Những tờ giấy bạc do Ngân hàng Nhà nước chính thức phát hành và đang còn giá trị sử dụng trên thị trường đã bị biến thành vật phục vụ một loại não trạng mê tín.
Cần nói ngay để phân định rằng tập quán đốt và rải tiền vàng mã vốn tồn tại trong dân gian theo quan niệm tín ngưỡng không tiến bộ. Hủ tục ấy từng bị nhiều người lầm tưởng là xuất phát từ nghi lễ Phật giáo.
Nhưng hoàn toàn không phải vậy: trên báo Đuốc Tuệ từ những năm 1937-1938, hòa thượng Thích Trí Hải - một cao tăng đóng góp nhiều công sức trong việc chấn hưng Phật giáo miền Bắc - đã viết bài phê phán tệ trạng đốt tiền vàng mã: “Chính trong kinh Phật chỉ thấy chỗ nào cũng nói cấm đốt vàng mã. Như trong kinh Dược Sư là bộ kinh rất nhiều người tụng, có nói: “...Đốt tiền và các thứ vàng mã cũng là giết chóc chúng sinh để tế bái quỷ thần, chỉ thêm tội nghiệp và chóng chết mà thôi chứ không ích lợi chi cả”.
Và từ hơn 70 năm trước, chính hòa thượng Trí Hải đề xuất: “Chúng ta nên đem số tiền đốt vàng mã góp lại, giao cho Hội Phật giáo dùng làm việc từ thiện”. Đáng tiếc là những tư tưởng tiến bộ sớm sủa ấy đã không được cộng hưởng trong cộng đồng cư dân VN, đến nay vẫn còn tồn tại tư duy muốn dùng tiền (cả thật và giả) để kết nối với thế giới thần linh!
Tất nhiên, trách nhiệm bảo vệ đồng tiền quốc gia cùng những chế tài đối với hành vi không tôn trọng đồng tiền do Nhà nước ban hành đã được luật hóa. Cho nên ngoài sự lệch lạc trong tín ngưỡng và mù quáng thực hành hủ tục, không còn lý do gì có thể biện minh cho hành động thản nhiên vứt bỏ đồng tiền như thế.
Cùng với nỗ lực lên tiếng của giới truyền thông, cộng với sự tham gia của các cơ quan chức năng trong việc ban hành các quy định cụ thể về việc tổ chức lễ tang và các nghi thức lễ hội công cộng, nội dung đốt tiền vàng mã ngày càng được lưu ý loại bỏ. Một số cơ sở đình, chùa Phật giáo cũng khuyến khích các tín đồ phật tử và khách hành hương không đốt vàng mã, như một hành động thiết thực bảo vệ môi trường...
Hi vọng điều này sẽ ngày càng được ủng hộ và nhân rộng trong dân chúng, chứ không lẽ trong một thế giới ngày càng văn minh, mà những hủ tục “kỳ vọng vào thần linh” lại liên tục phát triển từ chỗ rải tiền vàng mã đến rải luôn tiền thật trong các đám tang, thì có lẽ những tiền nhân cấp tiến như hòa thượng Trí Hải cũng lắc đầu bó tay với thế hệ con cháu hậu sinh mà hủ lậu đến vậy.
Nguồn tin: Lam Điền
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự