Nay chùa đã được công nhận là một di tích cấp quốc gia. Nơi đây, tinh khiết, trong trẻo gần như tuyệt đối của một vùng trời, nước và đảo hoang sơ, ít dấu chân người.
Thắng tích bên phá Tam giang
Quốc tự mang tên Thánh Duyên. Chùa toạ lạc ở Tuý Vân sơn, cổng chùa quay về hướng Đông Nam, ngày trước thuộc phường Đông Am, tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; nay là làng Hiền Vân, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, TT Huế.
Túy Vân sơn còn có tên gọi khác là Mỹ Am sơn hay núi Mũi Am - mũi đất nằm gần phá Cầu Hai, nơi tiếp giáp với cửa biển Tư Hiền( ngày xưa có tên khác là Tư Dung).
Để đến được với chùa, từ phía Bắc có thể men theo Quốc lộ 49b hướng đi từ Huế về Thuận An rồi theo đường ven biển về đến chùa, cũng có thể từ Quốc lộ 1A rẽ hướng cầu Trường Hà rồi cũng theo Quốc lộ 49b.
Chùa Thánh Duyên cũ do chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế năm 1691) lập nên.
Mùa thu năm 1836, Vua Minh Mạng hạ chỉ cho đào móng, xây chùa mới trên di tích cũ, và đặt tên là Thánh Duyên và xây thêm gác Đại Từ và Tháp Điều Ngự. Chùa có tên là Thánh Duyên vì: “Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm; Duyên bổn thị nhân, nhân bổn thị duyên, hữu thị duyên nãi khuếch thiện nhân chi quảng bị” (Thánh tức là Phật, Phật tức là Thánh, bởi có thánh hiền mới khai tỏ Phật pháp thâm sâu; Duyên vốn là nhân, nhân vốn là duyên, hễ có duyên tốt mới chuyển hoá nhân lành rộng lớn). Đến năm đầu năm 1837 thì công việc trùng tu hoàn thành.
Tổng thể công trình chùa Thánh Duyên theo bố cục Chùa – gác – tháp, bố cục này khác hẳn với chùa Thiên Mụ (tháp rồi mới đến chùa). Bố cục này thể hiện tư tưởng Tam giáo đồng nguyên trong kiến trúc Phật giáo.
Các công trình kiến trúc cứ cao dần theo thế núi, những bậc cấp đi lên chùa do vậy trở thành những con đường nhỏ uốn mình dưới những rặng thông cổ thụ. Tuy nhiên, du khách lại không thấy các công trình này riêng lẻ mà là cảm giác nối tiếp nhau, tưởng chừng như tất cả đều nằm trong hệ thống trật tự, hài hoà theo quy luật phong thuỷ.
Chính điện thờ Phật là một ngôi nhà rường 3 gian 2 trái, cũng được kiến trúc hai tầng và mái lợp ngói liệt theo kiểu trùng thiềm điệp ốc.
Cách thờ tự ở chùa Thánh Duyên có tính cách đặc thù, không trình bày theo truyền thống chùa Huế. Gian chính ở giữa thờ Tam thế Phật: quá khứ, hiện tại và vị lai; phía trước thấp hơn bàn thờ Phật là bàn thờ bài vị vua Minh Mạng; hai gian tả hữu lại có những bàn thờ ở trong cùng và ở bên trước. Hai bên có hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh vương, mỗi bên gần sát vách thờ 5 tượng; tiếp đến vào phía trong thờ 2 dãy tượng thập bát La Hán, mỗi bên 9 tượng. Dãy bên trái có tượng Bồ đề đạt ma toạ thiền, đối qua bên phải là tượng Địa Tạng ngồi trên con sư tử xanh.
Gác Đại Từ là công trình được xây dựng theo lối nhà rường ở Huế. Gác được chia làm 3 gian: gian giữa thờ Phật, gian bên phải thờ đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ tát Đại Thế Chí.
Tháp Điều Ngự là công trình cao nhất trong tổng thể kiến trúc Chùa Thánh Duyên. Tháp nằm trên một gò đất cao, tháp cao khoảng 13m, tháp có ba tầng, tháp có lối kiến trúc đế hình vuông. Mỗi tầng của tháp đều có lan cang và ba của vòm.
Ứng trên tầng hai và tầng ba nhìn ra bốn phía có thể thấy toàn cảnh không gian bên dưới là làng mạc, đầm phá, núi non, biển cả, cảm giác như toàn bộ đất trời đều nằm gọn trong lòng bàn tay, thật là một danh thắng hiếm hoi của đất nước. Phía sau Tháp Điều Ngự là Đình Tiến Sảng. Đình Tiến Sảng trước hết là để nghỉ ngơi, hóng gió mát từ ngoài biển khơi, sau đó là để tĩnh tâm.
Tổng thể công trình chùa Thánh Duyên và Túy Vân Sơn này đã được vua Thiệu Trị xếp hạng thứ 9 trong 20 thắng cảnh đất Kinh kỳ với tên gọi là Vân Sơn Thắng Tích.
Chùa Thánh Duyên hiện vẫn còn giữ lại những hiện vật có giá trị văn hóa và lịch sử cao. Trong đó đặc biệt có 2 tấm bia: 1 tấm bia được đặt trong chùa là tấm “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ” của vua Minh Mạng, nói về việc vua tuần du Mỹ Am sơn năm 1835; tấm thứ hai là tấm bia được đặt ở phía tả cổng chùa, là tấm bia của vua Thiệu Trị, dựng vào năm 1841, có khắc bài “Vân Sơn Thắng Tích”.
Tại đây còn đến gần 70 pho tượng đồng, đặc biệt là bộ 18 tượng La Hán với nét điêu khắc tuyệt vời thể hiện nghệ thuật đúc tượng của thế kỷ XIX. Chùa được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2006.
Cần bàn tay du lịch
Bao năm qua, ngôi chùa vẫn trầm mặc lặng yên với thời gian, vẫn hấp dẫn bước chân của nhiều lữ khách. Tuy nhiên vấn đề khai thác du lịch từ khu di tích này hầu như là không có. Theo lời của Ông Hoàng Văn Cầu( phó chủ tịch xã Vinh Hiền) cho hay: “Du lịch ở đây nhiều năm qua là dạng du lịch tự do.” Nói rõ ra là du lịch tự phát, tự đến và tự đi. Khách du lịch đến với Chùa Thánh Duyên trong mỗi mùa hè khá nhiều tuy nhiên đa phần đi theo dạng gia đình và các nhóm thanh niên từ thành phố có sở thích khám phá.
Họ lên thăm chùa Thánh Duyên xong lại ra biển Vinh Hiền để nghỉ ngơi, thưởng thức hải sản cũng như tắm biển. Dạng du lịch này lại không đem đến hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh cỏ vẻ như lờ đi Thánh Duyên. Ông Nguyễn Văn Khuyến ( cán bộ thông tin văn hóa xã Vinh Hiền) cho biết, xã đã kêu gọi đầu tư du lịch, nhưng đã ba năm vẫn chưa triển khai được. Nguyên nhân của việc này là do nguồn ngân sách của địa phương không đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng các hạng mục du lịch.
ặc biệt là con đường từ quốc lộ 49b vào Chùa Thánh Duyên, nhiều năm qua xã đang huy động nguồn vốn để nâng cấp, mở đường cho việc đi lại thuận lợi hơn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tuy còn có những khó khăn nhưng Vinh Hiền cũng có những thuận lợi nhất định để khai thác du lịch từ Chùa Thánh Duyên cũng như Biển Vinh Hiền (một bãi biển được nhiều người đánh giá là đẹp và sạch, cách chùa Thánh Duyên khoảng 1km).
Cuối năm 2007, cầu Tư Hiền được khánh thành đưa vào sử dụng, đây là cây cầu nối liền hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình đồng thời nối thông QL49B ven biển với QL1A, đặc biệt khi mũi Chân Mây Tây được khai thông sẽ mở ra hướng phát triển mới cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và của cả tỉnh Thừa Thiên - Huế, nối liền Vinh Hiền với tam giác du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương – Bạch Mã, đây là điều kiện thuận lợi để kết nối các tour du lịch mới.
Chùa Thánh Duyên nằm ngay bên Tam Giang Cầu Hai, các tour du lịch khám phá đầm phá Tam Giang cũng có thể kết hợp tham quan thắng tích bên cạnh đầm phá. Chùa Thánh Duyên có thể là chốn dừng chân nghỉ ngơi sau những giờ phút lênh đênh trên phá Tam Giang.
Nguồn tin: Báo Đất Việt
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự