khẳng định đó đều là hình thức giả danh tu sĩ để trục lợi. Với những hình thức tu sĩ đi hành khất phi thời phi pháp, Giáo hội Phật giáo sẽ có biện pháp xử lý riêng, còn những hình thức mạo danh nhà sư làm việc bất chính, đề nghị Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật”.
Nguồn tin: Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự