Kỳ lạ chùa đạn bắn không trúng, nước lũ không tới thềm

Thứ hai - 16/07/2012 08:22
Cả vùng Sơn Tây (Hà Nội) nước ngập mênh mông, nhà cửa ruộng vườn chìm trong biển nước. Nhưng người dân sống gần Chùa Mía vẫn bình yên vô sự bởi nước chỉ bò đến cổng Đông, phải 700-800m nữa mới tới cửa Tam quan chùa.

Cõi Phật tâm linh che chở người đời

Ký ức của cụ bà tuổi ngót chín mươi vẫn còn lưu giữ như in trận lụt kinh hoàng do vỡ đê sông Hồng năm 1945. Với đôi mắt tinh, cụ Hoàng ngừng nhai trầu hồi tưởng lại trận đại hồng thủy năm ấy: “Nghe tin vỡ đê, lại đúng năm cả nước gặp nạn chết đói. Lo và sợ lắm! Cả dân làng dừng việc chạy chợ, kiếm ăn, tất tả về làng tránh lũ”.


Trận lũ kỷ lục vẫn in hằn trong trí nhớ cụ Hoàng. Điều cụ thấy lạ lùng nhất là nước lũ dù có lớn đấy mấy cũng không bò lên đến thềm chùa Mía

Lúc đó nước lũ kéo về, tiếng nước, tiếng mưa gầm réo, nhưng thật kỳ lạ, nước chỉ bò qua cổng làng, chảy chậm dần rồi dừng lại giữa con dốc trước cổng Đông. Đường đi vào vẫn khô ráo như thường. " Năm đó, ngoài mấy con nghé, con bê, lũ gà hoảng loạn không chạy được bị nước cuốn trôi, còn người già, người trẻ trong làng bình yên vô sự. Dường như một bàn tay vô hình nào đó chở che!”, cụ Hoàng ngẫm nghĩ, cất tiếng như tự nói với mình. 

Theo sự hướng dẫn của cụ Hoàng, chúng tôi đi trên con đường, ngày xưa nghe nói đắp bằng đất đỏ, dốc lên dốc xuống quanh co, nay uốn thẳng rải nhựa dẫn lối lên ngôi chùa kỳ lạ này. 

Thế đất cao, chúng tôi phải ngước lên nhìn mới đụng cửa Tam quan. Xin phép Sư thầy trụ trì, chúng tôi bước vào cõi Phật. Hai bên Đại hùng Bảo điện trước ban Tam Bảo, hai tượng Hộ Pháp sừng sững uy nghi.


Ngồi chùa Mía linh thiêng, bảo vệ người dân nơi đây tránh thiên tai

Ông Nguyễn Quốc Quân, một người giữ gien giống gà Mía quý hiếm nổi tiếng cả vùng mời chúng tôi về nhà chơi và kể lại câu chuyện liên quan tới ngôi chùa và hai ông hộ pháp. Chuyện cũng ly kỳ không kém trận đại hồng thủy năm nào. 

Ông Quân kể, năm 1947, Pháp mở trận càn lên vùng đất Mía. Súng mooc-chê bắn đì đùng. Làng bên nhiều người thiệt mạng. Những ngôi nhà đá ong bị đạn bắn thủng, tróc lở. Đất đá bị sới tung vung lên trời rào rào. Dân làng Đông Sàng lũ lượt kéo lên chùa Mía, ẩn nấp sau lưng hai ông Hộ Pháp. Lạ một điều, đạn giặc như bị bàn tay vô hình đẩy lạc hướng và không một viên nào rơi vào nổi không gian của chùa, nên không có ai bị thương”.


Lúc giặc đến, cả làng núp sau hai ông hộ pháp trong chùa, không ai bị thương

Tượng Phật chùa Mía mỗi pho một vẻ, thân thiện như dáng vẻ đời thường. Trẻ con vào chùa nhìn Phật, đêm không mơ mấc mộng mị. 

Ông Đức Lợi một thư pháp gia của làng cho biết: “Mỗi độ Tết về, tôi kê bàn viết thư pháp chữ Hán trước cửa chùa lại trầm ngâm nhớ về tuổi ấu thơ. Hồi ấy, cứ ra vườn chùa hái chiếc lá na, ấp lên quyển sách trên tay ông La Hán rồi đọc, bỗng thông minh, học hành minh mẫn hẳn”. 

Dường như người dân quê nơi đây đều có những kỷ niệm về ngôi chùa thân thuộc vùng quê họ. Có thể hỏi bất cứ ai, từ già đến trẻ, chúng tôi cũng có được thông tin về chùa, về tượng phật trong chùa.


Chùa Mía nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao nhất trong vùng

Chuông chùa hai tỉnh cùng nghe 

Chùa Mía không chỉ đặc biệt bởi nước lũ bò không tới thềm, đạn bắn không trúng vì nhờ tượng Phật mà còn đặc biệt bởi chiếc chuông có độ ngân xa không đâu bằng. Ai đến nơi này cũng phải công nhận, mỗi chiều, từ đỉnh tháp, từng tiếng chuông ngân xa, vượt đất Sơn Tây, bay qua sóng gió sông Hồng vọng đến đất Phú thọ... Một hồi chuông hai tỉnh cùng nghe. 

Sở dĩ chuông có độ ngân vang lớn như vậy là bởi, thứ nhất nó được làm từ chất liệu đồng cực tốt với một công thức pha chế đặc biệt. Hơn nữa, chùa có vị trí cao, trên đỉnh một ngọn đồi cao nhất trong vùng, chuông lại được đặt trong ngôi tháp vươn vút trời xanh... 

Chùa Mía còn đặc biệt hơn bởi huyền thoại về bà chúa Mía. Chuyện kể rằng, vào khoảng thế kỷ 17, ngôi chùa cổ này vốn có tên chữ “Sùng Nghiêm Tự” bị hư hỏng, điêu tàn đổ nát. Lúc bấy giờ Cung phi Ngọc Dung còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu, trong một chuyến du ngoạn qua đây, được dân Đông Sàng đón mời vào thăm.


Ngôi chùa đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh

Vốn người làng Nam Nguyễn (Nam An), là phi tần được sủng ái trong phủ chúa Trịnh Tráng (1623-1657), Cung phi Ngọc Dung từng giúp người dân trong vùng xây chùa, xây chợ, mở bến đò Hà Tân thông thương kinh tế, văn hóa hai vùng Sơn Tây - Phú Thọ nên tôn sùng bà là “Bà chùa Mía”. Thấy chùa Sung Nghiêm Tự hư hại quá nhiều, vào năm 1632, bà đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn… và các làng thuộc Tổng Mía cũ cùng tôn tạo lại. Từ đó, ngôi chùa được người dân tôn kính gọi là chùa Mía 

Trải qua năm tháng, Chùa Mía được tu bổ nhiều lần, nhưng về quy mô, kiến trúc vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Tấm bia dưới gác chuông ghi năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621) nói khá kỹ về việc lập nên và tu sửa chùa. 

Từ những năm đầu đất nước hòa bình, Chùa Mía đã được công nhận Danh lam thắng cảnh. Tháng 5/2006, ngôi chùa tiếp tục được Thành hội Phật giáo TP HCM kết hợp với Trung tâm Sách kỷ lục Việt Namcông nhận là Ngôi chùa chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. 

Chùa có đến 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung sơn son thếp vàng, 107 tượng mộc và sáu pho tượng bằng đồng...

Nguồn tin: Báo Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây